Đối với hình thức đấu thầu

Một phần của tài liệu Thị trường trái phiếu Chính phủ ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện.docx (Trang 87 - 89)

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VÀ HOÀN THIỆN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ Ở VIỆT NAM

3.3.3.2.Đối với hình thức đấu thầu

- Thứ nhất, tín phiếu kho bạc đấu thầu qua Sở giao dịch NHNN: Để đáp ứng yêu cầu huy động vốn để bù đắp thiếu hụt NSNN và tăng khối lượng giao dịch trên thị trường tiền tệ, trước mắt tăng tần suất đấu thầu lên 2 phiên/tuần với các kỳ hạn khác nhau, tạo điều kiện cho các thành viên có tiềm lực vốn thuộc loại vừa và nhỏ đều có thể cùng tham gia. Nếu cần thiết có thể tổ chức thành hai sân chơi riêng căn cứ vào tiềm lực vốn của các thành viên qua đó hạn chế yếu tố lợi thế về vốn trong cạnh tranh. Bộ Tài chính cần đưa ra lịch trình đấu thầu theo kế hoạch huy động vốn để xây dựng được đường cong lợi tức và đảm bảo là không tập trung phát hành các

loại trái phiếu vào cùng một thời điểm. Kết hợp phương thức đấu thầu Hà Lan và đấu thầu kiểu Mỹ; trước mắt vẫn tiếp tục áp dụng phương thức đấu thầu kiểu Hà Lan, khi thị trường phát triển có thể áp dụng đấu thầu theo kiểu Mỹ để tăng khả năng cạnh tranh. Mở rộng đối tượng tham gia đấu thầu TPCP, theo đó là mức vốn cần thiết để các nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia đặt thầu trực tiếp; đối với tín phiếu kho bạc áp dụng cơ chế đấu thầu 1 cấp với các thành viên là các định chế tài chính trung gian.

- Thứ hai, trái phiếu Chính phủ đấu thầu qua TTGDCK, xuất phát từ đặc điểm -là độ tín nhiệm và nhu cầu vốn của các thành viên là khác nhau, vì vậy cần tổ chức các phiên đấu thầu riêng biệt với các điều kiện và điều khoản (đơn đặt hàng) khác nhau. Tuỳ theo tình hình của thị trường, nhu cầu vốn của nhà phát hành mà có thể thay đổi hình thức đấu thầu hoặc là cạnh tranh về lãi suất nhưng phải mua trái phiếu theo mệnh giá; hoặc là chấp nhận mức lãi suất thanh toán cố định của nhà phát hành (lãi suất Coupon) nhưng được mua trái phiếu cao hơn hoặc thấp hơn mệnh giá.

Triển khai phương thức đấu thầu trái phiếu theo lãi suất điều chỉnh khi điều kiện cho phép; điểm khác biệt của phương thức đấu thầu này là cơ chế xác định lãi suất và giá bán trái phiếu rất linh hoạt. Bộ Tài chính sẽ công bố trước lãi suất định kỳ (lãi suất coupon). Thông qua đấu thầu sẽ hình thành lãi suất thực tế trúng thầu, có thể cao hoặc thấp hơn lãi suất Coupon của Bộ Tài chính, tuỳ theo tình hình cung cầu vốn trên thị trường. Chênh lệch giữa lãi suất thực tế và lãi suất coupon dẫn đến sự tăng giảm giá bán trái phiếu, cụ thể:

+ Nếu cung vốn lớn hơn cầu vốn, lãi suất trúng thầu sẽ thấp hơn lãi suất

coupon; để bớt thiệt hại cho NSNN vì phải thanh toán lãi suất cao hơn lãi suất trúng thầu thực tế, các đơn vị trúng thầu phải thanh toán tiền mua trái phiếu cao hơn mệnh giá.

+ Nếu cung vốn nhỏ hơn cầu vốn, lãi suất trúng thầu sẽ cao hơn lãi suất coupon; để người sở hữu trái phiếu đỡ bị thiệt hại vì được thanh toán lãi suất thấp

hơn lãi suất trúng thầu thực tế, các đơn vị trúng thầu sẽ được thanh toán tiền mua trái phiếu thấp hơn mệnh giá.

Như vậy, lãi suất trúng thầu có thể cao hoặc thấp hơn lãi suất coupon, nhưng Bộ Tài chính vẫn thanh toán theo lãi suất coupon; còn giá bán trái phiếu thì có thể thấp hoặc cao hơn mệnh giá. Việc áp dụng phương thức này có ưu điểm là lãi suất trúng thầu phản ảnh sát tình hình thị trường. Các nhà đầu tư không phải chịu sức ép về việc áp đặt lãi suất trần của Bộ Tài chính, đảm bảo bình đẳng quyền lợi kinh tế giữa người đi vay và người cho vay; hạn chế tình trạng có đơn vị đặt thầu nhưng kết quả đấu thầu thấp hoặc không có đơn vị trúng thầu, ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vốn. Để phương thức này có hiệu quả đòi hỏi phải có nhiều thành viên thường xuyên tham gia đấu thầu, kết quả trúng thầu lúc đó mới phản ảnh đúng lãi suất thị trường thông qua cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và công khai.

Một phần của tài liệu Thị trường trái phiếu Chính phủ ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện.docx (Trang 87 - 89)