Toàn huyện có 93 công trình kênh, mương phục vụ nông nghiệp với tổng năng lực phục vụ 54.160 lượt ha, tổng chiều dài 326,1 km. Trong đó, có một kênh cấp I (18 km), 12 kênh cấp II (85,9 km), 14 kênh cấp III (61,3 km) và 66 công trình kênh mương nội đồng (160,9 km).
Cùng với phát triển thủy lợi, mạng lưới giao thông nội đồng và các tuyến giao thông chính của huyện không ngừng được nâng cấp, cải tạo ngày một tốt hơn, trong đó có trục giao thông chính trên bộ là tuyến tỉnh lộ 954 từ Năng Gù đi Tân Châu, tuyến lộ sông Hậu và tuyến lộ Kênh Thần Nông. Mạng lưới giao thông thủy thuận lợi cho lưu thông, giao lưu hàng hóa trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia, tạo điều kiện phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Huyện có mạng lưới điện quốc gia từ năm 1990, có trạm biến áp 35 KV đặt tại xã Phú Thọ, chuẩn bị xây dựng trạm biến áp 110KV tại trung tâm thị trấn Phú Mỹ. Đến nay đã phủ điện đến các trung tâm xã, thị trấn, các vùng dân cư tập trung, 100% cơ sở công nghiệp được cung ứng đủ công suất điện cho sử dụng, 70% diện tích canh tác đã được bơm tưới, tiêu bằng điện. Đến cuối năm 2004 toàn huyện có 97% hộ có sử dụng điện cho sinh hoạt.
Mạng lưới bưu điện – thông tin liên lạc được mở rộng phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Đến nay đã phát triển được 4 bưu cục trong đó có 3 bưu cục xã, với gần 9.000 máy điện thoại, mật độ sử dụng điện thoại bằng 5% dân số, bình quân 4,5 hộ dân có 1 máy điện thoại.
Toàn huyện có 141.113 người trong độ tuổi lao động, chiếm 47,95% dân số. Trong đó lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 126.437 người chiếm 89,6%; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm chiếm 10,40%. Nguồn lao động của huyện khá dồi dào, tuy nhiên chất lượng còn thấp, có trên 96% lao động thủ công, đơn giản; tỷ trọng lao động qua đào tạo còn thấp chiếm 15%; thời gian sử dụng lao động trong nông nghiệp chiếm 60%.
Năm 1998, huyện được công nhận phổ cập tiểu học; năm 2005 tỷ lệ phổ cập trung học cơ sở đạt 80%.
Dân tộc chủ yếu là người Kinh chiếm 98% còn lại là người Hoa và Chăm. Toàn huyện có 53.818 hộ sinh sống, huyện mang đậm nét của một vùng tôn giáo, trong đó có 84,2% hộ theo đạo Hòa Hảo với khoảng 121.000 tín đồ chiếm 52% dân số. Các tôn giáo khác gồm Phật giáo chiếm 13%, Công giáo chiếm 1,9%, Cao Đài chiếm 2,2%, Hồi giáo chiếm 1% và các tôn giáo khác chiếm là 0,7%.
Huyện có di tích lịch sử, di tích văn hóa, làng dân tộc Chăm…và là nơi khai sinh đạo Phật Giáo Hòa Hảo, nơi đặt trụ sở Ban trị sự Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo, hàng năm thu hút trên 1 triệu lượt khách đến hành hương.
Từ đặc điểm tự nhiên, đặc điểm kinh tế - xã hội nêu trên, đó là điều kiện thuận lợi cho khâu sản xuất cũng như khâu tiêu thụ sản phẩm nông
nghiệp, đã giúp cho huyện phát triển mạnh nghề trồng lúa nếp để trở thành vùng chuyên canh đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long.