0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (56 trang)

Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giữ gìn truyền thống văn hóa

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI HIỆU QUẢ CỦA NGHỀ TRỒNG LÚA NẾP TRONG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP Ở HUYỆN PHÚ TÂN, TỈNH AN GIANG (Trang 41 -41 )

sống vật chất và tinh thần cho người dân, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc

Với nền nông nghiệp lúa nước, nông dân Việt Nam từ bao đời đã gắn liền với cây lúa. Lúa nuôi sống con người, là bạn đồng hành với sự phát triển của dân tộc. Hình ảnh cây lúa quê hương với nông dân quanh năm trên ruộng đồng đã đi vào thơ ca trở thành hình ảnh biểu tượng của Việt Nam nói chung của An Giang nói riêng. Do đó nghề trồng lúa không thể mất đi cũng như dân

tộc Việt Nam sẽ mãi trường tồn. Nghề trồng lúa nếp huyện Phú Tân từ lâu đã trở thành tập quán sản xuất của nông dân trong huyện, cung cấp nguyên liệu để duy trì và phát triển nhiều ngành nghề truyền thống nhất là nghề làm bánh phồng Phú Mỹ. Hình ảnh người nông dân siêng năng cần cù với con trâu đi trước cái cày theo sau trên đồng ruộng thể hiện nét văn hóa rất riêng của người Việt Nam – văn hóa lúa nước. Những năm gần đây, con trâu được thay bằng những chiếc máy cày hiện đại, nông dân bớt cực nhọc hơn, giảm bớt lượng lao động tập trung trong nông nghiệp chuyển sang các ngành khác nhưng vẫn giữ được tiến độ làm việc bảo đảm cho cung cấp đầy đủ lương thực. Người dân Việt Nam đã quen dùng nếp làm thành nhiều loại xôi, bánh (bánh tét, bánh ít, bánh chưng, bánh dày,…) trịnh trọng làm quà biếu, đặt lên bàn thờ tổ tiên trong dịp lễ, tết, cúng, giỗ….để tỏ lòng kính hiếu. Ngày 10/3/2008 để mừng ngày giỗ Tổ Hùng Vương người dân đã làm ra chiếc bánh chưng có trọng lượng 2 tấn được làm từ 900kg nếp, 200kg đậu xanh, 100kg thịt lợn, và chiếc bánh dày có trọng lượng 1 tấn được chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh về đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) để cung tiến Giỗ tổ Hùng Vương. Ở đồng bằng sông Cửu Long vào dịp rằm tháng mười khi lúa nếp vừa chín tới, người Khơme cử hành lễ ăn cốm dẹp (Oc ômbok). Lễ vật chủ yếu là cốm dẹp làm từ nếp.

Hiện nay, huyện cũng đang thực hiện phong trào thi đua yêu nước đặc biệt là thi đua đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Phong trào này không chỉ có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc mà còn là cơ hội, điều kiện thuận lợi để nông dân cùng các tầng lớp nhân dân khác cùng nhau đoàn kết thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Phát huy truyền thống nhân nghĩa của dân tộc thông qua việc chi ngân sách của huyện giúp đỡ những gia đình khó khăn, tích cực nâng cao các phong trào như “Tòan dân đòan kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”… Kết quả năm 2007 toàn huyện có 44.687 hộ được phong tặng gia đình văn hóa, đạt 87,96%, vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa được 509 triệu đồng; hỗ trợ cất được 15 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 34 căn nhà với số tiền là 443 triệu đồng. Có 764 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 10,33%.

Phong trào thi đua không chỉ góp phần phát triển kinh tế hộ mà còn tạo ra yêu cầu, điều kiện cho việc phát triển kinh tế tập thể một cách vững chắc, hiệu quả. Kết quả ở huyện có rất nhiều nông dân đạt danh hiệu sản xuất giỏi cấp tỉnh nhờ trồng lúa nếp.

Do vậy cây lúa nếp là hình ảnh rất thân thuộc với bà con nông dân trong huyện, mỗi năm có 2 hoặc 3 vụ lúa nếp, nông dân tiến hành gieo sạ, chăm sóc, bón phân, đến mùa lúa nếp chín nông dân lại hồ hởi tiến hành thu hoạch và đưa sản phẩm vào thị trường tiêu thụ. Chính trong lao động sản xuất nông nghiệp làm cho người dân thêm gắn bó với nhau hơn tạo cho mối quan hệ cộng đồng thêm chặt chẽ.

Nghề trồng lúa nếp góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình kể cả các hộ có hay không có diện tích đất trồng lúa nếp. Đối với các hộ chuyên trồng lúa nếp thu lợi nhuận cao sau khi thu hoạch, ít khi bị lỗ do năng suất, chất lượng và giá cả cao. Điển hình năm2004, diện tích trồng nếp 32.775 ha, năng suất đạt bình quân đạt tương đối cao.Vụ Đông Xuân đạt 6-7 tấn/ha; Hè Thu đạt 5-6 tấn/ha ; Vụ 3 năng suất là 5-5,5 tấn/ha. Năm 2005 sản xuất 3 vụ/năm, trong đó năng suất vụ Đông Xuân 2004-2005 đạt 10 tấn/ha, sau khi trừ chi phí nông dân lãi 16 triệu đến 17 triệu đồng/ha, nếu sản xuất 3 vụ/năm nông dân thu lãi ít nhất 45 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 lần trồng lúa tẻ. Trong năm này, vùng chuyên canh nếp đặc sản Phú Tân trúng mùa, trúng giá với mức 4.500đ/kg. Vụ Đông Xuân năm 2006-2007, thu hoạch đạt bình quân 50 giạ/công (10 tấn/ha), trừ các khoản chi phí, nông dân lãi khoảng 15 triệu đồng/ha. Theo ông Lê Văn Hùng, ngụ tại ấp Phú Mỹ, xã Phú Thọ cho biết vụ Đông Xuân 2006-2007 ruộng lúa nếp của ông đạt 70 giạ/công, với mức giá 2.800đ-3.450đ/kg, ông lãi trung bình 25 triệu đồng/ha, hơn gấp 3 lúa tẻ.

Sự phát triển của nghề trồng lúa nếp là điều kiện để nhiều hộ có thể đầu tư vốn kinh doanh bằng cách mở đại lí phân phối các yếu tố đầu vào cho ngành trồng trọt, mở cửa hàng chuyên doanh lương thực, thực phẩm từ nếp hay mở dịch vụ nông nghiệp, đây là loại hình kinh doanh đem lại lợi nhuận tương đối cao và được mở ra ngày càng nhiều. Những hộ có vốn nhỏ thì bán lẻ lương thực, thực phẩm từ nếp. Đặc biệt góp phần khôi phục và phát triển nghề truyền thống như nghề làm bánh phồng, gói bánh chưng, bánh tét, nấu rượu,… Đối với những hộ chuyên làm bánh phồng ở Thị trấn Phú Mỹ thì với nguyên liệu nếp đã giúp nâng cao chất lượng, số lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm cho nên bánh phồng Phú Mỹ được xem là thơm ngon, được phân phối trong và ngoài huyện. Nhờ có làng nghề bánh phồng truyền thống mà lúa nếp còn tồn tại và phát triển như hôm nay, làng nghề làm bánh phồng cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Nâng cao đời sống hằng ngày của người dân, nhu cầu múa sắm, đi lại không ngừng tăng lên kéo theo sự phát triển của ngành thương nghiệp và giao thông làm bộ mặt nông thôn thay đổi.

Hiện nay nếp Phú Tân được người dân trong và ngoài huyện tin dùng, làm nguyên liệu phát triển công nghiệp chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao như rượu, bánh, kẹo, các món ăn ưa thích. Nghệ nhân Mười Xiểm đã chọn nếp Phú Tân làm nguyên liệu sang trình diễn gói bánh tét ở nước Mỹ; Hội chợ Bông lúa vàng Việt Nam - An Giang Expo 2007 tổ chức tại Trung tâm văn hóa thành phố Long Xuyên (An Giang). Vì vậy nói đến Phú Tân là nói đến vùng lúa nếp chuyên canh đặc sản nếp của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng của cả nước nói chung. Những năm trở lại đây kinh tế huyện Phú Tân không ngừng phát triển làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nông dân có cuộc sống sung túc hơn, xóa dần hộ nghèo bằng cách giúp người dân có vốn để làm ăn. Năm 2005 có 3.581 hộ thoát nghèo, tỉ lệ hộ nghèo đến cuối năm còn 2,28%. Các hoạt động sự nghiệp văn hóa – thể dục thể thao được đẩy mạnh, tăng số lượng phục vụ lên gấp 3 lần so với năm 2000. Đến nay huyện có 19 xã và thị trấn có trường cấp II. Số người đi học chiếm 30% so với dân số, tăng 7% so giai đoạn trước. Mỗi ấp đều có tổ y tế, 100% trạm y tế xã có bác sĩ,…

Từ hiệu quả kinh tế cao của nghề trồng nếp đã giúp người dân trong huyện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, yên tâm sản xuất làm giàu cho gia đình và xã hội. Về với Phú Tân hôm nay ta sẽ thấy những cánh đồng lúa nếp xanh bát ngát cũng như nhìn thấy được sự trù phú của huyện.

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI HIỆU QUẢ CỦA NGHỀ TRỒNG LÚA NẾP TRONG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP Ở HUYỆN PHÚ TÂN, TỈNH AN GIANG (Trang 41 -41 )

×