Phú Tân là một trong chín huyện của tỉnh An Giang. Trong huyện có tất cả 17 xã và 2 thị trấn, hầu hết đều có diện tích trồng lúa nếp, tập trung nhiều ở 8 xã Tân Hòa, Phú Mỹ, Phú Hưng, Phú An, Phú Thuận, Phú Thạnh và thị trấn Chợ Vàm, tạo nên một vùng xuất khẩu cho cây lúa nếp truyền thống. Với chu trình sản xuất “3 năm 8 vụ” (một vụ xã lũ).
Ở Phú Tân, nghề trồng lúa nếp đã có từ lâu đời, nhưng trước kia không được người dân chú trọng. Trước năm 1999, nông dân chủ yếu trồng lúa tẻ và cây màu. Từ năm 1999 về sau, diện tích trồng lúa nếp dần dần được nhân lên hầu hết ở các xã, thị trấn trong toàn huyện. Vài năm trở lại đây, nghề trồng lúa nếp rất được người dân chú trọng, đa số người dân có làm ruộng và chủ yếu là trồng lúa nếp (năm 2007, toàn huyện có diện tích lúa nếp chiếm 43.803 ha trong tổng diện tích gieo trồng là 59.252 ha).
Nông dân chủ yếu trồng lúa tẻ để giải quyết tình trạng thiếu lương thực trong những năm đầu đổi mới. Sau khi khắc phục được tình trạng thiếu lương thực trong nước thì nước ta hướng tới kế hoạch phát triển sản xuất lương thực đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Lúc đầu gạo được xem là mặt hàng chiến lược xuất khẩu có giá trị cao.
Do đó, việc trồng lúa nếp không được các cấp và nông dân ở địa phương quan tâm. Nhưng khi sản lượng gạo đã cung ứng đầy đủ, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, thì xuất hiện thêm nhiều nhu cầu khác. Ngoài lúa gạo là bữa ăn chính còn có thêm nhu cầu về thực phẩm ngày càng phong phú. Dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển nhiều ngành nghề theo từng lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, ở riêng tỉnh An Giang dù có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì trồng trọt vẫn giữ vị trí hàng đầu trong nông nghiệp. Với chủ trương phát huy thế mạnh ở từng địa phương, quy hoạch những vùng sản xuất trọng điểm thì huyện Phú Tân được xem là vùng chuyên canh lúa nếp lớn nhất cả nước. Ở huyện, lúa nếp là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao nhất với năng suất, chất lượng và giá cả cao hơn so các loại cây trồng khác. Tuy là huyện nhỏ, nhưng Phú Tân lại có diện tích trồng nếp lớn nhất nước. Được gọi là
vùng đặc sản chuyên canh lúa nếp. Ở huyện, lúa nếp lại là cây trồng cho năng suất rất cao.
Lúa nếp ở Phú Tân lúc đầu chỉ sản xuất đáp ứng nhu cầu của địa phương, sau đó được người dân dùng rộng rãi trong cả nước. Những năm gần đây, nếp Phú Tân được nhiều khách hàng nước ngoài biết đến và nhiều nước (chủ yếu ở Đông Nam Á) đã nhập khẩu nếp Phú Tân để tiêu dùng trong nước mình.
Năm 1999 huyện Phú Tân đã quy hoạch vùng chuyên canh trồng lúa nếp ở 3 xã Phú Mỹ, Tân Hòa, Phú Thọ 2.500 ha, tổng diện tích trồng nếp của huyện Phú Tân khoảng 13.500 ha. Huyện Phú Tân cũng đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng đê bao chống lũ khép kín cho khu vực, tăng vòng quay của đất lên trồng 3 vụ lúa nếp/năm. Do có nhiều thuận lợi và duy trì được giá bán cao, bình quân nông dân được lãi gần 14 triệu đồng/ha/vụ, cao gần gấp 3 lần trồng lúa tẻ. Sản lượng toàn huyện đạt được tới 68.000 tấn, với giá cao đã đem lại thu nhập tăng cao cho nông dân, tương đương 34000 tấn lương thực nữa mà không phải bỏ vốn ra thêm. Sản xuất lúa nếp có nhiều thuận lợi đã đem lại cho ngân sách huyện và cho nông dân nguồn vốn nhất định. Đến năm 2004 Ngân sách của huyện và sự đóng góp của nông dân được 600 triệu đồng mở rộng vùng đê bao khép kín cho 4 vùng tây sườn Phú Lâm, Tây mương trường học, nam Lò Xứ, bắc Cái Tắc, làm tăng vùng chuyên canh ra 17/19 xã, thị trấn tăng lên 50% diện tích.
Do đó diện tích trồng lúa nếp của huyện tiếp tục tăng qua các năm so với trồng lúa tẻ và nhiều loại cây trồng khác. Cụ thể: Năm 2000 là 13.917 ha; năm 2001 là 20.000 ha; năm 2002 là 20.603 ha; năm 2003 là 31.258 ha; năm 2004 là 31.754 ha; năm 2005 là 29.949 ha; năm 2006 là 26.743 ha; năm 2007 là 43.803 ha. Trong khi đó diện tích trồng lúa tẻ ngày càng giảm xuống, năm 2007 giảm xuống còn 14.169 ha.
Từ năm 2002 đến nay, cùng với sự gia tăng của diện tích, sản lượng lúa nếp của huyện cũng tăng lên đáng kể vượt kế hoạch đề ra. Năm 2003 sản lượng đạt 175.592 tấn cao hơn cùng kỳ 58.625 tấn, năm 2004 đạt 195.753 tấn, năm 2005 đạt 160.463 tấn, năm 2006 đạt 167.174 tấn, năm 2007 đạt 264.600 tấn, cao nhất trong các năm. [2,3]
Thực tế cho thấy, nông dân trồng lúa nếp đạt được năng suất từ 8 - 8,5 tấn/ha và giá cả cũng cao hơn trồng lúa tẻ (lời hơn trồng lúa tẻ gấp đôi đến gấp 3 lần). Điều này đã góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho nông dân ở
địa phương, tạo nguồn ngân sách dồi dào để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nhìn chung trong những năm qua nghề trồng lúa nếp của nông dân huyện Phú Tân đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện theo hướng tiến bộ, phát huy thế mạnh của địa phương. Năm 2007, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế của huyện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đạt được những thành tựu trên trước hết là nhờ sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh An Giang cùng với các cấp ủy, ban ngành đã có sự quan tâm đúng mức đến phát triển kinh tế từng địa phương trong tỉnh. Mà trực tiếp là sự chỉ đạo, quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ban ngành ở địa phương (ở huyện Phú Tân), đã đầu tư xây dựng và ngày càng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thực hiện tốt các công tác phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Cụ thể:
Về công tác khuyến nông và bảo vệ thực vật: Hàng năm đều tổ chức các cuộc hội thảo, khuyến nông để hướng dẫn kĩ thuật trồng trọt cho người dân; dạy nghề cho nông dân về kỹ năng chọn tạo giống. Triển khai và tổ chức thực hiện tốt chương trình thi đua sản xuất lúa có chất lượng cao do Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh phát động bao gồm: Triển khai thực hiện chương trình “3 giảm 3 tăng” ở cấp huyện, xã, thành lập nhiều tổ và quy hoạch diện tích đất để sản xuất giống; Áp dụng chương trình công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch.
Về công tác thủy lợi: Chủ động thực hiện tốt các giải pháp phòng chống hạn, kiểm soát lũ, nạo vét kênh, xây dựng hệ thống đường nước có qui mô đảm bảo nước tưới, tiêu trong đồng ruộng….
Về kinh tế hợp tác: Củng cố và từng bước cải thiện, đổi mới hoạt động của các hợp tác xã, thường xuyên kiểm tra khảo sát hoạt động của các hợp tác xã (cả hợp tác xã đường nước và chuyên trồng nếp). Hiện Phú Tân có nhiều hợp tác xã chuyên trồng nếp với quy mô lớn như: Hợp tác xã nông nghiệp Tân Mỹ Hưng, có 645 ha chuyên trồng nếp, gồm 300 ha ở thị trấn Phú Mỹ, 200 ha ở xã Tân Hòa và 145 ha thuộc xã Phú Hưng. Hợp tác xã nông nghiệp Phú An, có 1535 ha chuyên trồng nếp ở xã Phú An. Ngoài ra còn nhiều hợp tác xã khác như: Thọ Mỹ Hưng, hợp tác xã Phú Thạnh, hợp tác xã Bình Thạnh Đông….
Sự phát triển vững mạnh của những hợp tác xã này đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra một vùng nguyên liệu rộng lớn chuyên về nếp ở Phú Tân từ đó có đủ sản lượng cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Để phát triển bền vững nghề trồng nếp, trong năm 2008, Phòng nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân áp dụng triệt để quy trình “3 giảm 3 tăng” (giảm giống, phân bón, thuốc trừ sâu; tăng năng suất, chất lượng, giá cả) và mở nhiều lớp chọn, tạo giống thuần chất lượng cao, trồng 100% là giống xác nhận thích nghi với thổ nhưỡng địa phương, thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, có độ dẻo và mùi thơm đặc trưng.
Ngoài ra huyện cũng đã đầu tư vốn vào việc trang bị máy móc để chế biến lúa nếp sau khi thu hoạch nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Theo kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội của Uỷ Ban Nhân Dân huyện Phú Tân, năm 2007 toàn huyện đã có được 5 máy gặt đập liên hợp, 7 máy gặt xếp dãy, 437 lò sấy lúa.
Bên cạnh đó, việc đạt được những thành tựu trên còn do trình độ thâm canh của nông dân ngày càng cao, nông dân tiếp thu được nhiều biện pháp hiệu quả trong sản xuất. Sản phẩm lúa nếp có đầu ra ổn định; là nguyên liệu chính cho nghề sản xuất bánh phồng nếp truyền thống của huyện; được xuất khẩu sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch và được Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Công ty Angimex thu mua xuất khẩu khoảng 8.000 tấn nếp thương phẩm/năm. Từ năm 2004 đến nay thì nhu cầu nếp trên thị trường ngoài nước rất mạnh, giá lại rất cao. Việt Nam đã xuất khẩu một sản lượng lớn nếp sang các thị trường như Nhật, Đài Loan, Indonexia, Đông Timo…. tạo thêm động lực để nông dân tập trung sản xuất lúa nếp có năng suất và chất lượng ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Năm 2008, kết quả thu được trong vụ Đông Xuân rất cao đánh dấu sự thành công bước đầu của kế hoạch đưa ra. Lúa nếp thu được có năng suất, chất lượng và giá cao (tăng bình quân 0,12 tấn/ha so với cùng kỳ), giá lúa nếp vỏ khô là 4.500 đồng/kg (tăng 5,58% so cùng kỳ tính đến ngày 21/3), điều này đã đem lại sự phấn khởi cho nông dân và nông dân tự tin sản xuất tiếp lúa nếp vào mùa sau.