Phân biệt lợn khỏe và lợn ốm

Một phần của tài liệu Giáo trình MD 04 phòng và trị bệnh cho lợn rừng, lợn nuôi thả (Trang 54 - 55)

C. Ghi nhớ:

2. Phân biệt lợn khỏe và lợn ốm

2.1. Đặc điểm của lợn khỏe

- Trạng thái chung: Lợn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, vẻ mặt tươi tắn, thích hoạt động, đi lại quanh chuồng, khi đói kêu rít đòi ăn, phá chuồng.

- Nhiệt độ cơ thể trung bình: 38,50C, nhịp tim: 60-88 lần /phút, nhịp thở: 8-18 lần /phút. Lợn con có thân nhiệt, nhịp tim và nhịp thở cao hơn một chút.

- Mắt mở to, long lanh, khô ráo, không bị sưng, không có dử kèm nhèm. Niêm mạc, kết mạc mắt có màu hồng nhạt, không vàng hoặc không đỏ tía.

- Gương mũi ướt, mũi không chảy dịch, không cong vẹo, không bị loét. - Chân có thể đi lại bình thường, không sưng khớp hoặc cơ bắp, không bị tổn thương, khoeo chân không bị dính bết phân.

- Tai luôn ve vẩy, không bị xuất huyết, không bị tổn thương.

- Da bóng, có màu đặc trưng của giống, không có tổn thương, không có các điểm hoặc đám tụ /xuất huyết, không có ký sinh trùng.

- Lông mượt, mềm, không dựng đứng mà không bị rụng.

- Đuôi quăn lên, luôn ngoe nguẩy, uốn như lò xo khi có người lại gần vỗ lên lưng.

- Phân mềm thành khuôn, không bị táo hoặc lỏng. Màu sắc phân phụ thuộc vào màu của thức ăn ăn vào nhưng nên có màu xanh lá cây đến màu nâu, không đen hoặc đỏ. Phân không bị bao bởi màng nhày trắng, không lẫn ký sinh trùng, không có mùi tanh, khắm.

- Lợn đi đái thường xuyên, nước tiểu nhiều, có màu trắng trong hoặc vàng nhạt.

2.2. Đặc điểm của lợn ốm

- Trạng thái chung: Dáng mệt mỏi, nằm im lìm cách xa những con khác hoặc chui vào trong lớp rơm lót chuồng, di lại xiêu vẹo hoặc không muốn cử động, dù bị đánh cũng không đứng dậy được. Lợn kém ăn hoặc bỏ ăn. Lưng gồng lên là do bị đau bụng hoặc rặn ỉa khi bị táo bón.

- Nhiệt độ cơ thể thường trên 400C (có thể lên đến 420C). Nhịp tim và nhịp thở cao hơn hoặc thấp hơn so với bình thường.

- Mắt nhắm hoặc chỉ hé mở, nháy nhiều khi ánh sáng chiếu vào, có thể bị mù trong ánh sáng ban ngày, viêm kết mạc mắt.

- Mũi thường bị khô. Nếu mũi bị cong vẹo lợn có thể mắc bệnh viêm, teo mũi truyền nhiễm. Mũi bị loét có thể do lợn mắc bệnh ở miệng hoặc bệnh lở mồm long móng.

- Chân có thể bị tụt móng, vành và kẽ móng bị loét nếu lợn mắc bệnh lở mồm long móng. Khoeo chân dính bết phân là do bị ỉa chảy. Lợn có thể bị què, bại liệt, không đi lại được nếu thiếu khoáng.

- Tai có màu tím hoặc đỏ nếu lợn bị sốt hoặc có thể mắc dịch tả.

- Màu của phân là rất quan trọng. Màu và mùi khác thường của phân cho thấy lợn bị bệnh. Phân màu trắng là triệu chứng của bệnh lợn con ỉa phân trắng, màu đen là dấu hiệu lợn bị xuất huyết ở dạ dày và ruột non, màu đỏ cho thấy lợn bị xuyết huyết ở ruột già và mùi tanh, khắm chỉ ra bệnh dịch tả lợn.

- Nên quan sát lượng và màu của nước tiểu của lợn vì những dấu hiệu không bình thường về lượng và màu cho thấy những vấn đề trong hệ bài tiết. Nước tiểu ít, có màu đỏ có thể là do bị xuất huyết, màu vàng đỏ (có lẫn máu) là có thể do viêm thận, bàng quang, màu đỏ sẫm có thể do bệnh ký sinh trùng đường máu, vàng hoe do bị bệnh ở gan.

Một phần của tài liệu Giáo trình MD 04 phòng và trị bệnh cho lợn rừng, lợn nuôi thả (Trang 54 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)