II. Hướng dẫn HS tìm hiểu bài thơ
1. Hướng dẫn HS đọc bài thơ
2.3- Khổ thơ 3: Sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của Tố Hữu.
Tôi đã là con của vạn nhà Là em của vạn kiếp phôi pha Là anh của vạn đầu em nhỏ Không áo cơm, cù bất cù bơ…
GV: Sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của Tố Hữu được thể hiện như thế nào qua đoạn thơ?
HS trả lời yêu cầu đảm bảo được các ý: Trước khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Lí tưởng cộng sản không chỉ giúp nhà thơ có được lẽ sống mới mà còn giúp nhà thơ vượt qua tình cảm ích kỉ, hẹp hòi của giai cấp tiểu tư sản để có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ. Hơn thế, tình cảm đó còn chân thành như tình thân yêu ruột thịt: là con, là em, là anh trong đại gia đình quần chúng nhân dân lao khổ.
GV hỏi: Em có nhận xét gì về cách sử dụng kiểu câu, biện pháp nghệ thuật và từ loại trong đoạn thơ? Ý nghĩa của chúng đối với việc diễn tả sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của nhà thơ đối với quần chúng lao khổ?
(Câu hỏi này nhằm tích hợp giữa kiến thức văn học và Tiếng Việt cho HS. )
HS có thể trả lời: Việc lặp đi lặp lại một kiểu câu (Là con của vạn
nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ là anh của vạn đầu em nhỏ), những điệp từ là cùng với các từ con, em, anh và số từ ước lệ vạn (để chỉ số lượng hết sức đông đảo) có hiệu quả nghệ thuật mạnh mẽ. Nó cho thấy đó là lời tâm
niệm chân thành, thiết tha, sự khẳng định dứt khoát, là nhiệt tình hăm hở của người chiến sĩ trẻ nguyện tìm về chỗ đứng của mình ở phía những người lao khổ- một tình cảm gia đình thật đầm ấm, thân thiết. Nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc bản thân mình là một thành viên ruột thịt của đại gia đình to lớn ấy.
GV: Tấm lòng đồng cảm, yêu thương của nhà thơ còn biểu hiện thật xúc động, chân thành khi nói tới những kiếp phôi pha, những em nhỏ
không áo cơm cù bất cù bơ. Em hiểu ý thơ này như thế nào?
HS có thể trả lời: Những kiếp phôi pha, những em nhỏ không áo cơm cù bất cù bơ mà tác giả nói tới đó là những người đau khổ, bất hạnh, những người lao động vất vả, thường xuyên dãi dầu mưa nắng để kiếm sống; những em bé tội nghiệp không nơi nương tựa phải lang thang vất vưởng, nay đây mai đó. Những lời thơ ấy cho thấy lòng căm giận của nhà thơ trước bao bất công ngang trái của cuộc đời cũ. Chính những kiếp người phôi pha, những em nhỏ cù bất cù bơ ấy càng thôi thúc người chiến sĩ cộng sản trẻ hăng say hoạt động cách mạng để góp phần đem lại cuộc sống tươi sáng cho họ, và họ cũng chính là đối tượng sáng tác chủ yếu của nhà thơ.
GV hỏi: Em biết các sáng tác nào của Tố Hữu nói về những kiếp phôi pha và những em nhỏ cù bất cù bơ ấy?
(Câu hỏi này nhằm yêu cầu HS liên hệ với những bài thơ khác của tác giả cùng nói về kiếp người đau khổ, bất hạnh trong cuộc đời cũ).
HS có thể kể tên các bài thơ như: Tiếng hát sông Hương (viết về cô gái giang hồ), Đi đi em (viết về chú bé đi ở), Lão đầy tớ (viết về một ông lão khốn khổ), Một tiếng rao đêm (viết về em bé lang thang bán bánh trong đêm khuya),…
GV hỏi: Hình ảnh quần chúng lao khổ trong thơ Tố Hữu có sự vận động không hay chỉ dừng lại ở những kiếp phôi pha, cù bất cù bơ đầy đau khổ và bất hạnh? Nếu có thì sự vận động đó là gì? Cho ví dụ minh họa.
(Câu hỏi này nhằm giúp HS có sự liên hệ, so sánh mở rộng và nâng cao vấn đề)
HS có thể trả lời được: Hình ảnh quần chúng lao khổ trong thơ Tố Hữu có sự vận động. Từ những người chịu đựng đau khổ, bất hạnh họ đã trở thành những người tích cực hoạt động cách mạng, dũng cảm trong đấu tranh cách mạng như: bà bủ, bà bầm, bà má Hậu Giang, mẹ Suốt, chú bé liên lạc Lượm,…
GV: Qua việc phân tích bài thơ, chúng ta có thể thấy rõ được quan điểm nhận thức và sáng tác của Tố Hữu.
Hỏi: Vậy em hãy cho biết quan điểm nhận thức và sáng tác của Tố Hữu là gì?
HS trả lời yêu cầu đảm bảo các ý sau: Thông qua bài thơ có thể thấy, về quan điểm nhận thức và sáng tác, bài thơ là tuyên ngôn cho tập Từ ấy
nói riêng và cho toàn bộ các sáng tác của Tố Hữu nói chung. Đó chính là quan điểm của giai cấp vô sản với nội dung quan trọng là nhận thức sâu sắc về mối liên hệ giữa cá nhân với quần chúng lao khổ, với nhân loại cần lao.
GV giảng bình: Từ ấy là bài thơ có cấu trúc gọn. Chỉ trong ba khổ thơ đều đặn đã bộc lộ được sâu sắc quan điểm tư tưởng và nghệ thuật cách mạng qua những hình ảnh và ngôn ngữ gợi cảm. Bài thơ mang ý nghĩa mở đầu cho cả quá trình sáng tác của tác giả. Những quan điểm của tác giả biểu hiện qua Từ ấy được tiếp xúc trong suốt cả cuộc đời của Tố Hữu, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa, những tác phẩm tiêu biểu cho nhiều giai đoạn thơ của Tố Hữu vẫn theo phương hướng sáng tạo ấy. Đúng như nhận xét của nhà thơ Chế Lan Viên: “Tất cả Tố Hữu, thi pháp, tuyên ngôn những yếu tố làm ra anh có thể tìm thấy trong tế bào này, anh là nhà thơ của vạn nhà, buộc lòng mình cùng nhân loại…”.