Ngày nay, do yêu cầu mới mà xã hội đặt ra cho ngành Giáo dục- Đào tạo, cho các nhà trường, buộc các nhà nghiên cứu lí luận dạy- học, các GV đứng lớp phải suy nghĩ, tìm tòi những con đường, cách thức đổi mới phương pháp, thay đổi cách dạy, cách nhìn nhận vai trò của người học sinh trong quá trình học tập. Nói về vấn đề này, viện sĩ A.A.Xmianốp (Liên Xô cũ) đã viết: “Sự tiến bộ kì diệu của khoa học kĩ thuật, số liệu các tri thức cần lĩnh hội tăng lên một cách ghê gớm, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi căn bản cả nội dung giáo dưỡng lẫn phương pháp dạy học . Phương pháp dạy- học nhằm phát triển tối đa sự suy nghĩ độc lập của HS, kĩ năng đạt đến và vận dụng tri thức. Đó là điều mà rõ ràng sau này các em phải thực hiện khi khoa học ngày càng phát triển ”.
Trong dạy học nói chung và dạy học văn nói riêng, vấn đề về phương pháp dạy học là một vấn đề vô cùng quan trọng. Điều này đã được GS. Phan Trọng Luận nhiều lần nhắc đến: “Dạy như thế nào còn quan trọng hơn dạy cái gì (What và How)”, GS nhấn mạnh: “Mục đích cuối cùng của dạy học là dạy cách học. Học là để học suốt đời. Đó là chiến lược Giáo dục của mọi nhà trường hiện đại” [56,9]. GS chỉ rõ: “Vấn đề quan hệ giữa cái học và cách học cũng đã được đặt ra như một nguyên tắc cơ bản của cuộc đổi mới phương pháp dạy học. Người ta cho rằng What cần nhưng
How còn cần hơn. Học để biết là cần nhưng biết cách để biết còn quan trọng hơn nhiều” [56,16].
Từ khi đổi mới phương pháp dạy học đến nay, nền Giáo dục- Đào tạo của chúng ta đã có những kết quả đáng kể. Có được kết quả đó, ngoài những công sức của đội ngũ GV nhiệt tình, yêu nghề, chúng ta không thể không kể đến thành tựu của những chuyên ngành như: Lí luận văn học, lí luận tiếp nhận, tâm lí học hiện đại,...” Lí luận văn học đã điều chỉnh cho cân đối các hướng tiếp cận TPVC, tâm lí học tiếp nhận đã phát hiện những
đặc trưng hoạt động đặc thù của bạn đọc. Tâm lí học hoạt động, thành tựu nổi bật của thế kỉ đã đề cao “hướng nội” “chuyển vào trong” của chủ thể nhận thức. Tư tưởng sư phạm hiện đại đã khẳng định lại mục đích và bản chất của quá trình dạy học: “Học là công việc cá nhân. Học là hoạt động của bản thân người học. Kết quả học tập không thu nhận bằng con đường truyền mớm mà thông qua hoạt động của từng cá nhân.” (“Đổi mới dạy học văn ở trung học- đôi điều cần bàn thêm”- Tài liệu hội thảo “Đổi mới dạy học môn Văn- Tiếng Việt ở trường THCS”- Hà Nội, tháng 12/ 1999)
Tiếp nhận những thành tựu đó, lí luận dạy học hiện đại vốn dĩ đã hứa hẹn những khởi sắc lại càng tự tin hơn cho những bước đi của mình. Hệ thống phương pháp cũ tác động từ bên ngoài, tác động một phía từ thầy đến HS được thay thế bằng hệ thống phương pháp mới, hệ thống phương pháp vật chất hoá hoạt động bên trong của HS. Người ta bắt đầu nói nhiều đến cơ chế dạy học mới, đến tiến trình lên lớp, cấu tạo giáo án, lựa chọn phương pháp, hiệu quả giờ dạy, chương trình, SGK, v.v...Tất cả nhằm mục đích phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của chủ thể HS.
Ngày nay trong xu thế hội nhập toàn cầu, nền giáo dục của mỗi nước đang đứng trước những thách thức mới. Nguy cơ giáo dục bị tụt hậu càng rõ ràng khi chúng ta nhận ra lượng thông tin vùn vụt phát triển mà lại dễ dàng tiếp nhận qua nhiều phương tiện hiện đại. Vì thế, nền giáo dục của các nước tiên tiến, các nước phát triển đã chú trọng đến quan điểm tích hợp. Tích hợp được áp dụng vào biên soạn chương trình SGK, phương pháp giảng dạy. Sự ra đời của quan điểm tích hợp đã đánh dấu bước đi mới của khoa sư phạm trên con đường nâng cao chất lượng giáo dục của thời đại mới.
Đổi mới thiết kế bài soạn theo hướng tích hợp không có nghĩa là đi chệch ra khỏi những định hướng của việc đổi mới phương pháp dạy học văn. Dạy học theo hướng tích hợp vẫn đi theo quĩ đạo của phương pháp dạy học mới. Bài soạn theo hướng tích hợp vẫn chú trọng đến việc phát huy tính tích cực chủ động trong học tập và vai trò chủ thể sáng tạo của HS theo
phương pháp dạy học mới, nhưng nó được đặt trong nhiều mối quan hệ: mối quan hệ với TV và TLV, quan hệ với lí luận văn học, quan hệ với các tác giả khác cùng thể loại...
Thiết kế bài soạn theo hướng tích hợp dựa trên tinh thần phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của chủ thể HS bằng những thao tác cụ thể nhằm kích thích quá trình hoạt động bên trong của HS đáp ứng được nhu cầu của phương pháp dạy học mới đề cao “hướng nội”, “chuyển vào trong” của của chủ thể nhận thức, phù hợp với cơ chế dạy học văn mới và phù hợp với qui luật tiếp nhận tác phẩm văn chương.
Như vậy, dạy học theo hướng tích hợp vẫn kế thừa những thành tựu của khoa học cuối thế kỷ XX. Những thành tựu khoa học này là tiền đề, là dữ kiện không những buộc phải thay đổi phương pháp dạy học thường thấy bằng phương pháp dạy học mới, đặc biệt chú trọng đến chủ thể HS mà nó còn là những cơ sở lí luận giúp cho việc xây dựng thiết kế mới theo hướng tích hợp:
Thứ nhất: Thiết kế bài soạn TPVC theo hướng tích hợp phải dựa
trên những thành tựu của tâm lý học hoạt động. Những thành tựu quan trọng nhất của tâm lý học hoạt động thế kỷ XX gắn liền với các tên tuổi lớn như: Brunơ, Watxơn, Vưgốtxki, Ganpêrin, G.Piagiê, đó là việc phát hiện ra “hoạt động chuyển vào trong”(Interiorisieren). Với khái niệm này, tâm lý học sư phạm đã phát hiện ra mối quan hệ gắn bó giữa hoạt động bên ngoài và hoạt động tâm lý bên trong của con người, giữa chúng có sự chuyển hoá cho nhau. Việc phát hiện ra quá trình “chuyển vào trong” có những đóng góp lớn cho khoa sư phạm, đó là: phương pháp dạy học truyền thống thầy cảm, thầy hiểu, thầy truyền thụ, thuyết giảng trong suốt quá trình lên lớp còn trò lắng nghe, ghi chép và khi làm bài kiểm tra hoặc bài thi chỉ cần tái hiện lại đã bộc lộ những yếu kém trong việc đào tạo ra những con người mới cho hiện tại và tương lai. Đích cần hướng tới của phương pháp dạy học Văn mới là GV phải khéo léo dẫn dắt, khơi gợi, hướng HS đến những
đối tượng để tự các em tác động lên đối tượng, từ đó mà nảy sinh những yêu cầu cần hiểu biết, cần khám phá và chiếm lĩnh đối tượng. Có rèn cho HS thói quen tự thân vận động, tự mình tác động lên đối tượng thì ở các em mới nảy sinh suy nghĩ bên trong, tạo điều kiện cho tính chủ quan trong tiếp nhận ở HS có dịp phát huy. Có như vậy mới giúp HS từ bỏ được tính thụ động, thói quen ỷ lại, chờ đợi những kiến thức đưa sẵn từ phía GV; HS sẽ hoàn toàn chủ động trong quá trình tiếp nhận, lĩnh hội tri thức dưới sự tổ chức, điều khiển, định hướng của GV.
Thứ hai: Thiết kế bài soạn TPVC theo hướng tích hợp còn dựa trên
những thành tựu của lí luận tiếp nhận văn chương.
Sự ra đời của lí thuyết tiếp nhận văn chương cho phép chúng ta đánh giá lại vai trò của người tiếp nhận. Mọi vấn đề hầu như đều xuất phát từ TPVC và người ta có thể xem xét TPVC từ nhiều góc độ khác nhau, nhiều cách tiếp cận khác nhau như: Tiếp cận theo khuynh hướng lịch sử phái sinh, tiếp cận theo khuynh hướng bản thể và những tìm tòi về thi pháp, tiếp cận theo khuynh hướng chức năng tác động. Lâu nay TPVC được quan niệm là một hệ thống tĩnh tại, khép kín. Như vậy cũng có nghĩa là vấn đề cảm thụ văn học bị xem như là một hiện tượng biệt lập không liên quan gì đến quá trình sáng tác của nhà văn, và vai trò của bạn đọc cũng mờ nhạt, chưa được đặt đúng vị trí. Quan niệm đó đã ảnh hưởng rất lớn trong nghiên cứu và giảng dạy TPVH. Phương pháp dạy học văn truyền thống đã minh chứng cho điều đó, bởi nó chỉ quan tâm đến việc chiếm lĩnh tác phẩm mà chưa thấy được mối quan hệ biện chứng, sâu sắc giữa tác phẩm và bạn đọc, nhất là bạn đọc HS. Nếu không có bạn đọc thì TPVC chỉ là một đống giấy vô hồn và mọi ngôn từ trong văn bản chỉ là những ngôn từ chết, cho dù đó có là một kiệt tác di chăng nữa. Chính bạn đọc sẽ tạo nên giá trị cho tác phẩm. Bởi chỉ có bạn đọc, thông qua bạn đọc mới làm cho ngôn từ trong tác phẩm có linh hồn và trở thành một TPVH theo đúng nghĩa của nó, để TPVH thực sự có cuộc sống riêng và đi vào đời tư của mỗi người. Đúng
như J.P.Satre đã từng nhận định: “TPVH là một con quay kì lạ, chỉ tồn tại trong vận động, muốn làm cho nó xuất hiện cần phải có một hành động cụ thể, được gọi là sự đọc và TPVH chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục. Ngoài sự đọc ra, TPVH chỉ còn là những vệt đen trên giấy trắng”. Cũng đồng thuận với nhận định trên, I.Lalich lại diễn đạt một cách khác: “Cái bóng của độc giả đang cúi xuống sau lưng nhà văn khi nhà văn ngồi trước tờ giấy trắng, nó có mặt ngay cả khi nhà văn không muốn thừa nhận sự có mặt đó. Chính độc giả đã ghi lên tờ giấy trắng dấu hiệu vô hình không thể tẩy xoá được của mình ”.
Qua đó cho thấy bạn đọc đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và sức sống của TPVC, nó có mặt ngay cả khi tác phẩm còn đang thai nghén. Đúng như N.I.Kuđriasep khẳng định: “Thiếu người đọc thì hoạt động văn học chẳng khác gì một tiếng kêu vô vọng, vang lên giữa cánh đồng hoang và mọc đầy cỏ dại”.
Những thành tựu của lý thuyết tiếp nhận còn giúp chúng ta giải thích nguyên lý của quá trình cảm thụ TPVC. Một văn bản để trở thành một TPVH có ý nghĩa và có tuổi thọ trường tồn theo thời gian nhất định phải được đông đảo bạn đọc của mọi thời đại đón nhận. Nhiệm vụ vô cùng quan trọng của bạn đọc là giúp cho tác phẩm hoàn thiện vòng đời (Hiện thực khách quan- Tác giả- Tác phẩm- Bạn đọc- Hiện thực khách quan). Khi vai trò của bạn đọc được chú trọng, được đề cao đến trong nghiên cứu và giảng dạy văn học thì người ta bắt đầu đi tìm câu trả lời: Nếu quan niệm TPVC được đóng khung ở một thời đại và chỉ khép kín trong một nội dung ý nghĩa thì tại sao có những tác phẩm, đặc biệt là những tác phẩm có giá trị, dù đã trải qua nhiều thời đại nhưng luôn có những nhận định, phát hiện mới lạ khác nhau từ phía độc giả? Trả lời cho thắc mắc đó, lý luận tiếp nhận tự nó đã giải thích rất rõ: “Tiếp nhận văn học là một hoạt động của tư duy mang sắc thái cá nhân và đặc điểm
tâm sinh lí của người tiếp nhận. Vì vậy có thể điều chỉnh được quá trình tiếp nhận” [18,105].
Cả GV và HS cần có một nhìn nhận đúng đắn, khoa học về TPVC, về mối quan hệ giữa công việc sáng tác văn chương và thưởng thức văn chương. TPVH phải được quan niệm là một hệ thống động, một hệ thống mở, luôn mở ra và đưa bạn đọc tới những chân trời mới lạ đầy lí thú, nó cũng luôn chờ đón bạn đọc cung cấp cho nó những giá trị, những tầng ý nghĩa, đặc biệt là với những bạn đọc yêu thích và biết trân trọng nó. Bởi tác phẩm sẽ càng trở nên giàu có lên trong tình yêu văn học của mọi người. “Người đọc sẽ góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của văn học. Từ đó đưa thành tựu văn học của mỗi dân tộc thoát ra khỏi ảnh hưởng của “ văn hoá thị trường” và “nền văn hoá đại chúng”không lành mạnh” [15,229].
Để việc thiết kế bài soạn theo hướng tích hợp vừa kế thừa phát huy những ưu điểm của phương pháp dạy học truyền thống, vừa thể hiện được tính ưu việt, sự bứt phá của phương pháp mới , điều trước tiên cần quan tâm tới là vị trí vai trò của người GV và người HS phải được đặt đúng chỗ và đánh giá đúng mức. Muốn vậy, chúng ta cần có một sự đổi mới triệt để về chiến lược dạy học văn trong nhà trường nhằm hướng vào HS , chuyển trung tâm văn bản là GV sang trung tâm văn bản là HS . Và khi đặt vấn đề bạn đọc, cảm thụ TPVC là đặt vấn đề nâng cao hiệu quả dạy học văn lên bình diện lí luận, nguyên lí chứ không phải vấn đề cải tiến vụn vặt, không chỉ là chuyện ghi chép, soạn giáo án...Khi đã đặt vấn đề bạn đọc- HS là muốn hoàn thiện phương pháp tiếp cận TPVH trong nhà trường, đó là phương pháp tiếp cận đồng bộ chứ không phải tiếp cận phiến diện, đơn phương như trước kia. Đồng thời đưa ra một nhận thức mới về một cơ chế mới dạy học TPVC trong nhà trường thay cho cơ chế dạy học cũ giáo điều, lạc hậu. Vì vậy, công việc của người GV không chỉ tập trung vào trang thơ, áng văn mà còn là ở công đoạn cực nhọc và vô cùng sáng tạo là hướng dẫn, tổ chức cho HS được hoạt động có sự vận
động tự thân của mỗi chủ thể HS, hướng dẫn HS tích cực tìm tòi, sáng tạo, khám phá, chiếm lĩnh tác phẩm để họ thực sự phát triển con người mình- một sự phát triển toàn diện cả về trí tuệ , tâm hồn lẫn nhân cách và năng lực, kĩ năng. Sự hoạt động đó của HS không thể có được bằng lời kêu gọi hay những hình thức tác động từ bên ngoài (như phương pháp truyền thống vẫn làm) mà phải bằng một hệ thống những thao tác, những biện pháp làm cho hoạt động được vật chất hoá, khơi dậy hoạt động thực chất từ bên trong của bản thân HS. Giờ dạy học TPVC nhất thiết phải là một quy trình được thiết kế bằng một hệ thống thao tác, hệ thống việc làm cụ thể để HS thực sự có được sự hoạt động trí tuệ từ bước tri giác ngôn ngữ, âm thanh, vần luật, nhịp điệu,...đến hồi ức, tưởng tượng, liên tưởng, so sánh, phân tích, khái quát hoá theo con đường cảm xúc hoá phù hợp với quy luật cảm thụ văn chương. Chính vì vậy, trang giáo án của thầy không thể là bản đề cương nội dung thuyết giảng về cái hay, cái đẹp của trang thơ, áng văn thầy tâm đắc, mà phải là một bản thiết kế công việc làm của HS để từ hình tượng tác giả và tác phẩm tạo dựng được một hình ảnh bạn đọc trong từng cá thể HS.
1.3. Tác phẩm trữ tình của Tố Hữu hàm chứa những khả năng cho phép dạy học theo hướng tích hợp