II. Hướng dẫn HS tìm hiểu bài thơ
1. Hướng dẫn HS đọc bài thơ
2.1- Khổ thơ 1: Diễn tả niềm vui sướng say mê của tác giả khi gặp lí
tưởng Đảng.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lí chói qua tim Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
GV hỏi: Hai câu thơ đầu được viết theo bút pháp nào, nói về điều gì?
HS trả lời đảm bảo các ý: Hai câu thơ đầu viết theo bút pháp tự sự, nhà thơ kể lại một kỉ niệm không quên của đời mình.
GV hỏi: Tác giả tính mốc thời gian là Từ ấy. Mốc thời gian đó nói lên ý nghĩa gì?
HS trả lời theo ý hiểu của bản thân. Sau đó GV bổ sung, định hướng cách hiểu và bình giảng thêm:
Từ ấy có ý nghĩa như một cái mốc thời gian. Trước đó Tố Hữu cũng như bao nhà thơ khác, như bao chàng trai thanh niên khác: lúng túng, băn khoăn đứng giữa những làn nước, chưa biết chọn lối đi nào cho đời mình. Ông đã từng viết:
Đâu những ngày xưa tôi nhớ tôi Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời
Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn
Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời.
Vậy Từ ấy có ý nghĩa là cái mốc thời gian đánh dấu một bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong cuộc đời cách mạng và đời thơ của Tố Hữu. Lúc đó nhà thơ mới 18 tuổi, nhiệt huyết tràn đầy, say sưa hoạt động tích cực trong Đoàn TNCS Huế, được giác ngộ lí tưởng cộng sản và vinh dự được kết nạp vào Đảng. Từ thời điểm đó, Tố Hữu luôn được khai sáng tâm hồn, tình cảm, tư tưởng bởi ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi chiếu dẫn đường, đưa nhà thơ đi tới những vinh quang và thắng lợi trong sự nghiệp thơ ca gắn liền với sự nghiệp cách mạng.
GV hỏi: Nói về lí tưởng cách mạng, tác giả đã dùng những những hình ảnh, biện pháp nghệ thuật nào để diễn tả?
(Câu hỏi này để yêu cầu HS tích hợp kiến thức Tiếng Việt và văn học).
HS trả lời đảm bảo các ý: Tác giả sử dụng những hình ảnh ẩn dụ:
“nắng hạ, mặt trời chân lí, chói qua tim” để khẳng định lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ.
GV: Nguồn sáng ấy không phải là ánh thu vàng nhẹ hay ánh xuân dịu dàng mà là ánh sáng rực rỡ của một ngày nắng hạ. Hơn thế, nguồn sáng ấy còn là mặt trời và là mặt trời khác thường- mặt trời chân lí .
GV hỏi: Vậy hình ảnh mặt trời chân lí có ý nghĩa như thế nào?
HS trả lời đáp ứng yêu cầu: Mặt trời chân lí, đó là một sự liên kết sáng tạo giữa hình ảnh và ngữ nghĩa: Nếu mặt trời của vũ trụ, của đời thường tỏa ánh sáng, hơi ấm và sức sống thì Đảng cũng là nguồn sáng kì diệu tỏa ra những tư tưởng đúng đắn, hợp lẽ phải, báo hiệu những điều tốt lành cho cuộc sống. Cách gọi lí tưởng như vậy thể hiện thái độ trân trọng, thành kính của tác giả.
GV hỏi: Các hình ảnh ẩn dụ trên được kết hợp với những từ ngữ nào? Sự kết hợp giữa các từ ngữ, hình ảnh ấy đem lại tác dụng gì?
HS trả lời đảm bảo được các ý: Các hình ảnh ẩn dụ được kết hợp với các động từ bừng, chói diễn đạt cái mạnh, cái cao độ. Bừng chỉ ánh sáng phát ra đột ngột, chói chỉ ánh sáng có sức xuyên mạnh có tác dụng nhấn mạnh ánh sáng của lí tưởng cách mạng đã hoàn toàn xua tan màn sương mù của ý thức tiểu tư sản và mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng và tình cảm.
GV hỏi: Ở hai câu thơ sau, tác giả đã sử dụng bút pháp và biện pháp nghệ thuật gì? Bút pháp và biện pháp nghệ thuật ấy có tác dụng như thế nào đối với việc diễn tả sự thay đổi trong tâm hồn tác giả khi bắt gặp lí tưởng của Đảng?
HS có thể trả lời: Hai câu thơ sau sử dụng bút pháp trữ tình lãng mạn cùng với biện pháp nghệ thuật so sánh “Hồn tôi là một vườn hoa lá” đã diễn tả niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản. Tác giả so sánh tâm hồn mình giống như một vườn hoa lá- một thế giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cây lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim ca hót.
GV hỏi: Ngoài biện pháp nghệ thuật so sánh ra, em có nhận xét gì về việc sử dụng từ loại của tác giả ở hai câu thơ trên?
HS có thể trả lời: Cùng với biện pháp so sánh, tác giả còn dùng các tính từ như đậm, rộn (đậm hương, rộn tiếng chim) đó là những tính từ có
tác dụng chỉ mức độ mạnh, đậm nét nhằm khắc sâu thêm niềm vui sướng tràn ngập, đồng thời nhấn mạnh sự chuyển hóa tư tưởng, tình cảm của nhà thơ khi bắt gặp lí tưởng của Đảng.
GV bình và kết hợp tiểu kết đoạn thơ, đồng thời chuyển ý sang đoạn thơ 2: Đối với vườn hoa lá ấy còn gì đáng quý hơn ánh sáng mặt trời? Đối với tâm hồn người thanh niên đang băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời, còn gì đáng quý hơn khi khi có một lí tưởng cao đẹp soi sáng dẫn dắt? Tố Hữu sung sướng, hân hoan đón nhận lí tưởng như cỏ cây hoa lá đón nhận ánh sáng mặt trời. Chính lí tưởng cộng sản đã làm tâm hồn con người tràn đầy sức sống và niềm yêu đời, làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa hơn. Nhưng Tố Hữu còn là một nhà thơ nên vẻ đẹp và sức sống mới ấy của tâm hồn cũng là vẻ đẹp và sức sống mới của hồn thơ. Cách mạng không đối lập với nghệ thuật mà trái lại đã khơi dậy một sức sống mới, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ.
GV đọc khổ thơ 2 và nêu câu hỏi: Khi bắt gặp lí tưởng của Đảng, tâm hồn, tư tưởng nhà thơ luôn có sự vận động, chuyển biến. Vậy khổ thơ thứ hai thể hiện điểm gì mới trong tư tưởng nhà thơ?
HS trả lời, GV có thể chỉnh sửa, bổ sung (nếu cần) và ghi nội dung chính của khổ thơ thứ 2 lên bảng: