Đặc điểm kinh tế xã hội, tình hình giáo dục 1 Đặc điểm kinh tế xã hộ

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển giáo dục trung học cơ sở huyện hoằng hóa, tỉnh thanh hóa giai đoạn 2013 2020 (Trang 51 - 57)

2.1.2.1. Đặc điểm kinh tế - xã hội

Huyện Hoằng Hoá được coi là một huyện đất rộng người đông, giàu tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, trong những năm qua, cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ (tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 9,8%), cơ cấu kinh tế huyện Hoằng Hoá nói chung, cơ cấu nông nghiệp nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng toàn diện, đa dạng hoá sản phẩm và từng bước gắn với nhu cầu của thị trường.

Trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được, trong những năm tiếp theo, Hoằng Hoá tập trung phát triển nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia cầm theo phương pháp công nghiệp, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Cùng với sự lớn mạnh của ngành trồng trọt, một hướng đi mới đang mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều địa phương và các hộ gia đình, đó là phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại kết hợp với kinh tế vườn đồi, trong đó phát triển nhanh trang trại chăn nuôi bò, lợn hướng nạc và gà. Tập quán chăn nuôi sản xuất nhỏ, coi chăn nuôi là kinh tế phụ trong gia đình nay đã chuyển sang sản xuất hàng hoá, tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, nâng giá trị thu nhập từ chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp lên 33%. Theo thống kê của Uỷ ban nhân dân huyện Hoằng Hoá, hiện nay, toàn huyện có 30 trang trại đang được đưa vào chăn nuôi (trong đó có 24 trang trại chăn nuôi gia cầm, 6 trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc) và 9 trang trại đang tiếp tục đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chế biến thức ăn gia súc, chế biến thịt lợn xuất khẩu, sản xuất lợn giống tư nhân được hình thành, cải tạo, nâng cấp và đầu tư đổi mới thiết bị.

Về ngư nghiệp: đến nay đã phát triển gần 470 tàu thuyền khai thác đánh bắt hải sản, đưa 1263 ha diện tích vùng nước mặn, lợ vào nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 950 ha được quy hoạch nuôi tôm sú (210 ha nuôi tôm sú bằng phương pháp bán thâm canh, 233,4 ha nuôi tôm sú bằng phương pháp quảng canh cải tiến cho năng suất bình quân 4000kg/ha). Ðặc biệt, năm 2002 huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình nuôi tôm sú bằng phương pháp nuôi công nghiệp ở xã Hoằng Phụ với diện tích 106 ha. Do vậy, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện đạt hơn 7800 tấn các loại (trong đó sản lượng khai thác đạt 5000 tấn, nuôi trồng đạt 2800 tấn), sản lượng tôm đạt 1100 tấn cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hoằng Hoá có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ công nghiệp, ngành nghề: sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản rất phong phú, đa dạng; trữ lượng tài nguyên thiên nhiên tương đối lớn (cát xây dựng có khả năng khai thác 200000 m3/năm, sản xuất gạch, ngói 50 triệu viên/năm); kết cấu hạ tầng thuận lợi (hệ thống lưới điện quốc gia với 94 trạm tiếp áp hạ thế, hệ thống trung thế có dung lượng gần 9000 kw phủ kín 100% số xã, thị trấn, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất trên địa bàn). Nhiều ngành nghề có chiều hướng ổn định và phát triển.

Là một huyện đất rộng người đông, nên việc xây dựng nguồn thu ngân sách tại địa phương được các cấp uỷ, chính quyền huyện Hoằng Hoá rất quan tâm. Nếu như năm 1999 tổng thu ngân sách huyện đạt 10052 triệu đồng và tổng thu ngân sách xã đạt 19000 triệu đồng thì đến năm 2002 chỉ số trên là 11500 triệu đồng và 32000 triệu đồng, đạt và vượt kế hoạch giao, phản ánh đúng sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn địa bàn. Cấp uỷ, chính quyền các xã đã nhận thức đúng đắn về Luật ngân sách nhà nước cũng như vai trò, nhiệm vụ của địa phương mình.

Trên cơ sở xác định chăn nuôi là một trong những thế mạnh của Hoằng Hoá, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi toàn diện, vững chắc cả đại gia súc và tiểu gia súc, trong đó trọng tâm là phát triển đàn bò, đàn lợn và đàn gia cầm. Chú trọng chăn nuôi hộ gia đình với quy mô vừa, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và trang trại (năm 2005, mỗi xã ít nhất phát triển được 7 - 10 trang trại và đến năm 2010 có khoảng 15 - 20 trang trại ở mỗi xã, thị trấn). Phấn đấu đưa ngành chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, nâng tỷ trọng từ 33,8% (năm 2001) lên 40% (năm 2005) và đến năm 2010 đạt 50% trở lên trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Phát triển đàn bò, đàn lợn, đàn gia cầm, trong đó đàn bò là 18500 con năm 2005 và 24000 con năm 2010; đàn lợn là 110000 con năm 2005 và 160000 con năm 2010, đàn gia cầm 1150000 con năm 2005 và 1500000 con năm 2010.

Với những chủ trương và biện pháp thích hợp, mục tiêu hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn bằng chính nội lực và những bước đi hợp lý, chắc chắn kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngành nghề ở Hoằng Hoá sẽ có bước phát triển mới, vững chắc và toàn diện, góp phần xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ngành giáo dục - đào tạo tiếp tục giữ vững danh hiệu đơn vị tiên tiến cấp tỉnh. Hoạt động y tế, chăm lo sức khoẻ cộng đồng được chú trọng cả về công tác khám, chữa bệnh và tăng cường phòng, chống dịch bệnh từ tuyến cơ sở đến huyện, tỷ lệ tăng dân số của huyện giảm 0,03% so với năm 2001. Quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện được tăng cường, trật tự trị an luôn giữ vững, tình hình chính trị luôn ổn định.

2.1.2.2. Tình hình giáo dục

Chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ, bình quân hàng năm có gần 1000 học sinh đạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia ở tất cả các môn học, bậc học. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học liên tục tăng. Năm học 2007 - 2008 đạt 27,67%, đến năm học 2010 - 2011 đạt 40,34% (tổng số đăng ký dự thi). Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được coi trọng cả về tư tưởng chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Toàn ngành có 3266 cán bộ, giáo viên, 100% đạt trình độ chuẩn, trong đó trên chuẩn 51,6%, giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp tỉnh 8,8%, cấp huyện 37,1%, tỷ lệ đảng viên đạt 59,5%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học không ngừng được tăng cường, 49,39% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 5 trường đạt chuẩn mức độ 2. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS được duy trì vững chắc. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong ngành được tổ chức tốt và có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trong các năm học qua giáo dục Hoằng Hoá tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm học đã và đang đạt nhiều kết quả.

- Hệ thống giáo dục từ bậc học Mầm Non đến THCS, TTGDTX - DN, Trung tâm học tập cộng đồng phát triển đồng bộ, cân đối và vững chắc, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân trong huyện.

+ Tỷ lệ huy động học sinh các cấp học, ngành học đạt tỷ lệ cao: Nhà trẻ đạt 25,2% , Mẫu giáo đạt 67,8% (Trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%), trẻ 6 tuổi ra lớp 1 đạt 99 đến 100%, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100% và lớp 6 đạt 99,8%, học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT và Bổ túc văn hoá đạt 77,1%.

+ Công tác phổ cập giáo dục : Phòng giáo dục đã tham mưu cho Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục của huyện làm tốt công tác phổ cập giáo dục.

+ Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi: Hoằng Hoá là một trong những đơn vị dẫn đầu về công tác phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tháng 1 năm 2000, Hoằng Hoá được công nhận hoàn thành PCGDTH đúng độ tuổi. Đến nay 100% các xã , Thị trấn hoàn thành PCGDTH đúng độ tuổi. Năm 2001 Hoằng Hoá được Tỉnh công nhận hoàn thành phổ cập GDTHCS, đến cuối tháng 4/2007 bộ về kiểm tra công nhận .

+ Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng các xã, Thị trấn: Toàn huyện có 43/43 xã, Thị trấn thành lập được trung tâm học tập cộng đồng. Hiện nay đã và đang đi vào hoạt động có hiệu quả. các trung tâm đã bám sát năm nội dung theo quy chế của UBND Tỉnh đã ban hành. Cùng với Hội Khuyến học của huyện Phòng giáo dục đã phối hợp với các phòng ban chức năng có liên quan chỉ đạo các trung tâm ở các xã, Thị trấn tổ chức tốt việc phổ biến kiến thức về chuyển giao kỹ thuật công nghệ, kiến thức kinh tế thị trường, dạy nghề cho nông dân theo phương châm cần gì học nấy gắn với các nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; giải quyết việc làm ngoài ra còn làm tốt việc phổ biến các chủ trương chính sách pháp luật cung cấp thông tin mang tính thời sự kiến thức về văn hóa, xã hội nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết cho người lao động.

- Chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường những năm gần đây được nâng cao rõ rệt, cảnh quan môi trường sư phạm ngày càng thêm xanh - sạch - đẹp.

- Công tác tổ chức các kỳ thi trong các năm qua đã được chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc theo quy chế thi. Điều đáng ghi nhận là được sự chỉ đạo kiên quyết của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, việc tham mưu tích cực và chỉ đạo nghiêm túc đồng bộ của ngành nên tất cả các kỳ thi học kỳ, thi nghề phổ thông, thi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp

được Tỉnh và Sở giáo dục khen ngợi. Là đơn vị đã thực hiện tốt trật tự kỷ cương trong thi cử, tạo được sự công bằng trong đánh giá học sinh và giảng dạy của giáo viên được nhân dân đồng tình ủng hộ và ghi nhận những chuyển biến rõ nét này.

Đặc biệt năm học 2005 - 2006, Phòng giáo dục Hoằng Hoá được công nhận là đơn vị dẫn đầu các phòng giáo dục trong Tỉnh, được Giám Đốc Sở giáo dục và đào tạo tặng Giấy khen đơn vị dẫn đầu toàn Tỉnh.

Hạn chế:

- Một số đơn vị trường học không đủ diện tích theo quy định trường chuẩn, không có khả năng mở rộng diện tích nhưng không có điều kiện di chuyển trường học ra vị trí mới để đảm bảo diện tích.

- Cơ sở vật chất các trường học được đầu tư chậm, thiếu đồng bộ, chắp vá...

- Hầu hết các trường đều không đủ các phòng học bộ môn, các cơ sở vật chất khác chưa đạt yêu cầu như thiếu sân tập, đường chạy, hệ thống thoát nước... - Các thiết bị dạy học hiện đại tuy đó được trang bị nhưng chưa nhiều, hiệu quả sử dụng chưa cao.

- Công tác xã hội hóa cũng hạn chế, đặc biệt là việc phối hợp trong giáo dục học sinh và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất.

- Một số cán bộ quản lý các nhà trường chưa thật năng động trong công tác tham mưu và triển khai quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Giáo dục - Đào tạo Hoằng Hoá luôn là đơn vị trong tốp dẫn đầu của ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thanh Hoá. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu: nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển giáo dục trung học cơ sở huyện hoằng hóa, tỉnh thanh hóa giai đoạn 2013 2020 (Trang 51 - 57)