Ngoài nhu cầu hoàn thiện về kỹ thuật thì yếu tố hết sức quan trọng là phải phát triển những tố chất thể lực có liên quan đến năng lực này đó là:
- Tố chất sức mạnh. - Tố chất sức nhanh. - Sức bền chuyên môn.
- Sức mạnh: Là khả năng của cơ thể khắc phục lực cản bên ngoài hoặc kháng lại nó bằng sự nỗ lực cơ bắp. Khi phát huy tốc độ cao nhất con người phải khắc phục lực cản bên ngoài khá lớn hay nói cách khác đó chính là trọng lượng và quán tính của cơ thể. Trong trường hợp đó tốc độ đạt được phụ thuộc vào sức mạnh của cơ bắp (số lượng sợi cơ). Có thể tăng tốc độ trong một động tác nào đó bằng hai cách đó là tăng tốc độ tối đa hoặc tăng sức mạnh tối đa. Theo các chuyên gia Cầu lông trong và ngoài nước thì nâng cao tốc độ tối đa là việc làm hết sức khó khăn, trong khi đó nâng cao sức mạnh lại đơn giản hơn nhiều. Vì vậy trong thực tiễn người ta sử dụng rộng rãi các bài tập sức mạnh để nâng cao tốc độ. Ở đây hiệu quả của các bài tập càng cao khi lượng đối kháng tập luyện càng lớn. Ví dụ: phát huy sức mạnh của chân sẽ giúp cho phát triển được tốc độ di chuyển trong Cầu lông.
Trong quá trình rèn luyện sức mạnh để phát triển tốc độ cần giải quyết hai nhiệm vụ:
+ Nâng cao sức mạnh tối đa (sức mạnh tuyệt đối).
+ Rèn luyện khả năng phát huy sức mạnh lớn trong điều kiện vận động nhanh (sức mạnh tốc độ).
Để rèn luyện khả năng, nhanh chóng phát huy sức mạnh, người ta sử dụng phương pháp nỗ lực cực hạn. Trong trường hợp này căng cơ tối đa tạo nên bằng lượng đối kháng dưới mức tới hạn và tốc độ lớn nhất. Trong rèn luyện sức mạnh tốc độ cần lưu ý: động tác phải được thực hiện với biên độ cực đại, nếu thực hiện động tác với biên độ hạn chế (có chỗ dừng) thì những mối liên hệ phối hợp bất lợi sẽ được củng cố.
Cần phải sử dụng kết hợp các bài tập sức mạnh tốc độ với các bài tập sức mạnh và lấy bài tập sức mạnh làm cơ sở. Nếu chỉ sử dụng bài tập sức mạnh tốc độ thì sức mạnh tối đa sẽ không được nâng lên một cách đáng kể bởi trong các động tác nhanh, thời gian tác động lên hệ thần kinh cơ ngắn, song khi tập sức mạnh để phát triển tốc độ cần lưu ý trong thời gian tập sức mạnh, tốc độ động tác thường giảm đi, sau 2 - 6 tuần khi ngừng hoặc giảm đột ngột lượng vận động thì tốc độ mới bắt đầu tăng lên. Trong thời gian dùng bài tập sức mạnh, người ta sử dụng chủ yếu bài tập sức mạnh tốc độ. Các bài tập sức mạnh chỉ ảnh hưởng tích cực tới tốc độ khi chúng tăng cường sức mạnh ở các động tác cần phát huy tốc độ tối đa.
Sức mạnh bột phát được huấn luyện gắn liền với huấn luyện công suất phát lực trong động tác bước, bật của hai chân trong Cầu lông để thực hiện những kỹ thuật di chuyển cần thiết. Trong môn Cầu lông cần huấn luyện đặc biệt nâng cao sức mạnh bột phát cho các động tác di chuyển và động tác thi đấu.
Sức mạnh bột phát nâng cao khả năng tạo ra sức căng cơ lớn trong một khoảng thời gian ngắn nhất. Điều này ảnh hưởng tới phát triển tốc độ, đối với VĐV Cầu lông khả năng bột phát cần được nâng cao để tăng cường tốc độ cho các kiểu động tác di chuyển phổ biến trong Cầu lông như di chuyển bước bật và hãm, dừng ở giữa sân, góc sân là những hành vi vận động mãnh liệt của đôi chân, tăng cường sức mạnh bột phát cho đôi chân là dạng huấn luyện công suất phát lực mạnh chủ
yếu sử dụng trọng lượng cơ thể trong các bài tập bật nhảy với cường độ tối đa. Hiệu quả của huấn luyện sức mạnh bột phát trước hết nâng cao được tốc độ các bước di chuyển trong Cầu lông đặc biệt là các bước bật, nhảy tới một vị trí khác trên sân hoặc bật nhảy đập cầu tấn công.
- Sức nhanh:
Là năng lực thực hiện một hành động vận động trong điều kiện cho trước với thời gian ngắn nhất, cũng như nhiều môn thể thao khác, Cầu lông thi đấu đỉnh cao đòi hỏi một quá trình tập luyện và một trình độ kỹ thuật điêu luyện kết hợp với việc thể hiện tổng hợp những năng lực vận động của con người trong đó có sức nhanh. Mỗi kỹ thuật Cầu lông đều thể hiện tổng hợp các năng lực sức nhanh trong đó, song mức độ kết hợp sức nhanh trong mỗi kỹ thuật khác nhau đều có sự khác nhau và đặc biệt quan trọng là sức nhanh phản ứng vận động (là khả năng đáp lại nhanh nhất những tín hiệu xuất hiện đột ngột bằng những hành vi vận động nhất định).
Trong thi đấu Cầu lông việc thực hiện mỗi động tác kỹ thuật đều thông qua quá trình bắt đầu từ việc quan sát, phán đoán động tác đến theo dõi hướng bay của cầu, di chuyển đến vị trí thích hợp lựa chọn động tác đánh trả và thực hiện thi đấu. Đó là vòng khép kín của một phản ứng vận động, thời gian cho mỗi phản ứng vận động tuỳ vào nhiều yếu tố khác nhau như: đối phương, trình độ năng lực, tình huống trên sân. Song để phát triển năng lực này đòi hỏi quá trình huấn luyện lâu dài, hợp lý cho mỗi VĐV, trong đó có thể tách rời các giai đoạn để huấn luyện đảm bảo việc nâng cao hiệu quả kỹ thuật. Trước hết là huấn luyện năng lực phán đoán bằng mắat để theo dõi động tác thi đấu của đối phương, sau đó đến các phản ứng nhanh trong động tác xuất phát để di chuyển từ vị trí chuẩn bị đến vị trí thi đấu, các năng lực di chuyển nhanh và hợp lý. Cuối cùng đến năng lực thực hiện kỹ thuật động tác. Qua đó ta thấy không chỉ huấn luyện đơn thuần
là sức nhanh phản ứng vận động mà còn phải kết hợp hài hoà với huấn luyện sức nhanh động tác trong các kỹ thuật di chuyển và kỹ thuật thi đấu mới nâng cao thành tích cho VĐV Cầu lông.
- Sức bền chuyên môn: Sức bền chuyên môn Cầu lông là khả năng duy trì vận động kéo dài ở hoạt động có ưu thế về sức nhanh, sức mạnh hoặc sự phối hợp phức tạp trong điều kiện biến đổi liên tục. Đặc trưng của sức bền tốc độ Cầu lông được biểu hiện qua sức bền tốc độ di chuyển, sức bền tốc độ lập lại kỹ thuật động tác ổn định, hiệu quả trong thời gian dài và sức bền tốc độ trong xử lý thông tin biến đổi. Thời gian của bài tập có liên quan tới tốc độ di chuyển trong Cầu lông, tức là thời gian giới hạn của bài tập luôn luôn tương ứng với một tốc độ di chuyển giới hạn nào đó. Căn cứ vào những kết quả nghiên cứu về nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể khi vận động người ta đã xây dựng rằng: Trong những bài tập có thời gian kéo dài thì tốc độ di chuyển sẽ là tốc độ dưới tới hạn hoặc tới hạn, ở đó nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu nhờ quá trình ưa khí, thời gian bài tập càng rút ngắn thì vai trò quá trình hô hấp càng giảm và vai trò quá trình yếm khí càng tăng lên, lúc đầu là vai trò của các phản ứng thuỷ phân glucoza, sau đó là vai trò của phản ứng thuỷ phân phốt pho creatin. Bằng thực nghiệm người ta đã xác định được các bài tập có cường độ cao với thời gian hoạt động từ 20" - 2' có tác dụng hoàn thiện cơ chế glucô phân, còn các bài tập có thời gian từ 3" - 8" có tác dụng tăng cường cơ thể phốt pho creatin.
Vì vậy trong các hoạt động của Cầu lông VĐV phải di chuyển rất nhiều với các bước di chuyển khác nhau kéo theo thời gian di chuyển khác nhau. Do phải di chuyển kéo dài nên rất cần đến sức bền tốc độ di chuyển để đến cuối hiệp đấu hoặc sang hiệp đấu thứ hai tốc độ di chuyển bước chân không bị giảm sút và như vậy không làm cho VĐV cảm thấy mệt mỏi khi di chuyển. Do vậy sức bền có ý nghĩa rất quan trọng trong tốc độ di chuyển bước chân của môn Cầu lông. Việc
nâng cao sức bền tốc độ di chuyển bước chân trong môn Cầu lông đòi hỏi phải có những bài tập hợp lý, khoa học kết hợp với sự bền bỉ kiên trì tập luyện của VĐV. Có như vậy mới đảm bảo được tốc độ di chuyển liên tục trong cả trận đấu, tạo điều kiện cho VĐV di chuyển nhanh tới bất kỳ vị trí nào trên sân ở bất kỳ thời điểm nào của trận đấu.
Ngoài các yếu tố trên, việc rèn luyện mềm dẻo có tác dụng đến cơ, gân khớp, hệ thần kinh cùng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao tốc độ di chuyển bước chân trong Cầu lông, sự linh hoạt của các khớp đặc biệt là khớp hông, các động tác di chuyển của Cầu lông được cải thiện hay tăng lên gắn liền với sự mềm mại của bao khớp và dây chằng. Mềm dẻo khớp hông tăng sẽ làm cho độ dài bước chân trong di chuyển của Cầu lông tăng lên và như vậy góp phần không nhỏ trong việc nâng cao tốc độ các bước di chuyển, tốc độ thuộc vào độ dài bước chân nên rèn luyện mềm dẻo tăng độ dài bước chân là điều cần thiết trong việc nâng cao tốc độ di chuyển cho VĐV Cầu lông.