Đặc điểm thị trường, sản phẩm và nguồn nguyên liệu của công ty

Một phần của tài liệu Phân tích mối quan hệ chi phí – sản lượng – lợi nhuận tại công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng (Trang 30 - 33)

2.1.3.1 Đặc điểm thị trường của công ty

Nhựa là một trong những ngành công nghiệp đang phát triển nhanh nhất tại Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình trong 10 năm trở lại đây là 15 – 20%. Lý do chính đóng góp vào sự tăng trưởng này là do xuất phát điểm của Việt Nam còn thấp, tỷ lệ tiêu thụ bình quân trên đầu người thấp hơn trung bình của khu vực và thế giới. Theo dự báo, trong những năm tới nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nhựa trong và ngoài nước sẽ tiếp tục gia tăng và đây là một điều kiện thuận lợi cho ngành nhựa Việt Nam phát triển.

a. Thị phần của công ty

Nhằm khai thác triệt để những lợi thế về tài sản và thương hiệu, CP nhựa Đà Nẵng đã chọn phương án tập trung đa dạng hóa các loại sản phẩm có lợi thế về mặt địa lý và có nhu cầu lớn trong các ngành nông nghiệp, thủy sản tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nhựa bao bì.

Với mức khai thác khoảng 80% công suất và sản lượng sản xuất từ 3.000 – 4.000 tấn/năm, sản phẩm của công ty chỉ mới chiếm khoảng 1% thị phần sản phẩm nhựa trong cả nước. Trong đó thị trường chủ chốt vẫn ở miền Trung, nơi mà công ty đặc biệt có lợi thế về mặt địa lý. Cơ cấu doanh thu theo khu vực của công ty năm 2010 cụ thể như sau: ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là 53,8%, ở miền Bắc (bao gồm cả Bắc Trung Bộ) là 45% và ở thị trường miền Nam là 1,2%. Nổi bật nhất là với mặt hàng Ống nước, công ty chiếm hơn 80% thị phần cung cấp cho các đơn vị cấp thoát nước tại miền Trung và chương trình quốc gia về nước sạch nông thôn.

b. Khách hàng của công ty

Đối tượng khách hàng của công ty rất đa dạng và có thể kể đến 4 nhóm chính sau:  Khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng: là các cá nhân và gia đình mua hàng hóa để tiêu dùng. Sản phẩm thường là dép, ủng, ống nhựa uPVC, bai bì, thau, chậu, can, chai... Hiện nay lượng khách hàng này còn ít vì công ty chưa có nhiều điểm bán và chưa có những biện pháp kích thích có hiệu quả.

Khách hàng là doanh nghiệp sản xuất: là các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành xi măng, phân bón, thức ăn gia súc, bia, nước khoáng, cấp thoát nước,... nhóm khách hàng này chiếm trên 80% tổng doanh thu của công ty. Với uy tín của mình công ty đã duy trì được lượng khách hàng tiêu thụ bao bì lớn và ổn định như nhà máy xi măng Chinfon Hải Phòng, Nghi Sơn, Hải Vân; công ty cấp thoát nước Đà Nẵng…

Khách hàng là người bán lại: bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh ống nước, bao bì, giày dép và hàng nhựa gia dụng. Tiềm năng của loại khách hàng này rất lớn nhưng công ty chưa khai thác nhiều. Hiện tại công ty mới chỉ quan hệ nhiều với người bán ở Đà Nẵng còn các tỉnh khác thì rất ít.

Khách hàng công quyền và các tổ chức phi lợi nhuận: tiêu biểu cho nhóm khách hàng này là Uniceft Hà Nội. Thường xuyên mua ống nhựa HDPE, uPVC để cung cấp cho các dự án thuộc chương trình “Nước sạch nông thôn”.

Nhìn chung, công ty CP nhựa Đà Nẵng có lợi thế rất lớn về hệ thống khách hàng truyền thống. Đa số họ đều là những doanh nghiệp với khối lượng đơn đặt hàng lớn và có quan hệ lâu bền với công ty. Bên cạnh đó, lượng khách hàng tiềm năng của công ty cũng còn rất dồi dào. Bởi vậy, nếu muốn có được những bước phát triển trong tương lai thì song song với việc giữ chân những khách hàng truyền thống, công ty cũng cần quan tâm đến những khách hàng tiềm năng.

c. Đối thủ cạnh tranh

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay nước ta có hơn 1.200 doanh nghiệp lớn nhỏ đang hoạt động trong ngành nhựa, tạo nên một môi trường cạnh tranh khá gay gắt. Ngoài ra, sức ép về sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật làm cho các sản phẩm ngành nhựa phải thay đổi liên tục về chất lượng mẫu mã. Vì thế, giữ vững vị thế cạnh tranh trên thị trường là một việc khá khó đối với các doanh nghiệp trong ngành. Dẫu vậy, nằm trong khu vực miền Trung Tây Nguyên, công ty CP nhựa Đà Nẵng vẫn có lợi thế rất lớn về thị trường bởi có chưa tới 5% doanh nghiệp trong ngành tập trung tại khu vực này. Sự cạnh tranh diễn ra mạnh nhất là ở khu vực phía Nam do có hơn 80% doanh nghiệp hoạt động tại đây, tiếp theo là ở khu vực phía Bắc với 15%.

Nhờ có được lợi thế về mặt địa lý, bộ máy quản lý có nhiều kinh nghiệm nên sản phẩm của công ty có giá thành rất cạnh tranh. Đặc biệt lợi thế về mặt địa lý đã giúp công ty có thể cạnh tranh được với các đối thủ khác ở những sản phẩm cồng kềnh mà yếu tố vận chuyển có ảnh hưởng rất nhiều đến giá cả sản phẩm.

Đối với các sản phẩm nhựa gia dụng và ống nước: thị trường cung cấp chủ yếu ở khu vực miền Trung nên hầu như công ty không có đối thủ cạnh tranh nào ngoài 2 “đại gia” của ngành là công ty nhựa Bình Minh và công ty nhựa Tiền Phong.

Đối với sản phẩm bao xi măng: đối thủ cạnh tranh của công ty là công ty sản xuất kinh doanh dịch vụ Thái Hòa (Huế), công ty Haipack (Hải Phòng), công ty Bao bì Nam Hà, công ty SADICO, công ty bao bì Quảng Ngãi, công ty bao bì Thanh Hóa…

Tóm lại, mặc dù so với nhiều doanh nghiệp trong ngành ở 2 miền Nam Bắc, CP nhựa Đà Nẵng không thể sánh kịp về mặt thị phần, nhưng tại thị trường miền Trung Tây Nguyên, công ty vẫn là doanh nghiệp lớn nhất và dẫn đầu trong lĩnh vực nhựa xây dựng. Với các lợi thế về khách hàng cũng như đối thủ cạnh tranh công ty có nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh tại thị trường này.

2.1.3.2 Đặc điểm sản phẩm của công ty

Sản phẩm của công ty có nguồn gốc từ nhựa nhiệt dẻo, chủ yếu là PVC, PP và PE phục vụ cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xây dựng và tiêu dùng. Trong những năm gần đây, do nhu cầu trên thị trường có nhiều thay đổi theo xu hướng phát triển khoa học kỹ thuật ngành nhựa, công ty đã chú trọng nhiều hơn đến các sản phẩm phục vụ cho ngành xây dựng, nông nghiệp và thực phẩm – cũng là các sản phẩm được sự quan tâm đầu tư của Chính Phủ.

Sản phẩm của công ty phần lớn là những bộ phận chi tiết hoặc hàng hóa phục vụ theo yêu cầu các ngành sản xuất khác. Do đó, chúng thường phải tuân thủ theo yêu cầu chất lượng của từng khách hàng, đồng thời công ty cam kết thực hiện sản xuất những sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế khác được thị trường Việt Nam thừa nhận, cụ thể là:

Bảng 2.1: Tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm tại công ty năm 2010

Chủng loại sản phẩm Tiêu chuẩn chất lượng

1. Ống nước UPVC BS 3505

2. Ống nước UPVC cứng ISO 4422

3. Ống dẫn nước HDPE TCVN – ISO 1612/TCVN - DIN

4. Bao bì KPK, KP 8074

5. Manh bao dệt PP TCVN

6. Túi PE, HDPE TCVN

7. Sản phẩm nhựa ép HDPE, PP, PVC TCVN

(Nguồn: Phòng kỹ thuật)

Nắm bắt được sự thay đổi nhu cầu về sản phẩm nhựa, công ty CP nhựa Đà Nẵng đã định hướng phát triển sản xuất theo nhu cầu của thị trường hiện đại. Hiện nay, sản phẩm của công ty chủ yếu là nhựa xây dựng và nhựa công nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng sản

phẩm sản xuất với các sản phẩm bao bì xi măng, bao bì phân bón, bao bì đựng ngũ cốc, két bia, nước khoáng, ống nước... Trong khi sản phẩm nhựa gia dụng chiếm khoảng 7% tổng sản lượng.

2.1.3.3 Đặc điểm nguồn nguyên liệu của công ty

Nguồn nguyên liệu của ngành nhựa Việt Nam trước năm 2000 gần như phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, nhưng nhờ định hướng đúng đắn của Chính phủ – muốn phát triển ngành nhựa phải sản xuất được nguyên liệu nhựa – nguồn cung trong nước tăng dần lên qua các năm và đến nay đã đáp ứng được từ 15 – 20% nhu cầu toàn ngành.

Dẫu vậy, cùng chung “số phận” với toàn ngành, công ty CP nhựa Đà Nẵng hàng năm vẫn phải nhập khẩu từ 80 – 85% nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là PVC, PP, PE, PS và Polyester... Nguyên liệu nhựa đa số được tổng hợp từ dầu mỏ, giá cả dầu mỏ lại thường xuyên biến động với biên độ có khi lên đến ±50%, nên giá nguyên liệu nhựa cũng biến động tương ứng làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh lời của công ty – đó là chưa kể đến những rủi ro mà công ty có thể gặp phải do biến động tỷ giá hối đoái. Thời gian gần đây, nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã chính thức đi vào hoạt động. Điều này sẽ tạo điều kiện giúp công ty giảm được những rủi ro kể trên khi có thể chủ động hơn trong nguồn nguyên liệu.

Nguyên liệu chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu giá thành sản phẩm của công ty là hạt nhựa. Đây là nguyên liệu chính và phần lớn được công ty trực tiếp nhập khẩu từ các hãng sản xuất có uy tín trên thế giới như Samsung General Chemichals (nhựa PP yam), Exxonmobil Saudi Arabia (PP yam), Atoftna (PVC compound), Cosmoplene Singapore, Titan PP polimer (PP)… hoặc mua qua các đơn vị kinh doanh hạt nhựa tại thành phố Hồ Chí Minh. Phần lớn các hợp đồng sản xuất cho khách hàng được ký kết từ 06 tháng đến 01 năm trở lên, do vậy công ty rất chủ động trong việc xây dựng kế hoạch mua nguyên liệu mà đặc biệt là nguyên liệu nhập khẩu. Thông thường, để giữ cho giá thành ổn định, công ty tiến hành đàm phán với khách hàng đặt giá căn cứ vào giá mua nguyên liệu thời điểm đó. Sau khi ký hợp đồng, công ty sẽ tiến hành mua ngay nguyên liệu chính trên hợp đồng này để dự trữ sản xuất. Dự trữ nguyên vật liệu với khối lượng lớn gần như là đặc điểm chung của các doanh nghiệp trong ngành này.

Một phần của tài liệu Phân tích mối quan hệ chi phí – sản lượng – lợi nhuận tại công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w