Đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất

Một phần của tài liệu Phân tích mối quan hệ chi phí – sản lượng – lợi nhuận tại công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng (Trang 74 - 75)

Kết cấu chi phí hiện nay của công ty chưa hợp lý. Tỷ trọng định phí trong tổng CP quá thấp làm công ty mất đi sức bật trong kinh doanh vì không tận dụng được lợi ích mang lại từ đòn cân định phí. Chính vì vậy, bên cạnh việc tiết giảm biến phí, công ty cần phải gia tăng tỷ trọng định phí bằng cách mạnh dạn đầu tư mua sắm thêm máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, loại bỏ dần những máy móc thiết lạc hậu, hoặc đã khấu hao hết.

Nguồn vốn của công ty – qua phân tích ở phần 2.1 – có thể thấy là rất dồi dào, nợ vay đang còn ở mức thấp so với vốn CSH. Vì vậy, để phục vụ cho nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ, công ty có rất nhiều cơ hội để vay vốn với lượng lớn ở các ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác.

Bên cạnh đó, do công nghệ của ngành nhựa phát triển nhanh, nên để tránh tình trạng tài MMTB nhanh bị lạc hậu, cũng như để giải quyết vấn đề thiếu vốn trong đầu tư, công ty có thể sử dụng đến hình thức thuê tài chính (nếu sử dụng trong thời gian dài) hay thuê hoạt động (nếu sử dụng trong thời gian ngắn). Việc thuê tài chính là một công cụ tài chính giúp cho doanh nghiệp có thêm vốn trung, dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh nhưng không phải huy động tập trung tức thời một lượng vốn lớn để mua tài sản. Còn thuê hoạt động sẽ giúp công ty có được những tài sản mình cần trong thời gian ngắn với số tiền hợp lý, tránh tình trạng mua về nhưng không sử dụng hết công suất gây ra lãng phí trong quá trình sử dụng.

Việc đầu tư đổi mới công nghệ của công ty không phải là đầu tư giàn trãi miễn sao tăng được định phí. Trong điều kiện nguồn lực luôn bị giới hạn, việc đầu tư nên thực hiện theo chiều sâu hơn là chiều rộng. Theo đó, trước hết công ty nên tập trung đổi mới công nghệ cho những mặt hàng chủ lực như Ống nước HDPE, Ống nước PVC; hay các mặt hàng thu có nguồn lợi lớn và hỏi trình độ công nghệ cao như Túi LD, HDPE và Manh, bao dệt PP, HD… Mặc dù Ống nước đóng góp vào doanh thu một tỷ trọng lớn, nhưng cũng như mặt bằng chung các sản phẩm khác, MMTB để sản xuất mặt hàng này đã rất lỗi thời, đặc biệt là dây chuyền sản xuất ống nước PVC – năm 2010 tỷ lệ số sản phẩm sản phẩm sai hỏng rơi vào mặt hàng này là nhiều nhất.

Ngoài ra, với cơ sở mặt bằng xuống cấp và không đáp ứng được công suất sản xuất hiện tại (lớn gấp 6 lần so với công suất thiết kế), công ty cũng cần tính tới biện pháp mở rộng thêm mặt bằng sản xuất, có thể ở một địa điểm mới hoặc ngay trên chính diện tích

hiện tại bằng cách bố trí lại nhà xưởng và các kho hàng một cách hợp lý hơn. Việc này không thể một sớm một chiều là có thể thực hiện được, song ban lãnh đạo công ty nên xây dựng kế hoạch cụ thể để chuẩn bị nguồn lực trước cho việc mở rộng. Còn trước mắt, theo tôi công việc cần làm là nâng cấp sửa chữa lại những công trình đã xuống cấp, ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của công ty.

Một vấn đề cần bàn nữa khi đầu tư đổi mới công nghệ, đó là lựa chọn phương pháp khấu hao thích hợp. Hiện nay, công ty đang sử dụng phương pháp khấu hao theo đường thẳng. Phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, dễ tính nhưng nhược điểm lớn nhất là chưa phù hợp với sự phát triển của kinh tế mới. Như đã nói ở trên, ngành nhựa là một trong những ngành có công nghệ cập nhật liên tục, do đó tuổi thọ của TSCĐ ngắn hơn so với quy định rất nhiều. Hơn nữa, phương pháp khấu hao đường thẳng sẽ không loại trừ được hao mòn vô hình của MMTB. Vì vậy, công ty nên sử dụng phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần đối với một số tài sản cố định mới để giải quyết được những vấn đề trên. Theo phương pháp này, việc thu hồi vốn sẽ được diễn ra nhanh hơn, tạo điều kiện cho việc đầu tư mới công nghệ trong tương lai.

Đầu tư đổi mới công nghệ làm tăng định phí của công ty, do đó cũng sẽ đẩy điểm hòa vốn mới ra xa hơn so với điểm hòa vốn cũ. Điều này sẽ gây ra rủi ro giảm lợi nhuận, thậm chí tình huống xấu nhất là công ty bị thua lỗ – một khi việc tiêu thụ hàng hóa diễn ra không thuận lợi. Do đó, song song với việc đầu tư đổi mới công nghệ, công ty phải lên kế hoạch cho việc tăng doanh thu và cắt giảm chi phí.

Một phần của tài liệu Phân tích mối quan hệ chi phí – sản lượng – lợi nhuận tại công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng (Trang 74 - 75)