Văn hóa xã hội tác động đến ngành công nghiệp chế biến và sản xuất sản phẩm gỗ ở Việt Nam và văn hóa của các nước nhập khẩu.
Về mặt văn hóa tổ chức, ScanCom đã phát huy tính tích cực của văn hóa phương Đông và tinh hoa văn hóa phương Tây trong quá trình hoạt động thể hiện qua triết lý kinh doanh đầy tính văn hóa, nhấn mạnh mục tiêu lâu dài, chiến lược và chính sách kinh doanh thích nghi môi trường, trong đó nổi bật là chính sách đảm bảo chất lượng hàng hóa, tạo uy tín cho thương hiệu, đáp ứng tối đa yêu cầu của khách hàng, tuân thủ nghiêm túc các vấn đề về môi trường và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó còn một số nhà thầu phụ của ScanCom chịu tác động tiêu cực của văn hóa phương Đông và phương Tây như: tư tưởng xâm lấn quyền lợi của người khác trong quan điểm kinh doanh, chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, không có chiến lược kinh doanh lâu dài. Điều này thể hiện trong việc mua bán gỗ tròn, xảy ra hiện tượng khai thác rừng trái phép, gỗ nhập lậu không có hồ sơ nguồn gốc rõ ràng. Trong hoạt động xuất khẩu còn xảy ra tình trạng giảm chất lượng để tăng lợi nhuận gây thiệt hại chung về tiền bạc và uy tín cho công ty ScanCom.
Đối với thị trường nước ngoài, mỗi quốc gia có những đặc điểm văn hóa khác nhau, ảnh hưởng đến tâm lý mua hàng. Chẳng hạn như một trong những nét đặc trưng của văn hóa Mỹ là không thích chờ đợi lâu. Có thể họ muốn mua đồ gỗ mới nhưng họ không thể chờ đợi hàng tháng trời mới mua được hàng. Hơn nữa, họ sẵn sàng mua ngay một khi họ bị thuyết phục về những giá trị gia tăng của món hàng. Muốn vậy, hàng hóa phải phong phú, đa dạng, trên hết là phải độc đáo, trình bày thật bắt mắt, ấn tượng và phương châm để thành công trong lĩnh vực này là “luôn luôn hiện diện, luôn luôn thay đổi”. Ngược lại, lối suy nghĩ của người Nhật là chậm mà chắc, do đó khi bắt đầu họ luôn xuất phát từ những hợp đồng nhỏ nhưng khi đã trở thành đối tác của nhau thì có thể kỳ vọng những đơn hàng lớn và một mối quan hệ kinh doanh lâu dài và tốt đẹp.