đồng bị vi phạm về hình thức còn nhiều bất cập
Như đã phân tích ở phần trên, ảnh hưởng của yếu tố hình thức đối với hợp đồng rất đa dạng, có thể làm hợp đồng vô hiệu, hoặc làm cho hợp đồng không có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, có thể chứng minh được sự tồn tại của hợp đồng, xác định thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Tuy vậy, qui định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ đưa ra một cách thức xử lý đối với một trường hợp vi phạm:
Khi hình thức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mà các bên không tuân thủ thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu [27]. Nghiên cứu qui định này chúng ta thấy có những bất cập sau đây:
Thứ nhất: Việc xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu về hình thức như trên là chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và không khả thi
Theo Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005, khi pháp luật có qui định hình thức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, mà hợp đồng bị vi phạm về hình thức, thì theo yêu cầu của các bên, tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác ra quyết định buộc các bên thực hiện đúng hình thức hợp đồng trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì hợp đồng vô hiệu. Đối với các hợp đồng mua bán nhà ở bị vi phạm về hình thức, thời hạn nói ở đây là một tháng. Có ý kiến cho rằng, qui định về cách giải quyết hậu quả của hợp đồng vi phạm hình thức như trên là "xa vời" với yêu cầu của thực tiễn. Tác giả cũng đồng tình với ý kiến này. Bởi lẽ, bản chất của việc khởi kiện ra tòa
trong trường hợp này không đơn giản là đòi tòa án xem xét về hình thức của hợp đồng, mà thực chất các bên, hoặc là muốn được tòa án công nhận hợp đồng có giá trị pháp lý, hoặc là muốn tòa án bác bỏ (không công nhận) hợp đồng. Thường thì một bên cho rằng, mình chưa chính thức ký hợp đồng nên hợp đồng chưa có hiệu lực ràng buộc; còn bên kia lại muốn chứng minh là hợp đồng đã được thiết lập tự nguyện và trên thực tế các bên đã thực hiện hợp đồng, nên yêu cầu tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng và buộc bên kia phải thi hành nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Bởi vậy, nếu tòa án chỉ buộc các bên phải tuân thủ hình thức luật định của hợp đồng, tức là đã không phản ánh đúng bản chất của quan hệ tranh chấp, không giải quyết đúng yêu cầu và mong đợi của các bên. Mặt khác, qui định này cũng không khả thi vì thực tế cho thấy, cả các bên cũng như tòa án đều không mấy "mặn mà" trong việc áp dụng qui định này. Thực tế cho thấy, các bên thường chỉ từ chối thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng khi giá thay đổi nhiều so với giá nhà lúc giao kết hợp đồng. Trong trường hợp này, bên từ chối công nhận hợp đồng sẽ nhận được khoản lợi lớn hơn so với việc phải hợp đồng, nên họ sẵn sàng hủy bỏ hợp đồng và chấp nhận bồi thường thiệt hại, thay vì phải xác lập hợp đồng đúng hình thức luật định. Mặt khác, do các bên đã không có sự thống nhất với nhau về việc tiếp tục giao kết và thực hiện hợp đồng, việc bắt buộc các bên phải hoàn tất thủ tục cũng không còn cần thiết và không khả thi, nên tòa án thường tuyên bố hợp đồng vô hiệu ngay, thay vì buộc các bên hoàn tất hình thức trong một thời hạn, như qui định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005. Quan điểm này càng được củng cố bởi thực tiễn xét xử. Ví dụ: Bản án số 1355/2006/DSST ngày 21/12/2006 về "Hợp đồng mua bán nhà", Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cho rằng, khi các bên đã không đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng, thì cách tốt nhất là chấp nhận việc chấm dứt hợp đồng, và buộc bên có lỗi làm cho hợp đồng không thể tiếp tục thực hiện phải bồi thường thiệt hại cho bên kia.
Tóm lại, qui định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005 hiện nay là không phù hợp với thực tế và cũng không khả thi. Hơn nữa, bản chất của vấn
đề không chỉ là sự vi phạm hình thức hợp đồng, mà nguyên nhân sâu xa chính là do sự biến động về giá nhà, mà cách giải quyết hiện nay là chưa đảm bảo công bằng lợi ích đối với các bên. Thực tế này đặt ra vấn đề cần phải tìm kiếm một giải pháp khác hợp lý và công bằng hơn cho các bên.
Thứ hai: Qui định giải pháp khắc phục vi phạm hình thức hợp đồng còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất và, không phù hợp với thực tiễn.
Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005 không xác định rõ phạm vi áp dụng và mức độ vi phạm về hình thức của các hợp đồng. Cụ thể, Điều luật chưa xác định: (i) giới hạn phạm vi áp dụng của điều luật: hình thức thực tế của hợp đồng là hình thức nào (được làm văn bản, hoặc chỉ bằng lời nói, hành vi), và (ii) sự vi phạm hình thức đang ở giai đoạn nào (chưa thực hiện, đang thực hiện, hoặc đã thực hiện xong) thì cần được xem xét lại. Từ đó, dẫn đến việc nhận thức khác nhau về qui định này, làm cho hiệu lực áp dụng của điều luật có phần bị hạn chế. Thực tiễn xét xử cũng cho thấy, không phải mọi trường hợp vi phạm hình thức đều được tòa án xem xét cho các bên hoàn thiện về hình thức, mà tùy loại hợp đồng, và tùy mức độ vi phạm về hình thức. Ví dụ: Bản án số 185/2008/DSPT ngày 17/4/ 2008 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang về "tranh chấp hợp đồng sang nhượng đất". Nguyên đơn thỏa thuận chuyển nhượng cho bị đơn 30 công đất, với giá 7 triệu đồng/ ha. Hợp đồng được thỏa thuận bằng miệng. Nguyên đơn đã giao đất cho bị đơn canh tác trên thực địa. Bị đơn đã đặt cọc cho nguyên đơn số tiền 18 triệu đồng, và hẹn sẽ trả hết số tiền còn lại vào 20/4/2003. Quá hạn, sau nhiều lần yêu cầu bị đơn thanh toán, nhưng bị đơn không thực hiện, nên nguyên đơn kiện bị đơn ra tòa để đòi hủy bỏ hợp đồng. Tại Bản án số 100/2007/DSST ngày 29/11/2007, Tòa án nhân dân huyện T. chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tuyên hủy bỏ hợp đồng nói trên; buộc nguyên đơn hoàn lại cho bị đơn số tiền chuyển nhượng đất mà bị đơn đã trả, tính theo thời giá là 70 triệu đồng. Bị đơn kháng cáo yêu cầu công nhận hiệu lực của hợp đồng. Cấp phúc thẩm nhận định hợp đồng này "không được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo qui
định của pháp luật…", cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng này "vô hiệu là có căn cứ", nên đã tuyên y án sơ thẩm. Như vậy, theo quan điểm của cả hai cấp tòa án, tuy đối tượng của hợp đồng đã được chuyển giao và tiền chuyển nhượng đã được thanh toán một phần, nhưng tòa án cũng không buộc các bên phải hoàn tất hình thức hợp đồng. Theo đó, khi giải quyết tranh chấp loại này, một số tòa án chủ yếu cũng chỉ quyết định buộc các bên khắc phục hình thức đối với loại hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà ở, đất ở. Còn các loại hợp đồng khác, như các hợp đồng thuê nhà bị vi phạm hình thức, tòa án thường tuyên bố hợp đồng vô hiệu chứ không buộc các bên thực hiện đúng hình thức theo qui định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005. Ví dụ: Bản án số 634/2006/DS-PT ngày 22/6/2006 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên đơn cho bị đơn thuê nhà với thời hạn 5 năm, tính từ ngày 30/01/2005. Cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng này vô hiệu kể từ thời điểm giao kết do không tuân thủ Điều 492 Bộ luật Dân sự năm 2005, mà không buộc các bên thực hiện đúng hình thức luật định. Quan điểm này được cấp phúc thẩm chấp nhận: "Căn cứ theo Điều 492 Bộ luật Dân sự năm 2005, cấp sơ thẩm xử hợp đồng này vô hiệu là có căn cứ nghĩ nên chấp nhận". Tương tự, theo Bản án số 1178/2006/DS-PT ngày 16/11/2006 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các bên ký hợp đồng thuê mặt bằng với hình thức văn bản. Tòa án cho rằng: Tại phiên tòa hôm nay cả hai bên đều xác nhận biết rõ hợp đồng phải công chứng, chứng thực mới có hiệu lực. Nhưng hai bên không chứng minh được khi ký hợp đồng đã có yêu cầu đi công chứng mà không được bên kia thực hiện, đồng thời trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án các bên cũng không có yêu cầu buộc thực hiện qui định về hình thức của giao dịch. Do đó, giao dịch vô hiệu là do lỗi của hai bên... Thậm chí, ngay cả đối với các hợp đồng mua bán nhà ở hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở vi phạm hình thức cũng bị tòa án tuyên vô hiệu ngay mà không buộc các bên phải thực hiện đúng hình thức do pháp luật qui định. Một số Tòa luận lập rằng, việc tuyên buộc các bên phải thực hiện đúng hình thức qui định sẽ không khả thi vì các
bên đã thể hiện rõ quan điểm tại tòa là không chấp nhận tiếp tục thực hiện hợp đồng. Ví dụ: Bản án 1355/2006/DSST ngày 21/12/2006 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bản án 187/2006/DSPT ngày 19/6/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang... Cả Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP và Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn cùng một vấn đề hợp đồng bị vi phạm hình thức, nhưng đường lối giải quyết rất khác nhau, và cũng khác cơ bản với qui định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005. Điều đó cho thấy các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp tối ưu cho vấn đề. Cách giải quyết vấn đề còn mang tính sự vụ mà thiếu nền tảng lý luận chung. Nhận thức được điều này là tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thích hợp để xử lý tốt hậu quả pháp lý của hợp đồng vi phạm hình thức.
3.2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật hiện hành về hình thức
hợp đồng