Hình thức hợp đồng bằng lời nó

Một phần của tài liệu Hình thức Hợp đồng theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2005 (Trang 30 - 32)

Hợp đồng bằng lời nói là những hợp đồng được giao kết dưới hình thức ngôn ngữ nói, bằng lời hay còn gọi là hợp đồng miệng. Theo đó, các bên giao kết hợp đồng trao đổi với nhau bằng lời nói, trực tiếp hoặc thông qua điện thoại, điện đàm, gửi thông điệp điện tử bằng âm thanh (tiếng nói) để diễn đạt tư tưởng và ý muốn của mình trong việc xác lập, giao kết hợp đồng. Trừ những loại hợp đồng pháp luật quy định hình thức bắt buộc, còn lại đều có thể giao kết bằng lời nói. Tuy vậy, để tránh trường hợp các bên liên quan phủ nhận sự tồn tại của hợp đồng, chỉ nên sử dụng hình thức hợp đồng bằng lời nói để giao kết các hợp đồng có giá trị không lớn, với những người thân quen có tin cậy lẫn nhau, hoặc những hợp đồng thực hiện và chấm dứt ngay như hợp đồng mua bán tiêu dùng hàng ngày hoặc hợp đồng dịch vụ thông thường trong đời sống.

Hình thức bằng lời nói hay còn được gọi là hình thức miệng, đây là hình thức cổ xưa nhất, được các bên trao đổi và xác lập bằng miệng, là hình thức được sử dụng nhiều nhất trong giao kết hợp đồng. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà làm luật ghi nhận hình thức lời nói là một trong những phương tiện ghi nhận nội dung thỏa thuận về quyền, nghĩa vụ của các bên.

Bởi với việc chuyển tải thông tin bằng lời nói, bao gồm các việc thể hiện tâm lý tình cảm, cách suy xét, đánh giá sự vật, hiện tượng không chỉ chính xác mà còn có khả năng truyền đạt tới đối tượng tiếp nhận một cách nhanh chóng nhất, với dung lượng lớn nhất, tác động trực tiếp đến tâm lý, tình cảm, suy nghĩ của đối tượng tiếp nhận. Lời nói chính là cách thức biểu hiện ý chí của một cá nhân và hình thức hợp đồng bằng lời nói là phương thức thể hiện sự thống nhất ý chí của các chủ thể trong hợp đồng. Hợp đồng bằng lời nói được xác lập một hành động cụ thể chứ không thể hiện dưới dạng không hành động. Im lặng không được coi là sự chấp nhận giao kết hợp đồng bởi con người không thể hiện ý chí của mình một cách rõ ràng thông qua trạng thái này. Tuy nhiên, luật cũng quy định im lặng là sự chấp nhận giao kết nếu như biết có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết (khoản 2 Điều 404 Bộ luật Dân sự). Hình thức bằng lời nói được các bên lựa chọn trong một số trường hợp nhất định bởi hình thức này chứa đựng những yếu tố bất lợi. Hình thức này chỉ áp dụng trong các hợp đồng có đặc điểm:

- Có giá trị nhỏ, phục vụ cuộc sống hàng ngày; - Giữa các bên có độ tin cậy nhất định;

- Hợp đồng được thực hiện ngay lập tức và hoàn thành ngay sau thời điểm giao kết trong thời gian tương đối ngắn;

- Nội dung các quyền, nghĩa vụ hợp đồng có tính đơn giản, thực hiện một cách nhanh chóng, thuận tiện, không cần thiết có sự cẩn trọng quá mức bằng văn bản.

Hợp đồng miệng có hiệu lực tại thời điểm các bên đã trực tiếp thỏa thuận với nhau về những nội dung chủ yếu của hợp đồng.

Hình thức này thường được áp dụng đối với các quan hệ hợp đồng mà ngay sau khi giao kết nó sẽ được thực hiện và chấm dứt như mua bán trao tay; hoặc giữa các chủ thể có quan hệ thân thiết, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau như

người thân, bạn bè, hàng xóm láng giềng vay tiền, mượn tài sản của nhau; hay các hợp đồng có giá trị nhỏ.

Hình thức hợp đồng này được sử dụng rất phổ biến trong giao dịch dân sự, nhưng ít được được sử dụng hơn trong giao dịch thương mại. Cũng vì sự tiện lợi của cách thức giao kết này, mà trên thực tế có nhiều hợp đồng đáng lẽ phải được lập thành văn bản, hoặc văn bản có công chứng hoặc chứng thực (như hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng thuê bất động sản) nhưng để giản tiện các bên cũng thường lập dưới hình thức lời nói, nên đã dẫn đến những tranh chấp rất khó giải quyết.

Nhược điểm của loại hình thức này là không bảo đảm độ an toàn pháp lý cho các bên, giá trị chứng minh không cao và dễ dẫn đến tình trạng phủ nhận của các bên về sự tồn tại của hợp đồng, nếu các bên không còn bằng chứng khác để chứng minh về sự tồn tại của hợp đồng đó.

Một phần của tài liệu Hình thức Hợp đồng theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2005 (Trang 30 - 32)