Vấn đề định lượng giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng

Một phần của tài liệu Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trong luật hình sự Việt Nam (Trang 80 - 84)

Tài sản bị hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng phải là tài sản thuộc sở hữu của người khác, nếu là tài sản thuộc sở hữu người thực hiện hành vi hủy hoại hoặc hành vi cố ý làm hư hỏng thì không phạm tội. Tuy nhiên trong thực tế việc xác định tài sản thuộc sở hữu của ai cũng không dễ dàng gì. Ví dụ: A mua xe máy của C nhưng không có hợp đồng, sau đó A cũng không làm thủ tục sang tên đổi chủ, ngày 27/8/2008 khi đang trên đường tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm A bị Cảnh sát giao thông yêu cầu cho kiểm tra giấy tờ và xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm. A bực mình châm lửa đốt cháy xe

của mình và hô hoán mọi người đến xem gây ách tắc giao thông 2 tiếng. Sau đó A bị yêu cầu đến cơ quan điều tra để xử lý, qua xác minh mặc dù chiếc xe máy về mặt pháp lý vẫn thuộc sở hữu của người khác nhưng A đã thực hiện quyền sở hữu của mình với chiếc xe máy kể từ thời điểm chuyển giao xe giữa A và chủ trước của chiếc xe nên không thể xử lý A về hành vi hủy hoại tài sản.

Bộ luật Hình sự hiện hành (năm 1999) quy định về các tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản, cũng như một số tội phạm khác, đa số các tội có cấu thành vật chất, thiệt hại về tài sản hoặc tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 500.000 đồng trở lên là một trong những dấu hiệu cấu thành tội phạm, tức 500.000 đồng là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó mấy năm qua vật giá thì không ngừng leo thang, các ý kiến hiện nay đều thống nhất cần tăng định lượng tài sản bị xâm hại của các tội phạm nói chung cũng như tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nói riêng. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 0h00 ngày 1/1/2010. theo đó định mức tài sản bị xâm hại trong tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là 2.000.000đ

Tuy nhiên, xung quanh việc định lượng tài sản cũng có những quan điểm khác nhau:

Đối với những người có điều kiện về kinh tế, ở các khu vực phát triển hơn về kinh tế-xã hội, ở các thành phố lớn thì việc định lượng tài sản bị chiếm đoạt từ 1-2 triệu đồng mới được coi là tội phạm có lẽ không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có khó khăn về kinh tế - xã hội thì cuộc sống của đại đa số quần chúng nhân dân còn rất khó khăn, nền kinh tế thị trường đã làm giàu cho tầng lớp này nhưng cũng làm bần cùng hoá tầng lớp khác. Nhiều gia đình chỉ có chiếc xe đạp trị giá chưa tới 1 triệu đồng là tài sản đáng giá nhất. Hoặc ở nông thôn, có gia đình chỉ có con bê, con trâu trị giá chưa tới 2 triệu là tài sản duy nhất, là nguồn sống của cả gia đình, nếu người nông dân bị mất những tài sản đó, mà kẻ

chiếm đoạt không bị coi là tội phạm, không bị xử lý trước pháp luật một cách nghiêm minh mà phải "đợi" tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên họ sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

- Việc định lượng tài sản đôi khi gây khó khăn cho công tác khởi tố, điều tra dẫn đến bỏ lọt tội phạm:

Ví dụ: qua điều tra đã phát hiện và bắt giữ được kẻ đã hủy hoại điện thoại di động. Tuy nhiên, do tang vật đã không còn, dẫn đến việc không thể định giá được trị giá tài sản. Trong khi đó, lời khai của người bị hại không thể làm chứng cứ duy nhất dùng làm căn cứ để kết tội. Do vậy, không đủ căn cứ khởi tố bị can, cơ quan điều tra chỉ có thể phạt hành chính. Hoặc việc định lượng giá trị tài sản cũng có thể bị kẻ xấu lợi dụng để lách luật, bởi việc định giá tài sản không phải trong trường hợp nào cũng dễ dàng hoặc nếu giá trị tài sản bị hủy hoại là 2.000.000đ, nhưng bản định giá tài sản bị hủy hoại chỉ kết luận là 1.900.000đ, trường hợp này không thể khởi tố vụ án hình sự mà chỉ có thể bị xử lý hành chính nếu người gây ra hậu quả không có các dấu hiệu cấu thành tội phạm khác.

Trên thế giới pháp luật hình sự một số nước không quy định về định lượng tài sản Ví dụ Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, Bộ luật Hình sự Trung Quốc… Tuy nhiên có một điều chắc chắn là việc áp dụng các quy định này bao giờ cũng phải có những văn bản hướng dẫn dưới luật quy định cụ thể, sử dụng cách này thì sẽ có ưu điểm là không cần sửa đổi các quy định cụ thể trong luật hình sự, các văn bản hướng dẫn sẽ có những quy định áp dụng cho từng thời kỳ, như vậy sẽ giữ vững được tính ổn định của Bộ luật Hình sự. Việc không quy định định lượng giá trị tài sản bị hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản cũng đòi hỏi việc xây dựng một hệ thống cơ quan tư pháp vững mạnh, có trình độ, có đạo đức và thật sự công tâm, vì chỉ có vậy mới đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử được công bằng.

Trước khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được ban hành, theo Dự thảo (lần thứ 3) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 1999 kèm theo Dự thảo Tờ trình Chính phủ về Dự thảo luật này do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Riêng vấn đề định lượng tài sản trong các tội chiếm đoạt còn có nhiều ý kiến khác nhau tranh luận về việc tính giá trị tài sản bị xâm hại như thế nào để luôn phù hợp với giá thị trường, tuy nhiên mỗi ý kiến đều có những ưu nhược điểm nhất định, vì vậy sau khi đã nghiên cứu Quốc hội đã lựa chọn phương án hợp lý nhất.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 1999 số 37/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009, tại điểm a khoản 2 Điều 1 quy định:

Sửa đổi mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 của một số điều như sau:

a) Sửa đổi cụm từ "năm trăm nghìn đồng" thành cụm từ "hai triệu đồng" tại khoản 1 các điều 137, 138, 139, 143, 278, 279, 280, 283, 289, 290 và 291…

Căn cứ vào điều luật, định mức tài sản bị xâm hại trong tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được xác định là 2.000.000đ. Với quy định mới về nâng mức định lượng giá trị tài sản bị xâm hại, tỷ lệ tội phạm sở hữu nói chung và tội phạm hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nói riêng trong thời gian tới sẽ có xu hướng giảm.

Việc định lượng tài sản là rất cần thiết cho hoạt động áp dụng pháp luật, có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật, tránh tùy tiện trong xử lý tội phạm…Giá trị tài sản bị xâm hại chính là một căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, đối với những trường hợp giá trị tài sản thấp hơn mức quy định thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Bộ luật Hình sự

1999 cũng quy định rất rõ ràng những trường hợp phạm tội dưới mức định lượng nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà cụ thể đối với Điều 143 Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là:

- Tài sản bị thiệt hại dưới mức định lượng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng;

- Hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này;

- Hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Cũng theo điểm b tiết c.5 Điều 2 Nghị quyết 33/NQ-QH ngày 19/6/2009 thì kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được công bố không xử lý về hình sự đối với người thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 143 mà thiệt hại có giá trị dưới hai triệu đồng, đây cũng là quy định mang tính hiệu lực hồi tố đảm bảo tính dân chủ công bằng và nhân đạo.

Tóm lại, khi nghiên cứu về tình hình tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản Điều 143 Bộ luật Hình sự, tôi thấy nhà làm luật nên xây dựng một hệ thống văn bản hướng dẫn, trong đó các khái niệm cần thống nhất giữa tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nói riêng và tội phạm khác nói chung. Bên cạnh đó, tội phạm xảy ra trong thực tiễn luôn đa dạng và việc nhận thức và áp dụng pháp luật của các cơ quan chức năng cũng phụ thuộc rất nhiều về năng lực, trình độ của cán bộ làm công tác pháp luật, vì vậy Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cán bộ tư pháp vững mạnh.

Một phần của tài liệu Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trong luật hình sự Việt Nam (Trang 80 - 84)