Hình phạt tù có thời hạn

Một phần của tài liệu Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trong luật hình sự Việt Nam (Trang 30 - 36)

Tù có thời hạn là hình phạt mà người bị kết án bị buộc phải cách li khỏi xã hội trong thời hạn nhất định để học tập, lao động, cải tạo [30, tr. 187]. Tù có thời hạn đối với người phạm tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có mức tổi thiểu là ba tháng và tối đa là hai mươi năm. Trường hợp phạm nhiều tội thì mức tối đa của tù có thời hạn là ba mươi năm. Trong hệ thống hình phạt mà nhà làm luật quy định cho Điều 143 Bộ luật Hình sự thì hình phạt tù có thời hạn là hình phạt được Tòa án áp dụng nhiều nhất. Quy định cụ thể tại:

- Khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự 1999 với mức phạt tù có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, áp dụng đối với những trường hợp không có tình tiết tăng nặng.

- Hình phạt tù có thời hạn được quy định áp dụng trong các trường hợp có tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 143 Bộ luật Hình sự.

+ Các tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều 143

Bộ luật Hình sự thì bị áp dụng khung hình phạt tù có thời hạn từ 2 năm đến 7 năm trong những trường hợp sau:

a. Phạm tội có tổ chức được hiểu là trường hợp phạm tội có từ 2 người trở lên, có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

b. Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác: thể hiện tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản cao hơn những trường hợp thông thường.

Chất nổ là những chất có sức công phá lớn, nguy hiểm cao đối với con người; chất cháy là những chất dễ cháy hoặc tự bốc cháy trong một môi trường nhất định như xăng, dầu, các chất hóa học..; thủ đoạn nguy hiểm là thủ đoạn gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con người như thuốc độc, thuốc trừ sâu…

c. Gây hậu quả nghiêm trọng: là trường hợp do hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây ra những thiệt hại về vật chất, tính mạng, sức khỏe (chết người, gây thương tích nặng) và các thiệt hại khác như về an ninh, trật tự, an toàn xã hội ngoài giá trị trực tiếp bị hủy hoại hoặc làm hư hỏng.

Thông tư liên tịch của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSDTC- BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001về việc Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định về tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với các tội phạm xâm phạm sở hữu, làm căn cứ để việc áp dụng pháp luật được thống nhất. Cụ thể nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây là gây hậu quả nghiêm trọng:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, nếu không thuộc các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm trên đây;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31 % đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Ngoài thiệt hại về sức khỏe, tài sản còn những thiệt hại khác như gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội ở địa phương…

d. Để che dấu tội phạm khác: Đây là trường hợp người phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhằm mục đích che dấu một tội phạm mà người phạm tội đã thực hiện trước đó nhưng chưa bị phát hiện, hoặc có nguy cơ bị phát hiện nên người phạm tội đã hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản để hy vọng rằng tội phạm mà họ thực hiện sẽ không bị phát hiện. Ví dụ: đốt kho đển phi tang nhằm che dấu hành vi tham ô tài sản.

đ. Vì lý do công vụ của người bị hại: là trường hợp người phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội với động cơ trả thù mà người bị trả thù ở đây là người đã thi hành một công vụ có liên quan đến quyền lợi của người phạm tội, vì đã thi hành công vụ nên mới bị hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Mối quan hệ giữa việc thi hành công vụ với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là quan hệ nhân quả, nếu có việc thi hành công vụ của người bị hại và sau đó có việc hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, nhưng giữa việc thi hành công vụ của người bị hại với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản không có liên quan đến nhau thì không thuộc trường hợp này.

e. Tái phạm nguy hiểm: là trường hợp đã bị phạt tù về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý, chưa được xóa án tích mà phạm tội tại khoản 2 Điều 143 Bộ luật Hình sự hoặc tái phạm, chưa được xóa án

tích, nay lại phạm tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản chưa được xóa án tích, nay lại phạm tội tiếp.

g. Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50.000.000đ đến dưới 200.000.000đ. Việc xác định thiệt hại của tài sản phải phụ thuộc vào giá thị trường tự do vào thời điểm xảy ra thiệt hại.

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp định khung tăng nặng theo khoản 3 Điều 143 Bộ luật Hình sự thì bị áp dụng khung hình phạt tù có thời hạn từ 7 năm đến 15 năm.

a. Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200.000.000đ đến dưới 500.000.000đ

b. Hậu quả rất nghiêm trọng: Hậu quả được coi là rất nghiêm trọng trong trường hợp hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản đã gây ra những thiệt hại về vật chất, tính mạng, sức khỏe và các hiệt hại khác ngoài giá trị trực tiếp bị hủy hoại hoặc làm hư hỏng theo theo quy định Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001, hậu quả đó gồm:

- Làm chết hai người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61 % trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng…

- Ngoài thiệt hại về sức khỏe, tài sản còn những thiệt hại khác như gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội ở địa phương, gây hoang mang cho nhân dân khu vực đó… những thiệt hại này, tùy từng trường hợp cụ thể các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định là hậu quả rất nghiêm trọng.

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp định khung tăng nặng theo khoản 4 Điều 143 Bộ luật Hình sự thì bị áp dụng khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm.

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Hậu quả được coi là đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản đã gây ra theo quy định Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001, gồm:

- Làm chết ba người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31 % đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, nếu không thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn khác;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên... Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phải vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật

tự, an toàn xã hội. Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.

Mục đích trực tiếp của hình phạt tù có thời hạn là tách người phạm tội ra môi trường cũ có chứa các điều kiện đã thúc đẩy, hỗ trợ họ phạm tội, đặt họ vào môi trường riêng biệt, để từ đó có các biện pháp giáo dục ý thức về đúng với các chuẩn mực xã hội. Hình phạt tù buộc người phạm tội phải được đưa vào một môi trường cách ly với cuộc sống bên ngoài, cũng đồng nghĩa việc họ phải cách li với các ứng xử thường nhật của cuộc sống, các quy tắc chuẩn mực thông thường phải tuân theo. Các biện pháp giáo dục trong trại giam tuy hướng việc giáo dục ý thức của người phạm tội đáp ứng được các đòi hỏi của xã hội mà họ không đáp ứng được tổng thể các đòi hỏi khác của xã hội. Do vậy áp dụng hình phạt này khi hành vi của người phạm tội đã ở tính chất và mức độ nguy hiểm cao, buộc phải cách li họ ra khỏi xã hội.

Ví dụ: Ngày 10/12/08, Tòa án nhân dân huyện Phù Cát (Bình Định) đã mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm vụ án "cố ý gây thương tích" và " cố ý làm hư hỏng tài sản" đối với 3 bị cáo: Lương Tâm Trí (1992), Phan Công Thành (1990) và Huỳnh Tấn Lai (1992) cùng ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Trong tháng 6/2008, trên địa bàn huyện Phù Cát, 3 tên này cùng với 9 đối tượng khác đã dùng hung khí gồm kiếm, dao, rựa, cây gậy vô cớ đánh và chém người gây thương tích và đập phá tài sản làm nhân dân vô cùng hoang mang. Cơ quan điều tra xác định chúng đã gây ra 15 vụ, làm cho 13 người bị thương tích, với tổng tỷ lệ thương tật là 61%, hư hỏng 4 xe mô tô. Hội đồng xét xử tuyên phạt: Lương Tâm Trí 4 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích + 1 năm tù giam về tội cố ý làm hư hỏng tài sản, Phan Công Thành 4 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích + 1 năm tù giam về tội cố ý làm hư hỏng tài sản, Huỳnh Tấn Lai bị xử 30 tháng tù giam về tội cố ý gây thương tích.

Thực tế áp dụng hình phạt, có nhiều trường hợp khi xét thấy mức án phạt tù không quá 3 năm, nhân thân người phạm tội tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nếu Tòa án xét thấy không cần thiết phải chấp hành hình phạt tù thì cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm.

Một phần của tài liệu Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trong luật hình sự Việt Nam (Trang 30 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)