PHẦN KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Nhìn lại việc ứng dụng lí thuyết phân tâm học trong nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại (Trang 84 - 87)

Trong suốt một thế kỉ qua, việc du nhập và ứng dụng lí thuyết phân tâm học trong nghiên cứu văn học nghệ thuật nói chung và nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại nói riêng đã trải qua một “con đường đau khổ” nhưng không phải là không có những mùa quả ngọt trên hành trình bứng trồng và vun xới cho việc di thực lí thuyết mới mẻ này vào mảnh đất Việt Nam. Nhìn lại toàn bộ lịch sử của việc ứng dụng lí thuyết phân tâm học trong nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại, chúng ta thấy được sự khác biệt của từng thời kì, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội tác động vào cũng như sự chủ động trong tiếp nhận và ứng dụng lí thuyết của mỗi nhà nghiên cứu.

Trong giai đoạn 1900 - 1945, cùng với quá trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam, nghiên cứu phê bình theo lối hiện đại xuất hiện và cùng với nó là sự ra đời của các công trình ứng dụng lí thuyết phương Tây vào nghiên cứu văn học Việt Nam, trong đó có việc ứng dụng lí thuyết phân tâm học vào nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại. Các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hanh, Trương Tửu… với các công trình của mình đã bước đầu đặt nền móng cho hướng nghiên cứu này trên một mảnh đất có khá nhiều hứa hẹn. Do là những người thuộc lớp tiên phong và có những giới hạn trong nhận thức và diện tiếp cận tư liệu nên những nghiên cứu này chưa thoát khỏi lực hấp dẫn của đường mòn nguyên lí “dồn nén - ẩn ức - thăng hoa” vốn không phải là tất cả những gì thuộc phân tâm học. Trong các công trình Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương - 1936, Hồ Xuân Hương - Tác phẩm, thân thế và văn tài - 1936, Kinh thi Việt Nam - 1940, Nguyễn Du và Truyện Kiều - 1942, Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ - 1943, Văn chương Truyện Kiều - 1945… các tác giả đã đưa ra những luận điểm có thể còn đơn giản, xơ cứng, máy móc… hay chưa đủ sức thuyết phục và còn có

những ngộ nhận nhưng cũng giúp chúng ta có một hình dung khái quát về việc ứng dụng lí thuyết phân tâm học trong nghiên cứu văn học Việt Nam giai đoạn này.

Trong giai đoạn 1945 - 1975, cùng với sự kiện cả dân tộc đứng lên chống Pháp và chống Mĩ, việc chia cách hai miền Nam Bắc khiến đời sống văn học nghệ thuật ở mỗi miền có những diện mạo riêng. Ở miền Bắc, sau 1945 dù về đại thể những “phương pháp duy tâm” bị lên án nhưng đó đây vẫn có người sử dụng phân tâm học trong nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại như Trương Tửu với Văn nghệ bình dân Việt Nam - 1951, Văn Tân với Văn học trào phúng Việt Nam - 1958, Nguyễn Đức Bính với

Người Cổ Nguyệt, chuyện Xuân Hương - 1962… Các công trình này trước sau đều nhận được sự “quan tâm” xứng tầm của giới nghiên cứu và bị phê phán gay gắt, trong đó có những phê phán khá đúng đắn. Điểm hạn chế là dù phê phán như vậy nhưng các công trình khác vẫn khó vượt qua được chính những điểm từng bị phê phán bởi hạn chế của tư liệu và cung cách tiếp cận. Cùng thời gian này, các nghiên cứu về văn học Việt Nam trung đại dưới góc nhìn phân tâm học ở miền Nam thu được nhiều thành tựu hơn với Đinh Hùng trong Người thơ thuần túy Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh - 1960, Đàm Quang Thiện trong Ý niệm bạc mệnh trong đời Thúy Kiều - 1965, Thanh Lãng trong Đoạn trường tân thanh hay là cuộc đời kì quái của Nguyễn Du như được chiếu hắt bóng lên tác phẩm của ông - 1971… Việc mở rộng tầm tiếp cận lí thuyết phương Tây thông qua hệ thống sách dịch tại miền Nam khi đó có vai trò rất lớn trong việc hướng các nhà nghiên cứu tới các phương pháp tiên tiến và “cập nhật” đương thời và chính điều này góp phần tạo ra sự khác biệt Nam - Bắc trong giai đoạn này, tất nhiên không thể tránh khỏi một số khiếm khuyết hoặc hạn chế không thể khắc phục được ngay trong một thời gian ngắn.

Sang giai đoạn từ 1975 đến nay, nước nhà được thống nhất, và nhất là từ sau 1986, làn gió Đổi mới mang đến một hơi thở mới cho văn học nói chung và việc nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại từ góc nhìn phân tâm học nói riêng. Hướng nghiên cứu này chuyển mình từ những bài viết của Nguyễn Tuân với Băm sáu cái nõn nường Xuân Hương - 1986, Lại Nguyên Ân với Tinh thần Phục Hưng trong thơ Hồ Xuân Hương - 1991… để rồi đi tới một dấu mốc quan trọng là Hồ Xuân Hương - Hoài niệm phồn thực của Đỗ Lai Thúy năm 1999. Các công trình này thực sự tạo được ấn tượng trong đời sống văn học đương thời đặc biệt là công trình của Đỗ Lai Thúy. Riêng trường hợp Đỗ Lai Thúy, là một nhà nghiên cứu xác định mình “vượt qua được sức cám dỗ của đường mòn dồn nén - ẩn ức - thăng hoa”, ông đã “ít nhiều” ứng dụng lí thuyết phân tâm học của C.G.Jung về vô thức tập thể và cổ mẫu để lí giải Hồ Xuân Hương… đồng thời ông cũng thường xuyên “nghiên cứu việc nghiên cứu” giúp người đọc thêm hiểu bối cảnh nghiên cứu phê bình và cũng hiểu hơn những ý tưởng trong các công trình nghiên cứu của ông.

Nhìn lại việc ứng dụng lí thuyết phân tâm học trong nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại chúng ta dễ dàng nhìn ra những ưu nhược của một quá trình nhận thức trong đó có những vấn đề là điểm chung của cả mấy chặng đường. Việc các nhà nghiên cứu - không nhiều, tập trung trong một số gương mặt quen thuộc như Trương Tửu, Đỗ Lai Thúy… - cũng như việc các nhà nghiên cứu thường chỉ tập trung vào văn học Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa trước thế kỉ XIX với các tác gia quen thuộc như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ… hay việc mãi đến cuối thế kỉ XX hướng nghiên cứu theo phân tâm học của C.G.Jung mới được tiến hành một cách có hệ thống… khiến chúng ta không khỏi băn khoăn về diện áp dụng, người có khả năng - hứng thú áp dụng và hướng tiếp cận theo nhánh nào của phân tâm học… trong tương lai. Vấn đề này đáng để chúng ta suy ngẫm và tìm tòi trong một thời gian dài, ở một khuôn khổ rộng lớn hơn. Con đường nhận thức không có điểm dừng tuyệt đối và sự kết thúc đôi khi chỉ là để bắt đầu.

Một phần của tài liệu Nhìn lại việc ứng dụng lí thuyết phân tâm học trong nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại (Trang 84 - 87)