THÁNH TÔN HOÀNG ĐẾ

Một phần của tài liệu Việt sử tiêu án (Trang 50)

Vua tên là Nhật Tôn, là con trưởng của vua Thái Tôn, ở ngôi vua 17 năm.

Vua khéo cư xử, nối được nghiệp, đáng gọi là vị vua tốt, nhưng có việc xây tháp Báo Thiên làm mệt sức dân, làm cung Dâm Đàm phao phí của dân, đó là điều sở đoản.

Niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ hai, mùa đông rét lắm, Vua bảo người chung quanh rằng: "Trẫm ở thâm cung, đốt than, mặc hồ cừu mà còn rét khổ đến thế này, nghĩ đến tù nhân ở trong ngục thất, bị gió rét thế nào. Vậy bắt phải cung cấp cho đủ chăn chiếu và đồ ăn uống".

Sử thần bàn rằng: Vua Thánh Tôn ở đông cung 27 năm, biết hầu hết những sự

khổ sở của người ta, ẩn tình ở dân gian, đến khi lên làm vua, nhân có rét mướt mà thương kẻ tù giam, suy lòng yêu con mà xét đến các việc án oan uổng (Vua ngồi ở điện xử án, công chúa hầu ở bên, Vua chỉ bảo quan coi việc án rằng: "Ta suy lòng yêu con ta,

để làm cha mẹ dân, người dân không hiểu biết, thì nên khoan tha cho". Khuyên dân làm ruộng trồng dâu, chẩn cấp kẻ bần cùng, chấn chỉnh việc văn, xét duyệt võ bị, các chính sự tốt, trong sử chép luôn luôn. Vua tôi thân yêu nhau, không có sự cách biệt, cho nên thông hiểu dân tình, không bị ai che lấp, thật là hiền quân đời Lý, cũng là do vua Thái Tôn dạy con có phương pháp đó.

Vua sai xây tháp Báo Thiên 12 tầng, cao vài mươi trượng (có tên gọi là Đại thắng tư thiên bảo tháp, tục truyền: An Nam tứ khí, là tháp Báo Thiên, Chùa Quỳnh Lâm, cái vạc Phổ Minh, chuông chùa Quy Điền).

Vua ra lệnh các quan vào chầu phải đội mũ bộc đầu, đi giày da (vào triều đội mũ đi giày từ đây). Vua định quân hiệu, gọi là: Ngự Long, Vũ Thắng, Long Dực, Thần Điệp, Phủng Thánh, Bảo Thắng, Hùng Lược, và Vạn Tiệp, quân lính đều thích vào trán chữ Thiên tử quân.

Chế độ binh lính của nhà Lý đại lược theo quân Phủ vệ của nhà Đường, quân Cấm sương của nhà Tống, mỗi tháng lên cơ ngũ một lần, gọi là đi canh, hết hạn canh lại về quê làm ruộng, quan không phải cấp lương, duy có người trưởng cấm quân theo hầu chực tức vệ, được cấp cho 10 bó lúa, 1 tấm vải, cho ăn gọi là đại hòa, cấp cho lúa mạch gọi là chiêm mễ. Không có phí tổn nuôi lính, mà có công hiệu dùng sức lính, cũng là chế độ hay.

Tuổi Vua đã cao (40 tuổi), mà chưa có con, nhân đi du quan đến làng Thượng Lỗi1, thấy một người con gái hái dâu đứng nấp trong đám cỏ gianh, lấy về làm vợ, đặt tên là _ Lan phu nhân, đến chùa hành hương, có mang sinh ra Kiên Đức (có thuật đầu thai thác hóa của Nguyễn Bông).

Vua cấp bổng liền cho quan Sĩ sư Ngụy Trọng Hòa, Đặng Thế Tư và các ngục lại, để nuôi lòng liêm khiết.

Sử thần bàn rằng: "Dương Chấn từ khước vàng, Ôn Tẩu từ chối tiền, người đời có mấy người được như thế. Nếu không được thế, thì nghèo túng tất sinh lòng tham, cũng là thường tình, mà cho ra làm việc dân, đó là cho lăng chăn dê, đưa vịt nuôi chim

ưng. Kinh Thư có câu: "Có được giàu mới cho làm quan, cho nên rút bớt số quan mà cho có lương bổng là việc cần lắm".

Chân Dăng dâng con voi trắng, Vua cho là điềm tốt, cải niên hiệu là Thiên Huống Bảo tượng. Xưa kia vua Hiếu Tĩnh nhà Nguyên Ngụy bắt được con voi lớn ở Nam Duyện, thì đổi niên hiệu là Thiên Tượng, ngày nay niên hiệu Bảo Tượng của Thánh Tôn cũng giống như thế; cái bệnh thích điềm tốt đến thế đó.

Một phần của tài liệu Việt sử tiêu án (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)