Lợi ích kinh tế người lao động là một trong ba loại lợi ích chủ yếu của nước ta hiện nay, được coi là động lực trực tiếp bên trong của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Cũng như đối với những người lao động khác, lợi ích của người lao động trong các DNCVĐTNN bao gồm tổng thể những quyền lợi của người lao động trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá tinh thần…, trong đó, trực tiếp là lợi ích vật chất (lợi ích kinh tế) đó là tiền công, tiền thưởng, các loại phụ cấp. Lợi ích kinh tế trực tiếp của người lao động, biểu hiện dưới hình thức thu nhập bằng tiền gồm có:
- Thứ nhất: Tiền công
Cùng với quá trình chuyển nền kinh tế nước ta sang nền kinh tế thị
trường, thì sức lao động của người lao động trong các DNCVĐTNN thật sự là một hàng hoá. Theo lý luận tiền công của C.Mác, việc mua bán trao đổi hàng hoá sức lao động được thực hiện thông qua hợp đồng lao động giữa người lao động và chủ DN có nhu cầu sử dụng sức lao động đó. Và khi sức lao động trở thành hàng hoá thì tiền công chính là hình thức biểu hiện bằng tiền là giá cả hay giá trị của sức lao động.
Trên thực tế, hiện nay việc mua bán sức lao động diễn ra trước quá trình sản xuất, số tiền công mà người lao động nhận được sau khi đã tiến hành sản xuất ra hàng hoá hoặc một thời gian nhất định theo số lượng và chất lượng của DN. Đúng như C.Mác đã viết: “giá trị sức lao động là giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì cuộc sống của người có sức lao ấy” [31, tr.256].
Về nguyên tắc, số tiền công đó phải đảm bảo giá trị của toàn bộ tư liệu sinh hoạt cần thiết để tái sản xuất sức lao động, và để duy trì cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Vì vậy, số lượng giá trị các tư liệu sinh hoạt cần thiết đó cũng khác nhau phụ thuộc vào giá trị sức lao động của từng người lao động bỏ ra: “hao phí càng nhiều thì việc bù đắp lại càng lớn” [31, tr.256].
Khi cuộc sống của người lao động và gia đình họ được ổn định, họ sẽ yên tâm lao động, sáng tạo, cống hiến sức lực cho DN. Trong mỗi DN có mục đích kinh doanh,
sản xuất riêng, do đó tuỳ theo tính chất công việc mà DN yêu cầu sẽ có mức tiền công khác nhau. Tiền công cơ bản của từng người lao động là cơ sở để xác định đơn giá tiền công trong đơn vị sản phẩm hoặc đơn vị thời gian. Việc trả tiền công theo đơn vị sản phẩm hay đơn vị thời gian có tác dụng kích thích người lao động tăng cường độ và năng suất lao động phát huy tinh thần sáng tạo, có ý thức trách nhiệm với công việc của DN.
Trong DNCVĐTNN tính chất thị trường của tiền công được thể hiện rõ nét, tiền công chịu sự chi phối rất lớn của thị trường và thị trường lao động, tiền công trong khu vực này cho dù vẫn nằm trong khuôn khổ phát luật và theo những chính sách của Nhà nước Việt Nam, nhưng là những hợp đồng trực tiếp giữa chủ DN và người lao động, hay là giữa bên làm thuê và một bên đi thuê thông qua quan hệ thuê mướn lao động - trả thù lao theo thoả thuận.
Tiền công là giá cả sức lao động của người lao động, cho nên nó cũng bị tác động của quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh. Điều đó đôi khi cũng gây nên những biến động lớn về tiền công của người lao động. Nó có thể lên xuống tuân theo lượng cung và lượng cầu về lao động. Một mặt, các chủ DN đã lợi dụng tình hình cung lớn hơn cầu về lao động mà trả tiền công dưới giá trị sức lao động, thậm trí trả dưới mức tối thiểu của giá trị lao động để thu lợi nhuận cao, nhất là đối với các DN hoạt động với mục đích lợi nhuận là trên hết. Điều đó dễ gây ra cảnh bất công, bần cùng hoá người lao động, dẫn đến đình công, bãi công đòi tăng tiền lương, dẫn đến xung đột xã hội và tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất. Mặt khác, nếu cung nhỏ hơn cầu về loại hình lao động nào đó, thì người lao động dễ gây áp lực đòi tiền công cao hơn giá trị sức lao động, điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất và gây bất lợi cho chủ DN.
Hiện nay, ở nước ta để bảo vệ người lao động, Bộ luật Lao động (2005) đã qui định rõ tiền lương trong Chương VI gồm 13 điều, qui định về tiền lương cho người lao động. Mặc dù tiền công trong các DNCVĐTNN là do sự thoả thuận giữa chủ DN và người lao động thông qua hợp đồng lao động, tiền công đó trả theo năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc, song BLLĐ đã qui định tiền lương của người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước qui định tại điều 55 BLLĐ. Tại điều 56 BLLĐ qui định mức lương tối thiểu
Mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích luỹ, tác sản xuất sức lao động mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác [36, tr.37].
Như vậy, tiền công mặc dù do cơ chế thị trường và các qui luật kinh tế chi phối nhưng cũng không thể thấp hơn mức lương tối thiểu theo BLLĐ ban hành. Tiền công của người lao động nhận được là kết quả phân phối lần đầu, theo quy luật phân phối theo lao động, có liên quan đến lợi ích của DN. Doanh nghiệp và người sử dụng lao động chỉ đồng ý tăng tiền công khi nào lợi ích của họ không bị vi phạm. Tiền công được xác định vào chi phí sản xuất. Lợi ích của người sản xuất, DN thể hiện ở chỉ tiêu lợi nhuận. Lợi nhuận là chênh lệch giữa doanh thu và chi phí sản xuất. Như vậy việc tăng tiền công sẽ làm tăng chi phí sản xuất, nếu doanh thu không tăng thì sẽ làm cho lợi nhuận giảm. Do đó, DN chỉ đồng ý tăng tiền công cho người lao động khi có giải pháp vừa đảm bảo tăng tiền công cho người lao động, vừa có lợi nhuận cho DN mà thôi.
- Thứ hai: Tiền thưởng:
Đối với người lao động bên cạnh tiền công cơ bản thì tiền thưởng cũng là một bộ phận quan trọng trong thu nhập bằng tiền. Vì thực chất tiền thưởng là phần thưởng cho người lao động khi làm tốt công việc của mình hơn mức trung bình, nó kích thích người lao động hăng say làm việc, cống hiến và sáng tạo, thúc đẩy tăng năng suất lao động. Tiền thưởng là một bộ phận hợp thành của tiền công, được phân phối theo số lượng và chất lượng lao động. Nhưng tiền công cơ bản là bộ phận tiền công cố định, hình thành nên đơn giá tiền công trong đơn vị sản phẩm hoặc đơn vị thời gian lao động mà người công nhân nhận được qua phân phối lần đầu, còn tiền thưởng là bộ phận tiền công không cố định, nó được tính toán theo một tỷ lệ nhất định trên tiền công cơ bản và thông thường là thấp hơn tiền công cơ bản rất nhiều, đồng thời người lao động nhận được nó thông qua phân phối lại từ quỹ khen thưởng được trích lập từ lợi nhuận của DN
Quá trình sản xuất – kinh doanh của các DN càng phát triển, hiệu quả kinh tế đưa lại càng cao, thì quy mô của các quỹ phúc lợi và bảo hiểm càng lớn. Từ đó các DN sẽ có điều kiện thực hiện từ các quỹ này. Người lao động nhận được thu nhập, hay thực hiện được lợi ích kinh tế của mình từ quỹ phúc lợi và quỹ bảo hiểm thông qua quá trình tái phân phối các quỹ đó dưới hình thức bằng tiền như (thăm hỏi hiếu hỷ, lễ tết, trợ cấp khó khăn, sinh đẻ, ốm đau…) hoặc được hưởng lợi ích của mình thông qua hình thức tham quan, nghỉ mát…Ngoài ra, từ quỹ phúc lợi DN trích ra một phần gọi là tiền phụ cấp là số tiền bổ sung thể hiện trách nhiệm của người lao động, bù đắp cho người lao động làm việc trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm, độc hại… Các DN còn có trách nhiệm trích một phần tiền từ quỹ phúc lợi cùng với người lao động đóng góp và mua Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm xã hội, cho người lao động, đảm bảo đúng quyền lợi và nghĩa vụ đối với người lao động.