0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (84 trang)

Trình độ của người lao động

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: LỢI ÍCH KINH TẾ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ CỦA NHẬT BẢN TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI DOC (Trang 32 -36 )

Qua nghiên cứu về lý luận và thực trạng lao động Việt nam ở trên thấy rằng, nhân tố trình độ người lao động ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của họ. Người lao động muốn đảm bảo lợi ích kinh tế, mức thu nhập ngày càng cao, đời sống tinh thần phong phú thì bắt buộc họ phải có tay nghề chuyên môn vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật tốt.

Để có được thu nhập, người lao động phải lao động sản xuất, hay chính là phải có được việc làm ổn định. Người lao động và chủ DN gặp gỡ nhau thông qua quá trình tuyển dụng. Các chủ DN đều có chiến lược kinh doanh – sản xuất của mình, đó là: sự kết hợp giữa tư liệu sản xuất và sức lao động (ở đây đi sâu vào nghiên cứu sức lao động). Nghĩa là, yêu cầu cần có lao động với trình độ như thế nào?... Ngược lại người lao động muốn vào làm việc trong DN, cũng cần đáp ứng những yêu cầu như: sức khoẻ, giới tính, trình độ, năng lực…Khi hai bên đáp ứng được yêu cầu của nhau, sẽ dẫn tới ký kết hợp đồng lao động.

Tìm hiểu về trình độ của người lao động trước hết cần đi từ những luận điểm của C.Mác về hàng hoá sức lao động. Để thực hiện quá trình sản xuất của mình người chủ tiền phải tìm thấy trên thị trường “một thứ hàng hoá mà bản thân giá trị sử dụng của nó

có cái tính độc đáo là một nguồn sinh ra giá trị” [31, tr.250-251]. Một thứ hàng hoá mà khi tiêu dùng nó thật sự thì vật hoá được lao động, và do đó sẽ tạo ra được giá trị. Khi đó, người chủ tiền đã tìm thấy: “thứ hàng hoá đặc biệt ấy trên thị trường: đó là năng lực lao động, hay sức lao động” [31, tr.251].

Nói tới trình độ của người lao động thì trước hết con người đó phải khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần, hay chính là phải có sức lao động. “Sức lao động hay năng lực lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống, và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó” [31, tr.251].

Chi phí đào tạo cho người công nhân: Người lao động nào muốn “trở thành một sức lao động phát triển và đặc thù” [31, tr.257] thì người đó phải có kiến thức, trình độ học vấn và những thói quen khéo léo trong một ngành nghề nhất định. Muốn có được một ngành nghề chuyên môn nhất định, người lao động phải trải qua quá trình đào tạo nhất định, tuỳ theo tính chất công việc. C.Mác viết: “Muốn cải tạo bản tính chung của con người để làm cho nó có kiến thức và những thói quen khéo léo trong một ngành lao động nhất định, nghĩa là muốn cho nó trở thành một sức lao động đặc thù, thì phảo có một trình độ học vấn hay giáo dục nào đó” [31, tr.257]. Trong xã hội cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, đòi hỏi công nhân phải có một trình độ nhất định về nghề nghiệp cũng như những hiểu biết xã hội để đáp ứng yêu cầu lao động của ngành. Mỗi người lao động phải được đào tạo từ những kiến thức phổ thông cho tới đào tạo tay nghề và trình độ chuyên môn

Tuỳ theo tính chất phức tạp của lao động mà sức lao động phải được đào tạo để đáp ứng. Trong xã hội, có rất nhiều người cùng sản xuất – kinh doanh ra một mặt hàng, do đó để thu được lợi nhuận siêu ngạch, người sản xuất phải luôn năng động, áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, đồng thời phải tìm thấy trên thị trường sức lao động có trình độ phù hợp với yêu cầu của mình. Để có được sức lao động phù hợp anh ta phải có chi phí đào tạo để họ có tay nghề thích ứng với công việc. Những phần chi phí đó cũng được tính vào giá trị sức lao động. Nhưng trong các DNCVDN, thì giá trị sức lao

động được biểu hiện bằng tiền công, sau khi làm việc trong một thời gian nhất định hoặc tạo ra một số lượng sản phẩm nhất định.

Hiện nay cơ cấu lực lượng lao động ở nước ta trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Trong khi cơ cấu hợp lý của các nước đi trước đã công nghiệp hoá thành công thì cứ 1 đại học, cao đẳng / 4 trung học chuyên nghiệp / 10 công nhân kỹ thuật. Còn ở nước ta thì cứ 1 đại học,cao đẳng / 0,91 trung học chuyên nghiệp / 2,77 công nhân kỹ thuật (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.- Số liệu điều tra Lao động việc làm năm 2004).

Trong số lao động đang làm việc tại các DN có vốn FDI chỉ có 40% qua đào tạo nghề còn lại là lao động phổ thông. Trong khi đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo cũng chưa đáp ứng. Cụ thể là: Từ năm 2000 đến nay, thị trường lao động đang thừa cử nhân luật, cử nhân xã hội và nhân văn, cử nhân kinh tế trong khi đó lại rất thiếu kỹ sư kỹ thuật (các ngành chế tạo máy, sinh hoá, cơ khí), kỹ sư ở một số ngành mới (kiểm toán, thuỷ lực, hoá dầu, dịch vụ chất lượng cao…) và thiếu công nhân lành nghề các ngành: cầu đường, xây dựng, động cơ điện,…

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, chất lượng lao động của Việt Nam còn rất thấp. Với thang điểm 10, chất lượng lao động Việt Nam mới được 3,79 điểm, trong khi đó Thái lan: 4,04 điểm, Philippin: 4,53 điểm, Malaixia: 5,59 điểm, Trung Quốc: 5,73 điểm, Ấn Độ: 5,75 điểm, Hàn Quốc: 6,91 điểm [12, tr.69].

Nghĩa là người lao động phải được qua đào tạo. Về phương diện quốc gia, các bộ, ngành liên quan cần phải xã hội hoá dạy nghề theo hướng mở rộng quy mô và mô hình đào tạo, cần có chính sách hỗ trợ cho người đi học nghề theo hướng đào tạo theo đơn đặt hàng: DN đặt hàng đào tạo và cho người học vay tiền, đi làm trả dần; hoặc có mô hình ngân hàng cho người học vay tiền học phí với lãi suất thấp, …

1.3.2. Tổ chức sản xuất kinh doanh của các chủ doanh nghiệp

Tổ chức sản xuất trong doanh nghiệp là hệ thống các biện pháp nhằm phân bố, tổ chức và sử dụng đầy đủ nhất toàn bộ nguồn lao động và tư liệu sản xuất trên cơ sở kết hợp một cách hợp lý về không gian và thời gian theo những mối quan hệ công nghệ, kỹ thuật ngày càng hoàn thiện nhằm bảo đảm cho quá trình sản xuất diễn ra nhịp nhàng, liên tục với hiệu quả kinh tế cao.

Khi tổ chức sản xuất là phải quyết định những vấn đề hết sức cơ bản như: Vấn đề chuyên môn hoá sản xuất của doanh nghiệp, vấn đề đa dạng hoá nội dung sản xuất kinh doanh, xác định qui mô hợp lý của doanh nghiệp, vấn đề liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh.Vì vậy, mỗi quyết định về tổ chức sản xuất sẽ có ý nghĩa rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tổ chức sản xuất là cơ sở khách quan để tổ chức bộ máy quản lý và tổ chức lực lượng lao động. Hình thức và phương pháp quản lý bao giờ cũng phải dựa trên cách thức tổ chức sản xuất, khi tổ chức sản xuất hợp lý sẽ giúp cho bộ máy quản lý trở nên gọn nhẹ, hiệu quả quản lý được nâng cao. Đồng thời tổ chức sản xuất cũng là căn cứ khoa học để phân bố, tổ chức và sử dụng toàn bộ nguồn lao động cả về không gian và thời gian. Ngoài ra, tổ chức sản xuất còn tạo ra khả năng kết hợp các yếu tố sản xuất một cách hợp lý, nó quyết định khả năng khai thác và hiệu quả sử dụng các yếu tố vật chất của quá trình sản xuất như máy móc thiết bị, việc cung ứng, sử dụng nguyên vật liệu...

Có thể nói tổ chức sản xuất là cơ sở để rút ngắn thời gian sản xuất (bao gồm cả thời gian lao động và thời gian công nghệ) để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao sức mạnh cạnh tranh trong quá trình phát triển DN. Tuy nhiên, tổ chức sản xuất vừa là một công tác có tính chất sản xuất - kỹ thuật, vừa là công tác có tính chất kinh tế - xã hội. Do đó, nó cần được hoàn thiện thường xuyên để đáp ứng những đòi hỏi của sự phát triển trong lực lượng sản xuất và dưới tác động của các điều kiện về kinh tế - xã hội.

Trong nền kinh tế thị trường, các DNCVDTNN luôn phải cạnh tranh nhau để chiếm thị phần tại Việt nam. Các DN luôn luôn đạt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, do đó, DN nào có khối lượng hàng hoá lớn, chất lượng hàng hoá cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, giá cả thấp thì DN đó sẽ thu được lợi nhuận siêu ngạch. Để đạt được mục tiêu trên, DN luôn phải nghiên cứu sắp xếp, cải tiến bộ máy tổ chức sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới kỹ thuật, đổi mới mặt hàng, tăng năng suất lao động… để đạt

mục đích thu được lợi nhuận. Việc tổ chức sản xuất kinh doanh của DN một cách hợp lý, khoa học là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại và mở rộng phát triển của DN.

Bên cạnh sự tồn tại và phát triển của DN, thì lợi ích kinh tế của người lao động cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh của DN. DN có mô hình tổ chức hợp lý, không chồng chéo, chức năng từng bộ phận rõ ràng thì công tác lãnh đạo, quản lý sẽ hiệu quả, góp phần vào việc nâng cao lợi nhuận cho DN. Từ đó lợi ích của người lao động sẽ được đảm bảo.

Cho nên, việc sắp xếp tổ chức quản lý khoa học, DN cũng phải thường xuyên chủ động nghiên cứu nhu cầu thị trường, sẵn sàng cung cấp sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Như vậy, người lao động luôn có công ăn việc làm ổn định, tạo ra ý thức trách nhiệm cao trong việc xây dựng DN phát triển.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: LỢI ÍCH KINH TẾ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ CỦA NHẬT BẢN TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI DOC (Trang 32 -36 )

×