Hiệu lực đề nghị

Một phần của tài liệu Giao kết hợp đồng dân sự theo bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 32 - 39)

Đề nghị bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm nào? Hành vi đề nghị được thông báo cho đối tượng cụ thể có hiệu lực từ thời điểm đối tượng đó tiếp

29

nhận được đề nghị. Hiệu lực của đề nghị được đặt ra trước tiên với vấn đề: một người đã đưa ra đề nghị có thể thay đổi, rút lại, hay hủy bỏ đề nghị đó không, bởi nếu hành vi này thực hiện được, thì không có hợp đồng nào được giao kết nếu chấp nhận đưa ra sau khi hành vi đó được thực hiện. Tuy nhiên, nếu trong giai đoạn đề nghị mà người đề nghị chết hoặc mất năng lực hành vi thì hiệu lực của đề nghị hoặc là bị chấm dứt do người đề nghị chết, hoặc là bị hủy bỏ do người đề nghị mất năng lực hành vi. Tuy nhiên, vấn đề này cần được áp dụng trong giai đoạn từ thời điểm chuyển thông báo đề đến thời điểm bên đối tác nhận được đề nghị nhưng lại chưa được Bộ luật Dân sự năm 2005 đề cập. Còn trong trường hợp người đề nghị chết sau khi bên đối tác đã nhận được đề nghị (Điều 398, Bộ luật Dân sự 2005) thì sẽ phát sinh vấn đề kế thừa địa vị pháp lý của người đề nghị. Sự kế thừa địa vị pháp lý sẽ không phát sinh trong trường hợp nội dung của đề nghị không cho phép kế thừa. Việc người đã mất năng lực hành vi sau khi bên đối tác nhận được đề nghị không hề ảnh hưởng đến đề nghị. Vì vậy các Bộ luật Dân sự nếu có quy định về đề nghị thì thường khẳng định ngay hiệu lực ràng buộc của nó.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ luật Dân sự 2005 trước tiên khẳng định hiệu lực của đề nghị bằng việc xác định sự ràng buộc của đề nghị đối với bên đưa ra đề nghị trước bên được đề nghị (Điều 390, khoản 1 và Điều 398). Việc khẳng định này là đúng đắn. Tiếp đó Bộ luật Dân sự 2005, tại Điều 390, khoản 2 quy định: "Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh". Việc đưa ra các quy định như vậy đã dấn thêm một bước nữa trong việc khẳng định hiệu lực của đề nghị và hậu quả pháp lý của việc vi phạm đề nghị. Nhưng khó có thể giải thích được việc nêu ra trường hợp giao kết hợp đồng với người thứ ba trong các quy định này. Tuy nhiên đoạn quy định "... phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng

30

nếu có thiệt hại phát sinh" tại Điều 390, khoản 2, Bộ luật Dân sự 2005 rất khó giải thích, bởi thế nào là "không được giao kết hợp đồng" trong khi Điều 404, khoản 1 và khoản 2, Bộ luật Dân sự 2005 có quy định: hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết, và hợp đồng cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết. Vậy có mấy trường hợp sau cần xem xét: (1) Nếu A gửi đề nghị cho B về đối tượng X, sau đó trong thời hạn trả lời lại giao kết hợp đồng với C về đối tượng X đó, và trong thời hạn trả lời B gửi chấp nhận A, và A nhận được, vậy thì trường hợp này có coi là B "không được giao kết hợp đồng" không? (2) Nếu A gửi đề nghị cho B về đối tượng X, nhưng trong đề nghị giao kết của A có quy định rằng hết thời hạn trả lời, theo thói quen quan hệ giữa A và B, nếu B vẫn giữ im lặng thì coi là chấp nhận giao kết hợp đồng, và sau đó trong thời hạn trả lời lại giao kết hợp đồng với C về đối tượng X đó, và hết thời hạn trả lời B vẫn giữ im lặng, vậy thì trường hợp này có coi là B "không được giao kết hợp đồng" không? Rõ ràng là các quy định tại Điều 390, khoản 2 đã gây rối cho các quy định chính đáng ở sau, vì chúng không nên có. Khó lòng tìm thấy các quy định theo kiểu Điều 396, Bộ luật Dân sự 1995 và Điều 390, khoản 2, Bộ luật Dân sự 2005 trong các Bộ luật Dân sự khác. Rõ ràng pháp luật Việt Nam từ trước tới nay trong nhận thức, trong lý thuyết, cũng như trong các đạo luật không có các quy định như trong hai Bộ luật Dân sự mới ban hành này về các vấn đề vừa nói. Chẳng hạn Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa viết:

Bên Chào hàng chịu trách nhiệm về Chào hàng của mình. Trách nhiệm này thể hiện ở chỗ, trong thời hạn mà chào hàng có hiệu lực, nếu Bên nhận được chào hàng thông báo cho Bên chào hàng về chấp nhận toàn bộ các nội dung đã nêu trong Chào hàng, thì Hợp đồng mua bán hàng hóa đã được giao kết [20, tr. 87].

Các giáo trình dạy luật dân sự ở Việt Nam hiện nay không hề đề cập tới các quy định thiếu thỏa đáng trên, trừ Lê Nết và Nguyễn Ngọc Khánh.

31

Trong cuốn "Luật dân sự Việt Nam", sau khi đã trình bày rất nhiều thông tin pháp luật đông tây kim cổ, học giả Lê Nết đã diễn giải lại các quy định nói trên với sự bổ sung như sau: "Nếu lời đề nghị có xác định rõ thời hạn trả lời thì trong thời hạn chờ đợi bên kia trả lời, người đưa ra lời đề nghị không được đưa ra cùng lời đề nghị đó cho người thứ ba" [22, tr. 331]. Người bổ sung dường như chỉ nghĩ rằng các quy định về đề nghị trong Bộ luật Dân sự 1995 và Bộ luật Dân sự 2005 chỉ dành cho hợp đồng mua bán tài sản hữu hình, có nghĩa là đã chuyển giao rồi thì không còn nữa để chuyển giao? Song rất đáng tiếc hai Bộ luật này phải áp dụng cho cả các hợp đồng mua bán tài sản vô hình, sức lao động, dịch vụ..., kể cả các hợp đồng làm phát sinh ra nghĩa vụ không hành động. Người bổ sung dường như cũng quên rằng đề nghị hay chào hàng được chia thành hai loại là chào bán và chào mua, và rằng đề nghị có thể đưa đến một người, một số người hoặc cả thế giới.

Nguyễn Ngọc Khánh lại giải thích Điều 390, khoản 2, Bộ luật Dân sự 2005 theo cách thức khác rằng, các quy định này cũng giống như thu hồi đề nghị trái phép, nên phải bồi thường thiệt hại. Tác giả này còn băn khoăn không biết nên xếp việc bồi thường phát sinh từ việc giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời gian chờ người được đề nghị trả lời chấp nhận vào bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hay bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Và tác giả này còn phê phán Bộ luật Dân sự 2005 chưa có quy định rõ ràng về hậu quả trong trường hợp đề nghị bị thu hồi trái phép [7, tr. 231-232]. Đáng tiếc Bộ luật Dân sự 2005 không hề có quy định nào gần gũi để có thể giải thích việc này được xem như hủy bỏ đề nghị. Và cần suy nghĩ rằng, theo Tiến sĩ Ngô Huy Cương [6, tr. 200], việc hủy bỏ đề nghị trái pháp luật trong thời hạn trả lời chấp nhận sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý như khi vi phạm hợp đồng được giao kết, trừ một số trường hợp đặc biệt liên quan tới hình thức hoặc giao vật. Về vấn đề này Vũ Văn Mẫu gọi là tiền lập ước và cho rằng về nguyên tắc chưa có một hợp đồng nào phát sinh, nên phải giải quyết trách nhiệm của người đề ước trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm. Tuy nhiên

32

theo ông trong một số trường hợp có thể đã có một tiền khế ước được thiết lập trước khế ước chính yếu. Ông lấy ví dụ một người cam đoan bán nhà cho một người khác với giá bán cụ thể và ấn định một thời hạn trả lời chấp nhận, và cho rằng trong trường hợp này giữa hai người đã có một tiền khế ước, và nếu người cam kết bán cho người khác trong thời hạn đó thì bị coi là vi phạm nghĩa vụ khế ước và phải chịu trách nhiệm khế ước [18, tr. 451]. Vấn đề tiền hợp đồng có lẽ nhiều người cũng đã được biết trong việc thành lập công ty. Nhưng việc cam kết đơn phương bán nhà như vậy coi là tiền hợp đồng thì sẽ khó khăn cho việc áp dụng các quy định về trách nhiệm hợp đồng bởi không thể giải thích được cho ý chí của người được đề nghị. Nguyễn Ngọc Khánh quan niệm việc rút đề nghị trước thời hạn trả lời được xem là căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại [16, tr. 232]. Có thể phải hiểu rằng việc rút đề nghị trong thời hạn trả lời chấp nhận sẽ không là căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu sau đó trong suốt thời hạn còn lại bên được đề nghị không trả lời chấp nhận hay không đòi giao kết hợp đồng, bởi việc không trả lời chấp nhận hay không đòi hỏi giao kết hợp đồng phải được xem như đồng ý với việc cho rút đề nghị, hoặc được xem như việc từ chối giao kết hợp đồng, có nghĩa đề nghị đó không có giá trị đối với bên được đề nghị, xét từ phía người được đề nghị. Vậy không thể có thiệt hại gì phát sinh từ hành vi rút đề nghị đối với người được đề nghị. Còn những chi phí liên quan tới việc tìm hiểu đề nghị lựa chọn có chấp nhận đề nghị hay không là các chi phí liên quan tới việc tìm hiểu đề nghị để lựa chọn có chấp nhận đề nghị hay không là các chi phí thông thường trong hoạt động sống của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Nhưng nếu người được đề nghị đã hao tổn chi phí để hành động cho việc chấp nhận thì các quan niệm mới hiện nay về vấn đề này đã có giải pháp mà sẽ được nghiên cứu dưới đây.

Hiện nay Bộ luật Dân sự 2005 không dự liệu thời hạn trả lời hay thời hạn trách nhiệm cho các đề nghị không tự ấn định thời hạn. Điều này có ý kiến cho rằng gây khó khăn cho việc xử lý các tình huống liên quan. Tuy

33

nhiên có thể hiểu một bộ luật dù có ý tưởng dự liệu các trường hợp đầy đủ nhất thì cũng nên chừa những khoảng trống nhất định cho các giải thích tư pháp. Nhưng các khoảng trống được chừa ra phải được suy xét một cách nghiêm túc trên cơ sở khoa học và có đánh giá thực tiễn. Liệu tòa án Việt Nam hiện nay có quen cách hành xử đối với những trường hợp mà văn bản không có quy định không?

Bộ luật Dân sự 2005 sau khi đã đưa ra nguyên tắc về hiệu lực của đề nghị đã quy định tiếp theo về thời điểm có hiệu lực của đề nghị:

Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau:

a) Do bên đề nghị ấn định;

b) Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó [23, Điều 391, khoản 1].

Việc nhận được đề nghị theo Bộ luật Dân sự 2005 được xác định theo ba cách: (1) Đề nghị được chuyển đến cơ sở của người được đề nghị; (2) Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của người được đề nghị; và (3) Đề nghị được người được đề nghị biết thông qua các phương thức khác (Điều 391, khoản 2). Hai cách thức đầu tiên là thông thường. Nhưng cách thức thứ ba sẽ dẫn tới sự khó khăn trong việc xác định thời điểm có hiệu lực của đề nghị, cũng như hiệu lực của thông báo thay đổi, rút lại hoặc hủy bỏ đề nghị.

Người đề nghị có thể rút đề nghị của mình không? Điều dễ hiểu là sau khi bên đối tác đã chấp nhận đề nghị thì việc rút đề nghị là không thể xảy ra. Tuy nhiên, cả trong giai đoạn trước khi hợp đồng được giao kết bằng cách chấp nhận đề nghị, việc rút đề nghị cũng không được phép; bởi vì, thông thường bên đối tác cũng cần một thời gian nhất định để cân nhắc đề nghị. Điều này gọi là đặc tính bắt buộc của đề nghị. Theo Bộ luật Dân sự,

34

việc rút lại đề nghị trong đó có ấn định thời hạn để chấp nhận trước khi kết thúc thời hạn thì "phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh" (khoản 2, Điều 390 Bộ luật Dân sự 2005). Trong trường hợp không ấn định thời gian, có thể rút đề nghị sau một thời gian hợp lý cần thiết cho việc tiếp nhận đề nghị, Bộ luật Dân sự 2005 có chia ra các trường hợp thay đổi, rút lại, hủy bỏ và chấm dứt đề nghị tương đối hợp lý. Về việc thay đổi, rút lại đề nghị, Bộ luật Dân sự 2005 chi ra hai trường hợp là: (1) thay đổi, rút lại có dự liệu trước, và (2) thay đổi, rút lại không có dự liệu trước (Điều 392, khoản 1). Trường hợp thứ nhất xảy ra khi trong điều kiện có xác định điều kiện mà khi điều kiện đó phát sinh thì người đề nghị có quyền thay đổi, rút lại đề nghị. Trường hợp thứ hai xảy ra khi người đề nghị không có dự liệu trước về việc thay đổi hoặc rút lại trong đề nghị, nhưng thông báo thay đổi hoặc rút lại đề nghị. Đối với trường hợp này thông báo thay đổi hoặc rút lại đề nghị được gửi tới trước hoặc cùng với đề nghị thì mới có hiệu lực. Việc thay đổi nội dung của đề nghị được xem như đưa ra đề nghị mới (Điều 392, khoản 2). Về nguyên tắc, Bộ luật Dân sự 2005 không ủng hộ việc hủy bỏ đề nghị. Tuy nhiên Bộ luật này đã dự liệu rằng: nếu đề nghị đã xác định quyền được hủy bỏ đề nghị, thì khi thực hiện quyền này bên đề nghị phải thông báo cho bên được đề nghị; và thông báo chỉ có hiệu lực nếu bên được đề nghị trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận (Điều 393). Tuy nhiên thời điểm nào được xem là trả lời chấp nhận vẫn còn được bỏ ngỏ.

Hiệu lực của đề nghị chỉ bị chấm dứt do hết thời hạn trả lời chấp nhận, do bị từ chối chấp nhận, do người đề nghị và người được đề nghị thỏa thuận chấm dứt, và do thay đổi, rút lại hay hủy bỏ (Điều 394, Bộ luật Dân sự 2005). Mặc dù đã rất cố gắng trong việc phân loại và thiết lập các quy chế pháp lý riêng cho từng phân loại liên quan tới đề nghị, nhưng có lẽ với chừng ấy quy định hoặc nhiều hơn nữa vẫn cần tới giải thích tư pháp.

35

Một phần của tài liệu Giao kết hợp đồng dân sự theo bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 32 - 39)