GIAO KẾT HỢP ĐỒNG THEO MẪU

Một phần của tài liệu Giao kết hợp đồng dân sự theo bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 58 - 62)

Về nguyên tắc của giao kết hợp đồng dân sự, hợp đồng phải được tự do thỏa thuận trên cơ sở bình đẳng giữa các bên. Tuy nhiên trong thực tế có nhiều khi nguyên tắc này có thể hiểu gần như không có trong giao kết hợp đồng. Song những hợp đồng giao kết như vậy, xét về mặt phát triển xã hội lại rất cần thiết. Đó là những hợp đồng được in thành mẫu cố định không thay đổi như hợp đồng cung cấp điện, nước, dịch vụ điện thoại, dịch vụ viễn thông, vận chuyển thông thường bằng đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt, mua bán trong siêu thị… Những hợp đồng này, thông thường người cung cấp đóng vai trò của bên đề nghị và bên chấp thuận chỉ biểu thị bằng việc đồng ý hoặc không đồng ý và không đưa ra những yêu cầu riêng biệt để bổ sung hay sửa đổi. Về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Như Phát cũng đã có những nghiên cứu và đưa ra sự khác biệt giữa hợp đồng theo mẫu dạng này và hợp đồng có những điều kiện thương mại chung mà theo ông xuất hiện như đứa con của cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 19 khi sản xuất và cung cấp các sản phẩm dịch vụ mang tính hàng loạt và liên tục cho vô số khách hàng đã đặt vấn đề cho việc tiêu chuẩn hóa các điền khoản của hợp đồng mua bán. Ông giải nghĩa: "Như vậy, điều kiện thương mại chung được hiểu là tất cả những điều kiện hợp đồng, quy tắc bán hàng được soạn thảo trước bởi một bên trong quan hệ hợp và sử dụng trong khi ký kết hợp đồng với nhiều khách hàng khác nhau" [21, tr. 7-8].

Hợp đồng mẫu này, theo Deluxe Black’s Law Dictionary, là một dạng hợp đồng gia nhập được tiêu chuẩn hóa để đề nghị tới người tiêu dùng hàng

55

hóa và dịch vụ dựa chủ yếu trên cơ sở "chấp nhận hoặc từ bỏ", không cho người tiêu dùng cơ hội thực tế để thỏa thuận và theo đó, người tiêu dùng chỉ có thể có được sản phẩm nếu chấp nhận toàn bộ những điều kiện được nêu rõ ràng trong hợp đồng mẫu hoặc không có sản phẩm đó nếu không chấp thuận hợp đồng mẫu đó [32, tr. 23]. Định nghĩa này đã xác định một phạm vi rộng hơn so với định nghĩa tại Điều 407, khoản 1, Bộ luật Dân sự 2005 "Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị trả lời đã đưa ra". Định nghĩa hợp đồng này có lẽ chỉ đề cập tới loại hợp đồng mà trong đó bên đề nghị giao kết hợp đồng gửi đề nghị giao kết hợp đồng tới bên được đề nghị giao kết hợp đồng chấp nhận toàn bộ các điều kiện trong khoảng thời gian hợp lý đó, thì hợp đồng mới được coi là giao kết. Bộ luật Dân sự Liên bang Nga cho rằng: "Hợp đồng gia nhập phải được nhận ra là hợp đồng mà các điều kiện của nó đã được xác định bởi một bên của các bên trong danh sách chính thức hoặc trong dạng tiêu chuẩn và có thể đã được chấp nhận bởi bên khác chỉ bằng cách tham gia vào toàn bộ hợp đồng đã được đề nghị" (Điều 428, khoản 1). Đạo luật quy định về hợp đồng gia nhập của Hàn Quốc định nghĩa: "Thuật ngữ hợp đồng gia nhập có nghĩa là những điều khoản và điều kiện của hợp đồng, không kể tới tên, loại, hoặc phạm vi của nó, được chuẩn bị trước bởi một bên trong một hình thức nào đó nhằm mục đích giao kết hợp đồng với nhiều người" (Điều 2, khoản 1). Như vậy có thể hiểu một cách nôm na: hợp đồng gia nhập là hợp đồng do một bên thiết lập các điều kiện của hợp đồng nhằm giao kết với nhiều người trên cơ sở các điều kiện đã được thiết lập đó. Bên chấp nhận ký kết hợp đồng các điều kiện đó gọi là bên gia nhập. Điều 407 khoản 1 Bộ luật Dân sự quy định: "Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra".

56

Nhiều luật chuyên ngành đều có các quy định ít nhiều liên quan tới dạng hợp đồng gia nhập mà chuyên ngành đó thường gặp phải. Chẳng hạn như hợp đồng vận chuyển thường lệ hành khách bằng đường hàng không, hợp đồng bảo hiểm... Việc đòi hỏi của bưu điện như trên là đúng hay sai chưa xét đến. Ở đây chỉ đề cập tới vấn đề là liệu bưu điện có phải hay có nên tới gặp từng chủ thể thuê bao để đàm phán và thỏa thuận từng hợp đồng dịch vụ như vậy hay không. Chắc hẳn là bưu điện không thể cung cấp dịch vụ cho mỗi chủ thuê bao với một điều kiện khác nhau. Nếu như vậy, có nguy cơ lên tới hàng triệu dịch vụ khác nhau. Và nếu điều này xảy ra thì có lẽ không chủ thuê bao nào có thể chịu nổi giá dịch vụ. Còn nếu do độc quyền trong việc cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông mà bưu điện muốn thay đổi các điều kiện dịch vụ như thế nào cũng được thì vấn đề nằm ở chỗ khác: có thể là cần tới sự cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ như vậy, xét về mặt kinh tế; có thể là cần tới sự kiểm soát của pháp luật đối với các điều kiện thương mại chung, xét về mặt pháp lý; hoặc cần một thái độ phục vụ nghiêm túc, xét về mặt tổ chức cán bộ hoặc về mặt văn hóa kinh doanh. Điều này cho thấy sự cần thiết của loại hợp đồng gia nhập mặc dù có ai đó rất khó chịu về tính thiếu vắng sự thỏa thuận và bình đẳng của loại hợp đồng này.

Điều 407, Bộ luật Dân sự 2005 có các quy tắc giải thích hợp đồng giống với nhận thức chung của thế giới. Bất luận điều luật này có quy định về hợp đồng gia nhập hay không, thì có một điều đúng đắn cần lưu ý là hễ bất cứ khi nào sự thương lượng hoặc sự bình đẳng giữa các bên trong hợp đồng bị thiếu vắng, thì những sự mập mờ hoặc không rõ ràng trong hợp đồng đó phải được giải thích nghiêng về quyền lợi của bên yếu thế [6, tr.165]. Bởi vậy Điều 407, khoản 2, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: "Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó". Tuy nhiên với quy định như vậy cũng cần phải lưu ý thêm rằng: (1) Việc giải thích hợp đồng bất luận trong trường hợp nào cũng phải dựa trên nguyên tắc thiện chí trung thực (hay tin

57

cậy và thiện tâm), do vậy việc giải thích chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế (bên gia nhập) chứ không gây bất lợi cho bên nào; (2) việc giải thích hợp đồng theo nguyên tắc như vậy áp dụng trong cả trường hợp hợp đồng quy định thiếu một điều kiện hay điều khoản nào đó mà không kể đến pháp luật có hoặc không quy định về các điều kiện thiếu đó, chứ không phải chỉ là giải thích những điều khoản không rõ nghĩa.

Các nhà làm luật, với việc giải thích hợp đồng gia nhập, cũng đã cố gắng khoác trách nhiệm giải thích hợp đồng gia nhập lên vai bên dựng sẵn hợp đồng, bởi thực chất họ thường là những thương nhân có khả năng chuyên môn trong lĩnh vực đó và khả năng kinh tế lớn hơn so với khách hàng của mình. Tuy nhiên đối với việc yêu cầu hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng gia nhập của bên gia nhập, khi hợp đồng gia nhập gây thiệt thòi hoặc không đảm bảo được quyền lợi của bên gia nhập theo lẽ thường mặc dù không trái pháp luật hoặc không trái với đạo đức xã hội, thì yêu cầu đó cũng không được chấp nhận nếu bên gia nhập cũng đã từng thực hiện hành vi thương mại trong quan hệ hợp đồng đó. Do đó, việc xét đến yếu tố nhận thức cũng như các hoạt động của bên gia nhập khi giao kết hợp đồng là cần thiết trong trường hợp này [6, tr.166].

Để giúp cho bên gia nhập có thể nắm bắt được các điều kiện của hợp đồng gia nhập, Nguyễn Ngọc Điện đã nhắc nhở:

Cần lưu ý rằng, ở góc độ luật viết, luật chung về hợp đồng nằm gói gọn trong Bộ luật Dân sự, trong khi luật riêng về hợp đồng có thể được tìm thấy ở các văn bản khác. Ví dụ, phần lớn các quy định về các hợp đồng vận chuyển đặc thù được chứa đựng trong các thể lệ, điều lệ vận chuyển;… [8, tr. 6].

Các thể lệ hay điều lệ vận chuyển được xem như văn bản dưới luật do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành để áp dụng cho các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hoá hoặc bưu kiện là có thực dưới thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp. Nhưng

58

một thời gian ngắn sau khi đổi mới, người ta nhận ra rằng cần phải để hoạt động vận chuyển theo chuẩn mực quốc tế. Nên đã từ lâu lắm, trước khi Bộ luật Dân sự 1995 ra đời, mỗi hãng vận chuyển nghiêm túc đều có điều lệ vẫn chuyển riêng của mình với tính cách là một bộ chi tiết hóa các điều kiện của hợp đồng vận chuyển mà hãng đó cam kết với khách hàng được thể hiện dưới dạng văn bản. Bởi thế mà gần đây nhất, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định:

Điều 111. Điều lệ vận chuyển

1. Điều lệ vận chuyển là bộ phận cấu thành của hợp đồng vận chuyển hàng không quy định các điều kiện của người vận chuyển đối với việc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư bằng đường hàng không.

2. Điều lệ vận chuyển không được trái với quy định của Luật này và quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thành viên.

3. Hãng hàng không có trách nhiệm ban hành Điều lệ vận chuyển và đăng ký với Bộ Giao thông vận tải.

Một phần của tài liệu Giao kết hợp đồng dân sự theo bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 58 - 62)