Bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế

Một phần của tài liệu Định hướng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011 – 2020 theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.DOC (Trang 40 - 43)

III. KINH NGHIỆM CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NGÀNH CÔNG NGHIỆP TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO TỈNH

2. Bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế

2.1. Những thuận lợi cơ bản

Tác động của bối cảnh quốc tế

Quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa trong quan hệ kinh tế đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, trong đó có Thanh Hóa.

Tăng cường xuất khẩu thông qua việc giải quyết vấn đề tiếp cận thị trường: Nước ta đã có quan hệ kinh tế thương mại với nhiều nước và tổ chức kinh tế, tài chính Quốc tế cùng với sự tăng trưởng, năng động của khu vực về kinh tế sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa của tỉnh có cơ hội thâm nhập mở rộng thị trường. Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa kỳ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2001 cùng với việc trở thành thành viên chính thức của WTO, đồng thời đang thực hiện cắt giảm thuế quan theo lộ trình của khu vực mậu dịch tự do ASEAN tạo thuận lợi cho hàng hóa của tỉnh ta thâm nhập được thị trường nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Với việc thực hiện chiến lược kinh tế hướng mạnh về xuất khẩu, Thanh Hóa đã xây dựng ngành hàng chủ lực của tỉnh và xuất khẩu hàng hóa đến 26 nước, tuy nhiên chủ yếu vẫn là Đông Nam Á và một số thị trường nhỏ lẻ, các thị trường lớn vẫn chưa được khai thông hoặc bị phân biệt đối xử. Hội nhập kinh tế quốc tế, Thanh Hóa sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu những mặt hàng địa phương có nhiều tiềm năng ra toàn cầu, kéo theo những ảnh hưởng tích cực cới các ngành kinh tế đặc biệt là công nghiệp, sản xuất sẽ được mở rộng, tạo nhiều việc làm. Hội nhập có hiệu quả tạo cơ hội cho tỉnh ta có thế đứng mới trên thương trường quốc tế, hạn chế những đối xử không công bằng, bên cạnh đó chúng ta có nhiều cơ hội tiếp nhận được nhiều sự hỗ trợ về tài chính, tín dụng, viện trợ không hoàn lại của các tổ chức và chính phủ nước ngoài.

Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, tranh thủ được nguồn vốn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH: Trong những năm qua khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thực sự trở thành một trong động lực thúc đẩy Thanh Hóa

phát triển kinh tế. Việc mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ là để các doanh nghiệp trong nước vươn ra mà còn để các doanh nghiệp nước ngoài đi vào sản xuất kinh doanh ở Thanh Hóa. Khi gia nhập WTO chúng ta cần tập trung xây dựng, điều chỉnh hệ thống luật pháp minh bạch, phù hợp xu thế chung, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với đó, sự xuất hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ có tác động dây chuyền tích cực như tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường, giúp các doanh nghiệp và các nhà quản lý doanh nghiệp trong nước học hỏi thêm về cách thức bố trí sản xuất, quản lý, tiếp thu công nghệ, kiểu dáng sản phẩm…

Trong tương lai sự hình thành phát triển của các tuyến đường xuyên Á và hành lang kinh tế Đông – Tây là cơ hội lớn để Thanh Hóa đẩy mạnh giao lưu thương mại và hợp tác đầu tư không chỉ với các địa phương trong khu vực mà còn có thể vươn ra các vùng lãnh thổ rộng lớn khác dọc theo tuyến.

Tác động của bối cảnh trong nước

Thực hiện mục tiêu Xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 mà Đại hội X đã đề ra, nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng đã và đang được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước và trên từng vùng lãnh thổ. Sự ổn định môi trường kinh tế vĩ mô cùng với việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới sẽ ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển xét trên bình diện cả nước và Thanh Hóa nói riêng. Đồng thời với vị trí địa lý thuận lợi nằm ở cửa ngõ giao lưu giữa vùng Bắc Bộ với vùng Bắc Trung Bộ, hệ thống giao thông thuận tiện (cả về đường sắt, đường bộ, đường thủy), là vị trí chiến lược đối với phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa sẽ là cửa ngõ quan trọng để thông thương hàng hóa của các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ với các khu vực lân cận của cả nước và quốc tế, phát triển kinh tế cửa khẩu. Mặt khác, vùng KTTĐ Bắc Bộ là vùng có tiềm năng kinh tế tương đối đa dạng, cho phép phát triển kinh tế - thương mại theo hướng đa ngành, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp điện tử, công nghiệp nặng. Sự phát triển của vùng Bắc Bộ, vùng Bắc trung Bộ nói riêng và các tỉnh miền trung nói chung sẽ tạo điều kiện tăng cường hợp tác trong việc khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, thuận lợi trong trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân dân, mở rộng mạng lưới kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc phát triển công nghiệp của vùng KTTĐ sẽ góp phần khai thác tiềm năng khoáng sản dồi dào của tỉnh, một số ngành công nghiệp như dệt may, đóng tàu, vật liệu xây dựng, sản xuất rượu bia và

nước giải khát cũng có điều kiện phát triển. Đáng chú ý vùng kinh tế đã và đang hình thành nhiều KCN và khu chế xuất quan trọng, sẽ đóng vai trò những mũi đột phá, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh có ý nghĩa lan tỏa ra các vùng phụ cận như Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An…

Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Thanh Hóa và phía Tây đường Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt sự hình thành Khu kinh tế Nghi Sơn được xác định là cực tăng trưởng kéo dài của vùng KTTĐ Bắc Bộ, với nhiều công trình kinh tế lớn của quốc gia và những cính sách ưu đãi sẽ là “cú hích” lớn để Thanh Hóa thu hút mạnh đầu tư, tạo bước đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của tỉnh theo hướng CNH – HĐH.

2.2. Những khó khăn chủ yếu

Gia nhập WTO Việt Nam phải mở cửa thị trường nội địa cho các nước và chịu ảnh hưởng nhiều bởi tác động của thị trường thế giới. Từ cuối năm 2007, nền kinh tế thế giới nhất là kinh tế Mỹ có xu hướng lâm vào suy thoái, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng mạnh của tình trạng này. Đây là thách thức trước tiên đối với Việt Nam cũng như đối với tỉnh Thanh Hóa. Bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 3000 doanh nghiệp nhưng phần lớn là vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh kém, nguồn nhân lực dồi dào nhưng chất lượng chưa cao. Khi mở của hội nhập vấn đề cạnh tranh giành nguồn lực con người sẽ diễn ra khốc liệt. Khả năng kinh doanh và cạnh tranh về các chủng loại hàng hóa của một số doanh nghiệp còn hạn chế, tỉnh chưa xây dựng đủ mạnh một hệ thống tổ chức kinh tế đối ngoại, chưa chuẩn bị được một đội ngũ cán bộ đủ sức đối đầu và cạnh tranh trên thương trường. Trong bối cảnh quốc tế tự do buôn bán, tự do đầu tư nếu không hội nhập quốc tế hiệu quả rất dễ trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa cho nước ngoài. Đối với tỉnh Thanh Hóa, khi môi trường kinh doanh thay đổi, các doạnh nghiệp trước đây quen dựa dẫm vào sự hỗ trợ, ưu đãi chính sách Nhầ nước nếu không năng động vươn lên tự đứng bằng đôi chân của mình thì nguy cơ tụt hậu sẽ rất lớn.

Như vậy, cơ hội nhiều nhưng khó khăn và thách thức cũng không nhỏ, do đó để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và CDCCNCN của tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững trong giai đoạn tới cần phải có những giải pháp thích hợp, cụ thể để giảm thiểu những mặt bất lợi và khai thác tối đa những cơ hội vốn có.

Một phần của tài liệu Định hướng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011 – 2020 theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.DOC (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w