Một trong những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định là trình độ cán bộ, trình độ và năng lực cán bộ thẩm định có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thẩm định dự án đầu tư. Muốn nâng cao trình độ và năng lực của cán bộ thẩm định thì cần cả sự cố gắng của bản thân cán bộ thẩm định, và sự quan tâm của chi nhánh . Đội ngũ cán bộ thẩm định muốn thực hiện tốt công tác thẩm định phải đáp ứng được những yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm và đạo đức trong nghề nghiệp.
- Về trình độ: Cán bộ thẩm định phải có trình độ từ đại học trở lên, phải có kiến thức chuyên sâu về ngành tài chính ngân hàng, và các kiến thức cơ bản về các lĩnh vực liên quan như về kinh tế học, hiểu biết về luật pháp và thuế...
- Về khả năng: Cán bộ thẩm định phải phân tích và tính toán được chỉ tiêu tài chính, áp dụng và sử dụng phương pháp thẩm định một cách thành thạo.ngoài ra, phải có khả năng tổng hợp, đánh giá các thông tin một cách linh hoạt và nhạy bén.
- Về kinh nghiệm: Cán bộ thẩm định phải trực tiếp tham gia thẩm định dự án, ngoài ra còn đòi hỏi cán bộ thẩm định phải có kinh nghiệm về các lĩnh vực liên quan tới dự án như lập và phân tích dự án…
- Về đạo đức nghề nghiệp: Cán bộ thẩm định phải có tư cách đạo đức nghề nghiệp tốt, tính cách trung thực và có trách nhiệm, tâm huyết với ngành.
Để có đội ngũ cán bộ giỏi, thoả mãn các yêu cầu đặt ra thì Chi nhánh và các cán bộ thẩm định cần phải tập trung vào các công tác sau:
- Liên tục tổ chức đào tạo và đào tạo lại, tập huấn ngắn hạn và dài hạn cho cán bộ thẩm định tín dụng, từ đó tạo điều kiện nâng cao trình độ kiến thức và năng lực kinh nghiệm làm việc cho các cán bộ chuyên viên thẩm định. Đặt ra những yêu cầu chuyên môn bắt buộc, đòi hỏi đội ngũ này phải có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực tài chính ngân hàng và phân tích tài chính. Kiên quyết điều chuyển những cán bộ không đáp ứng yêu cầu yêu cầu trên.
- Bổ trí cán bộ thẩm định sao cho hợp lý, tránh sự chồng chéo, đảm bảo sắp xếp các cán bộ có đủ trình độ, năng lực chuyên môn và trách nhiệm trong công việc. Trong phân công công tác cũng phải căn cứ vào trình độ kinh nghiệm, thế mạnh của từng người để công tác thẩm định đạt kết quả cao nhất, dần tiến tới chuyên môn hoá công tác thẩm định.
- Khi phân công việc cho cán bộ thẩm định cũng phải gắn quyền hạn và trách nhiệm trực tiếp của cán bộ đối với kết quả, chất lượng thẩm định. Chi nhánh phải có biện pháp kiểm tra thường xuyên tránh những sai sót và ngăn ngừa những hành vi cố tình làm sai, tránh rủi ro đạo đức nghề nghiệp, đồng thời cũng phải có biện pháp xử lý những cán bộ cố tình làm sai đó , giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.
- Đối với những dự án có vốn đầu tư lớn, phức tạp chi nhánh nên tổ chức cho nhiều cán bộ cùng thẩm định. Nếu cần nên kết hợp thuê chuyên gia có chuyên môn sâu về lĩnh vực đó tham gia t thẩm định để nâng cao và đánh giá chính xác công tác thẩm định, từ đó có quyết định đúng đắn cho việc tài trợ.
- Có chính sách ưu đãi khuyến khích về tinh thần và vật chất đối với những cán bộ thẩm định hoàn thành tốt công việc được giao. Thông qua đó nâng cao ý thức tự vươn lên của mỗi cán bộ thẩm định. Đề cao tính sáng tạo, coi trọng những sáng kiến, đề xuất có giá trị của cán bộ thẩm định. Đưa những sáng kiến đó vào áp dụng trong thực tế và có hình thức khen thưởng kịp thời nhằm động viên, khích lệ tinh thần. .
- Nên phân công cán bộ tín dụng giỏi, có kinh nghiệm kèm cặp hướng dẫn những cán bộ trẻ, ít kinh nghiệm từ đó nâng cao trình độ chung của đội ngũ nhân viên làm công tác thẩm định, đồng thời cũng giảm được chi phí và thời gian đào tạo .
- Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các cán bộ thẩm định phải không ngừng nâng cao kiến thức về luật pháp, lắm bắt thông tin thị trường, trình độ ngoại ngữ, tin học...để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và phức tạp của công tác thẩm định .
- Có chính sách ưu đãi nhằm thu hút những cán bộ giỏi về làm cho Chi nhánh hoặc làm cộng tác viên, cố vấn trong công tác thẩm định dự án đầu tư. Từ đó nâng cao được chất lượng của công tác thẩm định.