Thực trạng pháp luật của một số nước điển hình trên thế giới 1 Pháp luật hàng không dân dụng Liên Bang Nga

Một phần của tài liệu Vấn đề bảo đảm an ninh trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo pháp luật quốc tế. Thực tiễn áp dụng tại Việt Nam (Trang 45 - 50)

2.2.1.1. Pháp luật hàng không dân dụng Liên Bang Nga

Bộ luật hàng không dân dụng Liên bang Nga được ban hành bởi Hội đồng Liên bang ngày 5/3/1997. Bộ luật bao gồm 18 chương và 137 điều luật trong đó quy định chi tiết về các quy tắc an toàn, an ninh trong hoạt động hàng không dân dụng. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì pháp luật Việt Nam về hàng không dân dụng quy định còn chung chung, không chi tiết như đối với pháp luật của Liên bang Nga, cụ thể như sau :

- Thứ nhất về lĩnh vực hoạt động của ngành hàng không: Việt Nam phân chia hàng không có 2 loại hàng không dân dụng và hàng không quân sự. Còn Luật Liên

bang Nga thì lại phân chia thành 3 loại thành hàng không dân dụng, hàng không quân sự và hàng không thực nghiệm.

+ Hàng không dân dụng sử dụng theo Luật Nga được sử dụng vào mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, thư, bưu phẩm… nhằm mục đích thương mại.

+ Hàng không công vụ, hải quan, cảnh sát và các công việc khác có liên quan đến lợi ích quốc gia.

+ Hàng không thực nghiệm: áp dụng trong việc tìm kiếm, cứu nạn, sáng chế, thử nghiệm và các mối quan hệ khác cũng như việc thử nghiệm trong lĩnh vực hàng không và các công nghệ khoa học khác theo sự chỉ dẫn của Chính phủ Liên bang Nga.

Như vậy, về lĩnh vực hoạt động ngành hàng không thì Luật Nga quy định rộng rãi hơn còn Luật Việt Nam chỉ thu hẹp ở hai lĩnh vực hoạt động là hàng không dân dụng và hàng không công vụ.

- Thứ hai về Nhân viên hàng không:

+ Tại chương 8 của luật hàng không Liên bang Nga có quy định chi tiết tiêu chuẩn của tổ bay, phi hành đoàn. Người chỉ huy tàu bay theo tiêu chuẩn mà Luật hàng không Liên bang Nga yêu cầu thì phải có chứng chỉ phi công, cũng như có quá trình được đào tạo và kinh nghiệm thực tiễn để có khả năng xử lý tình huống độc lập. Hơn nữa, đối với Luật hàng không Liên bang Nga còn quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người chỉ huy tàu bay. So với Luật hàng không dân dụng Việt Nam thì ta thấy, Luật Việt Nam quy định không chi tiết các tiêu chuẩn riêng cho người chỉ huy tàu bay mà chỉ quy định hết sức chung chung như : Thành viên tổ lái là người thực hiện nhiệm vụ điều khiển tàu bay bao gồm lái chính, lái phụ và nhân viên hàng không khác phù hợp với loại tàu bay ; Tàu bay chỉ được phép cất cánh khi có đủ thành phần tổ lái theo quy định của pháp luật quốc gia đăng ký tàu bay hoặc quốc gia của người khai thác tàu bay.

Như vậy, về vấn đề tiêu chuẩn cho người chỉ huy tầu bay thì pháp luật Việt Nam nên quy định càng chi tiết càng tốt vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của

con người và hành lý, hàng hóa có liên quan. Việc quy định chung chung khiến nhiều người có thể lách luật để thực hiện những hành vi xấu gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của chuyến bay.

+ Luật hàng không liên bang Nga còn quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của người chỉ huy tàu bay và Luật hàng không Việt Nam cũng dựa trên những cơ sở này để xây dựng nên các quyền và nghĩa vụ của người chỉ huy tàu bay này. Tuy nhiên, Luật của Nga thì quy định ngắn gọn hơn còn Luật Việt Nam thì phân tách ra các quyền riêng và cụ thể hơn. Hơn nữa, có điểm là khi nghiên cứu Luật của Nga thì chúng ta không thấy có quy định về tiếp viên hàng không, nhưng Luật Việt Nam có mục quy định về vấn đề này cụ thể như : tiếp viên hàng không là người thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho hành khách trong chuyến bay, phục vụ trên tàu bay theo sự phân công của người khai thác tàu bay hoặc người chỉ huy tàu bay nhưng không được thực hiện nhiệm vụ của thành viên tổ lái. Như vậy, Luật Việt Nam đã có một quy định mà theo bản thân tôi thấy rằng rất quan trọng xác định rõ nhiệm vụ của những tiếp viên như thế nào đối với sự an toàn của hành khách và tàu bay và còn xác định ranh giới nghĩa vụ của họ trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Theo luật Liên bang Nga thì có định nghĩa một cách khái quát an ninh hàng không là hành động nhằm chống lại hành vi can thiệp bất hợp pháp trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Theo Luật Việt Nam thì định nghĩa chi tiết hơn, cụ thể hơn : An ninh hàng không là việc sử dụng kết hợp các biện pháp, nguồn nhân lực, trang bị, thiết bị để phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, bảo vệ an toàn cho tàu bay, hành khách, tổ bay và những người dưới mặt đất [34].

- Luật hàng không Liên bang Nga có quy định lồng ghép, xen kẽ giữa điều khoản về an ninh hàng không và điều khoản về an toàn hàng không vào với nhau để ngụ ý rằng giữa an ninh và an toàn hàng không là hai vấn đề quan trọng và không tách rời. Đối với Luật Việt Nam thì quy chế về an toàn bay thường được quy định rải rác trong các văn bản khác khiến cho người thực hiện khó có thể hiểu hết về các quy định an toàn hàng không.

Hơn nữa, Luật Nga còn quy định trách nhiệm thực hiện các chuyến bay đi, đến và xử lý các tình huống về tàu bay tại cảng hàng không liên quan đến điều khoản về an toàn bay.

- Luật Nga còn có điều khoản quy định cụ thể về việc sử dụng tàu bay thực hiện mục đích làm việc trên không như mục đích cho nông nghiệp, xây dựng, kiến thiết, canh gác và bảo vệ môi trường. Việt Nam nên đưa vấn đề này vào trong Luật. Luật Liên bang Nga định nghĩa hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng là hành vi được thực hiện một cách sai trái có nguy cơ gây nguy hiểm đến hoạt động của an ninh hàng không, xảy ra các sự cố liên quan đến tính mạng con người, tổn thất tài sản, chiếm đoạt hoặc khủng bố tàu bay, uy hiếp đe dọa đến mức có hậu quả xảy ra.

Như vậy, Luật Việt Nam cũng dựa trên những cơ sở đó để xây dựng hệ thống pháp luật của quốc gia về hàng không. Theo luật hàng không dân dụng Việt Nam có quy định thì hành vi can thiệp bất hợp pháp là hành vi có khả năng uy hiếp an toàn hoạt động hàng không dân dụng. Các hành vi đó đã được nêu ở phần bên trên. Theo đó thì Luật Việt Nam đã quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn, dễ áp dụng hơn. Hơn nữa, Luật Việt Nam còn quy định các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không như thiết lập các khu vực hạn chế ; kiểm tra soi chiếu, giám sát an ninh hàng không trước chuyến bay ; Loại trừ khả năng chuyên chở bất hợp pháp vật phẩm nguy hiểm bằng đường hàng không….mà điều này không thấy được đề cập trong Luật của Liên bang Nga. Nhưng lại có 1 điểm khác biệt là dường như Luật hàng không Liên bang Nga quy định kết hợp cả an ninh hàng không và an toàn hàng không. Trong chương an ninh hàng không lại có quy định về các điều khoản an toàn hàng không, điều khoản về tìm kiếm, cứu nạn tàu bay…Đúng vậy, an ninh và an toàn vừa mới đọc lên có thể mọi người đã cho rằng chúng khác nhau nhưng thực chất chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Không thể chỉ có an ninh mà lại không có an toàn được. Tại khoản 2 điều 84 luật hàng không Liên bang Nga quy định về an toàn hàng không được thực hiện bằng các cách thức, phương thức như sau:

+ Kiểm soát người, phương tiện ra vào các khu vực hạn chế của sân bay và khu vực tàu bay.

+ Canh gác vị trí đỗ của tàu bay đề phòng sự xâm nhập của người khác vào khu vực đỗ của tàu bay.

+ Ngăn chặn các hành vi vận chuyển vũ khí, đạn dược, chất nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất dễ cháy và các chất nguy hiểm khác lên tàu bay.

+ Kiểm tra, giám sát an ninh trước chuyến bay.

+ Kiểm soát chặt chẽ các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

Đối với Luật hàng không dân dụng Việt Nam cũng có quy định chi tiết về hệ thống các tường rào bảo vệ, an toàn sân đỗ, tiêu chuẩn đường băng, đèn tín hiệu, tìm kiếm cứu nạn…..đảm bảo an toàn cho tàu bay cất, hạ cánh.

Ví dụ như trong trường hợp 1 tàu bay bị lâm nguy, gặp nạn thì Luật Việt Nam quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nào có nghĩa vụ thực hiện quy trình tìm kiếm. Tại điều 102 Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 có quy định cụ thể về việc phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn như sau:

+ Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu có trách nhiệm phối hợp với cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn áp dụng mọi biện pháp cần thiết và kịp thời để trợ giúp tàu bay, hành khách, tổ bay và tài sản khi tàu bay lâm nguy, lâm nạn.

+ Trong trường hợp tàu bay lâm nguy, lâm nạn tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận của cảng hàng không, sân bay, Cảng vụ hàng không phải phối hợp với cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn và Uỷ ban nhân dân các cấp tiến hành tìm kiếm, cứu nạn tàu bay, người và tài sản.

+ Trong trường hợp tàu bay lâm nguy, lâm nạn ngoài các khu vực quy định trên, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn phối hợp với Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức khác tiến hành tìm kiếm, cứu nạn tàu bay, người và tài sản.

+ Việc tìm kiếm, cứu nạn tàu bay mang quốc tịch Việt Nam bị lâm nguy, lâm nạn ở lãnh thổ nước ngoài được tiến hành theo quy định của pháp luật quốc gia nơi tàu bay bị lâm nguy, lâm nạn.

+ Việc phối hợp trợ giúp, tham gia tìm kiếm, cứu nạn giữa Việt Nam với các quốc gia lân cận được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

+ Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tham gia tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng; bảo quản tàu bay và tài sản trong tàu bay khi tàu bay lâm nạn ở địa phương ngoài khu vực cảng hàng không, sân bay.

+ Các doanh nghiệp vận chuyển hàng không có trách nhiệm tham gia vào hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không theo yêu cầu của cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn.

Như vây, khi có tàu bay bị lâm vào tình trạng lâm nguy cần phải tìm kiếm, cứu nạn thì các cơ quan có liên quan sẽ thực hiện theo quy chế phối hợp để thực hiện hiệu quả nhanh chóng nhất.

Sau khi nghiên cứu Luật hàng không dân dụng Liên bang Nga thì chúng ta thấy Luật Việt Nam bên cạnh những ưu điểm như: cũng đã quy định đầy đủ các vấn đề như đối với Luật Liên bang Nga. Tuy nhiên, Luật Việt Nam còn quy định chung chung và nằm rải rác ra nhiều văn bản khó thực hiện một cách đầy đủ. Tiêu chuẩn cụ thể của người điều khiển tàu bay thì Luật Việt Nam lại quy định hết sức chung chung mà Luật Liên bang Nga lại quy định cụ thể chi tiết ngay tại Luật. Đây là điểm mà Luật Việt Nam cần có sự xem xét lại.

Một phần của tài liệu Vấn đề bảo đảm an ninh trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo pháp luật quốc tế. Thực tiễn áp dụng tại Việt Nam (Trang 45 - 50)