Nhân viên hàng không là những người hoạt động liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, khai thác tàu bay, vận chuyển hàng không, hoạt động bay thì họ phải có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp do Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận.
Nhân viên hàng không khi thực hiện nhiệm vụ phải mang theo giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Đối với nhân viên hàng không là thành viên tổ lái, tiếp viên hàng không, kiểm soát viên không lưu phải mang theo giấy chứng nhận đủ điều kiện về sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
Nhân viên hàng không chỉ được cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn nếu được đào tạo tại cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ được Bộ Giao thông vận tải cho phép hoặc công nhận.
Tiêu chuẩn cấp chứng chỉ chuyên môn nhân viên hàng không bao gồm:
+ Được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn tại cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không hoặc công nhận;
+ Tham dự và đạt kết quả của kỳ thi tốt nghiệp do cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không tổ chức[16,5].
Trong phạm vi và mục đích nghiên cứu đề tài này chúng ta chủ yếu đi vào nghiên cứu về nhân viên an ninh hàng không vì liên quan đến tính chất bảo đảm an ninh hàng không, nhân viên không lưu liên quan đến việc bảo đảm tính chất an toàn hàng không. Đây là 2 nguồn nhân lực chủ yếu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Nhân viên an ninh hàng không bao gồm nhân viên an ninh soi chiếu, nhân viên an ninh kiểm soát, nhân viên an ninh cơ động, nhân viên an ninh trên không.
* Nhân viên an ninh hàng không có nhiệm vụ, quyền hạn chính sau:
+ Kiểm tra, soi chiếu, giám sát người, hành lý, hàng hoá, thư, bưu phẩm, bưu kiện, đồ vật khi đưa vào khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay;
+ Tuần tra, canh gác bảo vệ vành đai cảng hàng không, sân bay;
+ Kiểm soát việc ra, vào hoạt động của người, phương tiện trong các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay;
+ Giám sát an ninh tại các khu vực hạn chế; duy trì trật tự khu vực công cộng tại cảng hàng không, sân bay;
+ Canh gác tàu bay đỗ tại cảng hàng không, sân bay; + Bảo đảm an ninh trên chuyến bay.
- Điều kiện cấp giấy phép nhân viên an ninh hàng không :
Nhân viên an ninh hàng không phải được đào tạo, huấn luyện định kỳ, nâng cao nghiệp vụ an ninh hàng không và được cấp giấy phép với các điều kiện :
+ Là công dân Việt Nam có nhân thân tốt, lý lịch rõ ràng, có phẩm chất đạo đức tốt; không có tiền án, tiền sự;
+ Có tuổi từ 18 trở lên;
+ Có sức khoẻ tốt; thị lực 10/10 (không đeo kính); thính giác, khứu giác tốt; + Có chứng chỉ chuyên môn về an ninh hàng không.
+ Được huấn luyện nghiệp vụ an ninh hàng không; có thời gian thực tập tối thiểu là 3 tháng.
- Giấy phép nhân viên an ninh hàng không có thời hạn hiệu lực là 1 năm; chỉ có giá trị sử dụng trong trường hợp năng định, chứng nhận đủ điều kiện về sức khoẻ còn thời hạn hiệu lực. Năng định và chứng nhận sức khoẻ có thời hạn hiệu lực là 1 năm[28,72].
* Nhân viên không lưu: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu phải bố trí đủ nhân viên không lưu có giấy phép còn hiệu lực và phù hợp với vị trí công tác. Nhân viên không lưu bao gồm:
+ Nhân viên thủ tục bay;
+ Nhân viên thông báo, hiệp đồng bay; + Kiểm soát viên mặt đất tại sân bay; + Kiểm soát viên không lưu tại sân bay;
+ Kiểm soát viên không lưu tiếp cận ra đa, không ra đa; + Kiểm soát viên không lưu đường dài ra đa, không ra đa; + Kíp trưởng không lưu;
+ Huấn luyện viên không lưu; + Nhân viên đánh tín hiệu.
- Theo quy định thì nhân viên không lưu có nhiệm vụ sau:
+ Kiểm soát viên không lưu thực hiện kiểm soát hoạt động bay trong phạm vi trách nhiệm được phân công; trợ giúp tổ lái trong tình huống khẩn nguy; cung cấp cho tổ lái các tin tức cần thiết để đảm bảo an toàn, hiệu quả chuyến bay; thông báo các tin tức nhận được từ tổ lái cho các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay khác có liên quan.
+ Kíp trưởng kiểm soát không lưu bố trí, điều chỉnh hợp lý và chỉ dẫn các kiểm soát viên không lưu thực hiện nhiệm vụ trong toàn bộ ca trực; duy trì đầy đủ và chính xác Sổ nhật ký không lưu (ATS Log); thường xuyên kiểm tra số liệu trên màn hình, các kênh liên lạc, các điện văn phát đi và lưu ý kiểm soát viên không lưu của kíp trực chú ý tránh việc nhầm lẫn, bỏ sót, không đúng nguyên tắc hoặc sử dụng phương thức không theo tiêu chuẩn; tiến hành việc báo động theo phương thức quy định; phối hợp với các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và cơ quan đơn vị khác có liên quan khi cần thiết và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
+ Huấn luyện viên không lưu xây dựng, thực hiện chương trình huấn luyện cho kiểm soát viên không lưu; soạn thảo và nộp báo cáo kết quả huấn luyện cho cấp trên; tham gia kiểm tra cấp, gia hạn giấy phép, năng định kiểm soát không lưu, kiểm tra nâng bậc cho kiểm soát viên không lưu trong đơn vị; thực hiện huấn luyện phương thức mới và cách khai thác hệ thống kỹ thuật, trang bị, thiết bị cho kiểm
soát viên không lưu; duy trì tài liệu nghiệp vụ, băng ghi âm và hình phục vụ huấn luyện.
- Nhân viên thủ tục bay thực hiện nhiệm vụ + Nhận kế hoạch hoạt động bay;
+ Nhận, kiểm tra, đối chiếu các chi tiết trong kế hoạch bay không lưu;
+ Phát số liệu trong kế hoạch bay không lưu trên mạng viễn thông hàng không (ATN) đến các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu có liên quan trong nước và quốc tế;
+ Nhận, xử lý, lưu trữ điện văn không lưu;
+ Nhận giờ cất cánh, hạ cánh qua mạng viễn thông hàng không (ATN) theo quy định và thông báo các giờ này cho các cơ quan, đơn vị có liên quan;
+ Thông báo kịp thời các tin tức liên quan đến chuyến bay bị chậm trễ so với kế hoạch bay đã dự định;
+ Hiệp đồng với các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan đảm bảo điều hoà cho hoạt động bay tại sân bay.
- Nhân viên đánh tín hiệu thực hiện nhiệm vụ của bộ phận đánh tín hiệu tại sân bay:
+ Đánh tín hiệu hướng dẫn cho tàu bay vào, ra sân đỗ theo luồng đường quy định;
+ Phối hợp thực hiện dẫn dắt tàu bay theo huấn lệnh của bộ phận kiểm soát mặt đất hoặc của đài kiểm soát tại sân bay.
+ Kiểm soát viên mặt đất thực hiện nhiệm vụ của bộ phận kiểm soát mặt đất tại sân bay:
+ Kiểm soát hoạt động của tàu bay từ vị trí đỗ đến vị trí chờ trước khi vào đường cất hạ cánh và từ khi tàu bay rời khỏi đường cất hạ cánh đến vị trí đỗ tại sân bay;
+ Kiểm soát và điều hành các hoạt động của tàu bay, người và phương tiện kỹ thuật phục vụ bay tại khu vực kiểm soát mặt đất;
+ Phối hợp với đài kiểm soát tại sân bay, các cơ sở của doanh nghiệp cảng hàng không trong việc khai thác an toàn, hiệu quả cầu dẫn hành khách và vị trí đỗ tại sân đỗ tàu bay.
- Nhân viên hiệp đồng thông báo bay thực hiện nhiệm vụ của cơ sở hiệp đồng, thông báo bay:
+ Nhận các phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp; lập kế hoạch hoạt động bay theo ngày, theo mùa; thông báo kế hoạch hoạt động bay tới các đầu mối liên quan và hiệp đồng triển khai thực hiện phép bay;
+ Theo dõi, giám sát diễn biến hoạt động bay;
+ Hiệp đồng với các cơ sở điều hành bay dân dụng, các cơ quan, đơn vị quản lý vùng trời, quản lý bay thuộc Bộ Quốc phòng để đảm bảo an toàn cho hoạt động bay;
+ Phối hợp xử lý theo thẩm quyền các trường hợp bất thường, thông báo và đưa ra các thông tin, khuyến cáo trong quá trình thông báo, hiệp đồng bay[54]. Sở dĩ chúng ta đi vào phân tích nhiệm vụ của bộ phận này vì khi sử dụng dịch vụ hàng không, khách luôn muốn có một chuyến bay an toàn. Để được như vậy, chuyến bay phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ nhiều bộ phận nhất là từ sự hỗ trợ của bộ phận dịch vụ mặt đất. Một trong những bộ phận giữ vai trò chủ đạo trong cả tuyến đường bay là bộ phận kiểm soát không lưu. Hệ thống này có nhiệm vụ gửi hướng dẫn đến các tàu bay đang hoạt động nhằm tránh các va chạm trên đường bay. Nói một cách khác, việc phụ trách máy bay từ lúc cất cánh đến lúc hạ cánh thuộc trách nhiệm của bộ phận này.
Hệ thống kiểm soát không lưu được chia thành 3 khu vực kiểm soát chính bao gồm: Đài kiểm soát không lưu, Cơ quan kiểm soát tiếp cận, Trung tâm kiểm soát đường dài với các công việc luân phiên nhau. Mỗi bộ phận trong một hệ thống lớn này đều nắm giữ những vai trò quan trọng. Trên hết là sự hỗ trợ mật thiết với nhau trong công việc giữa các bộ phận sao cho mỗi chuyến bay cất hay hạ cánh được an toàn.
+ Đài kiểm soát không lưu ngoài chức năng giữ trọng trách giám sát hoạt động của tất cả tàu bay trong sân bay còn có chức năng giám sát các phương tiện
trong khu vực lân cận. Khi có các máy bay đến, đài kiểm soát không lưu sẽ hướng dẫn các phương tiện lưu thông vào bãi đáp, Công việc nghe tưởng đơn giản nhưng độ khó khá cao, Bởi vậy, máy bay có cấu tạo với 2 cánh dang rộng rất lớn nên nó không thể di chuyển dễ dàng như các phương tiện khác được. Nếu thử một lần đứng gần khu vực sân bay khoảng 30 phút, bạn sẽ thấy vô số những chuyến bay hạ cất cánh. Nhiệm vụ của các nhân viên không lưu sẽ là sắp xếp và tính toán giờ giấc sao cho máy bay luôn co sân và đường băng để máy bay đến và đi.
Tại các sân bay lớn và quy mô quốc tế, Đài chỉ huy này được phân chia nhiệm vụ như sau: một đội chỉ huy hạ cất cánh và một đội chỉ huy lăn. Nhiệm vụ của chỉ huy hạ cất cánh là kiểm soát việc hạ cất cánh của máy bay. Nhiệm vụ của chỉ huy lăn là thực hiện các lệnh lăn, cho phép máy bay di chuyển trong đường băng hay trên sân đậu. Với việc sử dụng máy bay như một phương tiện thiết yếu để di chuyển như ngày nay, nếu đài kiểm soát không lưu tính toán sai hoặc xảy ra một sơ suất nhỏ thì chuyến bay bị ngưng trệ, đường băng bị kẹt, máy bay không hạ cánh được, theo đó máy bay cũng không có đường băng để lăn cất cánh. Vì thế các nhân viên trực thuộc khâu này luôn phải làm việc hết mình để chuyến bay được cất, hạ cánh đúng như thời gian dự tính. Có như thế, các hãng hàng không mới có thể hạn chế tối đa sự trễ nãi gây phiền hà cho hành khách.
+ Cơ quan kiểm soát tiếp cận
Cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý vùng trời có giới hạn ngang khoảng 40 dặm, tính từ một điểm được quy định tại sân bay với độ cao 3000 mét, tính từ mặt đất. Bộ phận này có nhiệm vụ liên lạc với tàu bay bằng sóng rada là chủ yếu. Những nhân viên trong cơ quan này cung cấp các hệ số chỉ dẫn, dẫn dắt máy bay vào hạ cánh hoặc cất cánh an toàn. Tuy nhiên, cơ quan này được thành lập cho các sân bay lớn có tình hình không lưu phức tạp, máy bay thường xuyên ra vào, sử dụng hệ thống rada để liên lạc. Đối với các sân bay nhỏ, công việc này lại do đài chỉ huy đảm nhiệm. Bộ phận này không dùng rada mà các phương thức cất, hạ cánh được thiết lập sẵn sang cho việc hạ hay cất cánh.
Cơ quan có trách nhiệm cũng như khối lượng công việc khá nặng hơn so với 2 cơ quan trên. Bộ phận này phụ trách việc kiểm soát và quản lý vùng trời giữa hai sân bay. Đó là vùng mà họ có trách nhiệm quan sát kỹ khi máy bay đang bay trên mặt đất và ở các vùng biển. Giữa hai sân bay, sẽ có nhiều bộ phận kiểm soát không lưu đường dài trên đường bay. Mỗi bộ phận này quản lý một vùng trời nhỏ trên chặng bay giữa hai sân bay. Làm việc trong bộ phận này là kiểm soát viên không lưu, kiểm soát viên tiếp cận và kiểm soát viên đường dài. Trách nhiệm trong mỗi bộ phận đều đòi hỏi hiệu quả cao vì công việc không lưu liên quan đến sự an toàn của chuyến bay và của tất cả hành khách.
Sau đây là quy trình kiểm soát một chuyến bay của trạm kiểm soát không lưu. Máy bay sẽ nhận thông tin về đường bay thích hợp do tháp điều khiển không lưu cung cấp từ sân bay đi. Tiếp đến, máy bay đã cất cánh chịu sự kiểm soát của bộ phận tiếp cận sân bay. Khi máy bay đạt được độ cao thích hợp, nhiệm vụ sẽ được chuyển cho cơ quan kiểm soát đường dài. Máy bay sẽ được luân phiên chuyển đến các bộ phận điều khiển trên đường bay này sang bộ phận điều khiển trên đường bay khác, tùy theo các không phận khác nhau của mỗi quốc gia khác nhau. Cứ như vậy cho tới khi máy bay hạ cánh. Quy trình này được theo dõi kỹ và chuyển giao rõ ràng để tránh trường hợp máy bay bị mất liên lạc với mặt đất. khi vào không phận của quốc gia khác nhau, máy bay sẽ chịu sự chi phối của cơ quan không lưu quốc gia đó, đảm bảo máy bay đi đến địa điểm trong sự dẫn dắt an toàn.