Điệu thức năm âm dạng 4 so với các dạng 1, dạng 2 và dạng 5 trong các bài dân ca người Việt là không nhiều, gồm 5 bài (tỷ lệ 7,14%) với một bài dân ca Bắc
bộ và bốn bài dân ca Trung bộ. Trong dân ca Nam bộ chúng tôi chưa gặp bài nào trong số 125 bài đã phân tích.
Bài “Cắp nón ra đi” – dân ca Quan họ Bắc Ninh (Phl, bài 10) do Nguyễn Ngọc Ánh sưu tầm và ghi âm ở điệu thức Sol – dạng 4.
Dân ca Trung bộ nổi tiếng với các điệu Hò và điệu Lý. Riêng các điệu Lý ở Bình Trị Thiên có nét độc đáo thể hiện tính vùng, miền trong các cách tiến hành giai điệu.
3.2.1.4. Điệu thức năm âm dạng 5
Điệu thức năm âm dạng 5 theo cách gọi của Trung Hoa là điệu Vũ, dân ca người Việt có khá nhiều bài xây dựng trên cấu trúc dạng này. Trong số 20 bài ờ điệu thức dạng 5 (tỷ lệ 28,57%), chúng tôi thấy có nhiều bài lấy âm La làm chủ âm (10 bài , tỷ lệ 50 %) và âm Rê làm chủ âm (6 bài, tỷ lệ 30 %), các bài còn lại ở các chủ âm Đô, Fa thăng và Sol.
Bài “Đêm qua đốt đỉnh nhang trầm” – dân ca Quan họ Bắc Ninh là một bài dân ca điển hình của đất Quan họ với nét giai điệu trữ tình, mượt mà, sâu lắng, cả bài được xoay quanh trục âm gồm 4 âm A-D-E-G-A, đến trước ô nhịp cuối cùng của bài mới xuất hiện âm Đô để dẫn về kết bài.
Ngay ở nhịp đầu tiên có âm Fa# trong nét giai điệu liền bậc mang tính màu sắc, tô điểm (âm thêu) nên chúng tôi không xếp vào trong cơ cấu các âm của điệu thức La – dạng 5.
Tương tự như bài “Đêm qua đốt đỉnh nhang trầm” , trong dân ca Quan họ còn có bài “ Bóng quế giải thềm” (Phl , bài 20) và bài “Nhất quế nhị lan” (Phl , bài số 7) cũng có cấu trúc điệu thức La – dạng 5.
Bài Bà rí - hát Ghẹo (Phl, bài 52) là bài dân ca nổi tiếng của vùng đất Phú Thọ với thể loại hát Ghẹo có từ rất lâu đời, trục âm của bài gồm các âm A-E-A được nhấn mạnh ở những chỗ ngưng nghỉ.
Có thể tham khảo các bài có cùng điệu thức La – dạng 5 khác như “Muỗi đốt tứ tung” (Phl, bài 55) dân ca Hà Sơn Bình, “Ví phường vải” (Phl, bài 69) – dân ca Hà Tĩnh, “Ví đò đưa sông Lam” (Phl, bài 72) – dân ca Hà Tĩnh; “Ví dặm” – dân ca Nghệ An (Phl, bài 81), “Hát ví” – dân ca Hà Tĩnh (Phl, bài 82) và bài “Con chim manh manh” – dân ca Nam bộ (Phl, bài 124).
Các bài hát Ví miền Trung có nét độc đáo và tiêu biểu ở cấu trúc thang âm, nó thường dựa chủ yếu vào trục âm ba chính để làm các âm tựa (E-A-C) .Khi hát thì người ta dùng cách“luyến”, “láy”, âm thêu, âm lướt tạo cho giai điệu có đẩy đủ các âm của điệu thức năm âm.
Các bài dân ca có chủ âm Rê – dạng 5 cũng thường gặp trong dân ca ba miền, đó là các bài “Hỡi anh xinh” – hát Dậm – dân ca Hà Nam (Phl, bài 33), bài “Bắt ốc” – hát Ghẹo – dân ca Phú Thọ (Phl, bài 50), bài “Hò cập bến” – dân ca Nghệ Tĩnh (Phl, bài 59), bài “Hát ví miền biển” – dân ca Nghệ An (Phl, bài 71), bài “Lý kéo chài” – dân ca Nam bộ (Phl, bài 102) và bài “Hát đưa em” dân ca Nam bộ (Phl, bài 125).
Ở bài này, giai điệu cả bài chỉ xoay quanh nhóm 4 âm là G-A-C-D, đến cuối bài mới xuất hiện âm Fa bổ sung đầy đủ cho điệu Rê – dạng 5, kết ở âm Át (nửa ổn định).
Giai điệu của bài “Hát đưa em” chủ yếu vận động trên 4 âm D-F-G-A, khi xuất hiện 2 lần nốt Đô ở giữa bài thì nó mới thể hiện rõ điệu thức Rê – dạng 5. Chúng ta có thể tiếp tục tham khảo thêm các bài dân ca có lối cấu trúc điệu thức năm âm dạng năm là bài “Người tình nhân ơi” – dân ca Hải Dương (Phl, bài 28), bài “Hái hoa” – dân ca Hà Sơn Bình (Phl, bài 56), bài “Làm dàn” (Phl, bài 44) và bài “Hát sắc bùa” dan ca Nam bộ (Phl, bài 116)