- Hệ nghề (1 năm) gồm các ngành nghề: Lễ tân khách sạn.
2.2.3. Cơ chế quản lý cấp khoa hiện nay
Sau khi nhà trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch Hà nội được nâng cấp thành trường Cao đẳng Du lịch Hà nội, Hiệu trưởng nhà trường đã ra văn bản thành lập các khoa chuyên môn. Khoa chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, quản lý chất lượng dạy và học của khoa mình. Mặc dù đã có quyết định
thành lập các khoa nhưng cơ chế hoạt động của các khoa hiện nay chưa có gì thay đổi, nhà trường đang tiến hành xây dựng tiếp tục các văn bản qui định tiếp theo. Vì vậy hiện nay các khoa vẫn hoạt động theo cơ chế như khi còn là trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch Hà nội. Để thực hiện được nhiệm vụ của mình khoa cần phối hợp với các phòng liên quan như phòng đào tạo, phòng quản lý học sinh- sinh viên và các bộ phận liên quan khác.
* Quản lý hoạt động học:
Quản lý hoạt động học tập và rèn luyện của học sinh tại các khoa được quản lý trực tiếp bởi đội ngũ giáo viên chủ nhiệm chuyên trách, và đội ngũ giáo vụ khoa. Mỗi khoa đều có đội ngũ giáo viên chủ nhiệm chuyên trách, mỗi giáo viên chủ nhiệm từ 4- 8 lớp. Giáo viên chủ nhiệm giúp Trưởng Khoa trong việc quản lý học tập, giáo dục và rèn luyện học sinh trong phạm vi mình phụ trách. Giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp quản lý các em học sinh, là người hướng dẫn các em thực hiện nhiệm vụ và quyền lợi của học sinh, chỉ đạo hướng dẫn các hoạt động của lớp. Phối hợp với các giáo viên bộ môn, đoàn thanh niên và phụ trách học sinh trong việc giáo dục rèn luyện học sinh. Theo dõi quá trình tiến bộ của học sinh uốn nắn những lệch lạc của học sinh.
Giáo vụ khoa giúp trưởng khoa điều hành việc giảng dạy và học tập theo kế hoạch giảng dạy của Nhà trường thuộc khoa mình; đôn đốc giáo viên bộ môn ghi chép, vào sổ điểm, sổ lên lớp hàng ngày; đôn đốc nhắc nhở giáo viên bộ môn kiểm tra định kỳ môn học, nộp kết quả thi và báo điểm cho học sinh theo quy định; phối hợp với phòng đào tạo kiểm tra theo dõi tiến độ, nội dung giảng dạy, giờ giấc lên lớp của giáo viên và học sinh, theo dõi xác nhận giờ giảng cho giáo viên trong khoa; quản lý hồ sơ học sinh, kiểm tra xác nhận hồ sơ lý lịch trình trưởng khoa ký theo quy định của nhà trường.
Theo kế hoạch đào tạo của nhà trường, phòng đào tạo cùng các khoa lập tiến độ đào tạo, thời khoá biểu cho toàn bộ học sinh trong trường trình Hiệu trưởng duyệt. Các khoa căn cứ vào kế hoạch đào tạo và thời khoá biểu đã thống với phòng đào tạo do Hiệu trưởng phê duyệt để phân công giáo viên giảng dạy. Để đảm bảo việc thực hiện đúng tiến độ đào tạo, Ban giám hiệu chỉ đạo phòng đào tạo, các khoa căn cứ vào kế hoạch giảng dạy và thời khoá biểu để tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Mỗi tháng khoa tổ chức ít nhất hai buổi dự giờ cấp khoa để trao đổi rút kinh nghiệm về nội dung chuyên môn và phương pháp giảng dạy của giáo viên. Mỗi quí, Phòng Đào tạo trao đổi với Trưởng khoa để dự giờ cấp trường ít nhất một lần ở mỗi khoa. Các buổi dự giờ cấp trường và cấp Khoa phải được đưa vào lịch tuần. Nội dung chủ yếu là rút kinh nghiệm về kiến thức chuyên môn, phương pháp sư phạm của giáo viên và ý thức học tập, khả năng tiếp thu của học sinh.Thành phần dự giờ cấp trường là Ban giám hiệu, Phòng đào tạo, Phòng tổ chức, trưởng hoặc phó khoa chuyên môn, các giáo viên trong và ngoài khoa. Thành phần dự giờ cấp trường là Ban giám hiệu, Phòng Đào tạo, phòng Tổ chức, trưởng (phó) khoa chuyên môn, các giáo viên trong và ngoài Ban. Dự giờ cấp Khoa là trưởng (phó) Khoa, giáo vụ khoa, các giáo viên trong Khoa, có thể mời Phòng Đào tạo và giáo viên đồng môn ở bộ phận khác cùng dự. Sau mỗi buổi dự phải tổ chức rút kinh nghiệm ngay và có biên bản gửi về Ban giám hiệu. Kế hoạch dự giờ cấp Trường do Phòng Đào tạo đề xuất, cấp Ban do giáo vụ đề xuất.
* Sử dụng giáo viên kiêm chức mời ngoài.
Căn cứ vào khối lượng công việc được Ban giám hiệu giao, căn cứ vào phiếu đăng ký giờ giảng của giáo viên, Trưởng Khoa chủ động mời giáo viên kiêm chức đảm bảo đúng yêu cầu, tiêu chuẩn do Hiệu trưởng quy định. Nếu mời lần đầu, Trưởng Khoa giáo viên tổ chức cho giáo viên kiêm chức dạy thử. Tham dự có ít nhất 1/2 giáo viên( chủ yếu là giáo viên cùng bộ môn) và đại diện phòng Đào tạo, Phòng Tổ chức tham dự. Khoa tổ chức họp
xem xét và đề nghị Ban giám hiệu công nhận là giáo viên kiêm chức. Ban giám hiệu duyệt, đồng ý và chuyển về Phòng Đào tạo, Phòng Tổ chức. Giáo viên kiêm chức có nghĩa vụ và trách nhiệm như giáo viên chuyên trách của trường và được hưởng chế độ bồi dưỡng giờ giảng theo quy định của nhà trường. Đối với những giáo viên mới bổ sung của trường cũng được áp dụng trình tự giảng thử như đối với giáo viên mời ngoài trước khi được bổ nhiệm vào giảng chính thức. Các giáo viên mới phải tăng cường thời gian để dự giờ, nghiên cứu tài liệu chuyên môn để bài giảng có chất lượng hơn.
- Chế độ theo dõi lịch giảng dạy và thanh toán vượt giờ của giáo viên. Giáo vụ Khoa theo dõi việc thực hiện lịch giảng dạy của từng giáo viên giảng dạy cho Khoa mình quản lý, hàng tuần tổng hợp báo cáo về Phòng Đào tạo về tiến độ và việc thực hiện lịch tuần của giáo viên. Phòng Đào tạo tổng hợp trên cơ sở báo cáo của giáo vụ Khoa và thực tế theo dõi của Phòng.
Kết thúc học kỳ I, giáo vụ Khoa đối chiếu cùng cán bộ Phòng Đào tạo về tổng số giờ giảng đã hoàn thành của giáo viên trong học kỳ I. Kết thúc năm học, giáo vụ Khoa đối chiếu cùng cán bộ Phòng Đào tạo về tổng số giờ giảng của từng giáo viên giảng dạy. Trên cơ sở đó Phòng Đào tạo đề nghị cho thanh toán tiền vượt giờ cả năm học cho giáo viên. Danh sách đề nghị cùng với số lượng giờ thực hiện và giờ thừa được Trưởng Khoa, Trưởng Phòng Đào tạo ký xác nhận trên cơ sở ký nháy của giáo vụ Khoa và cán bộ chuyên trách của Phòng Đào tạo sau đó chuyển về Phòng Tổ chức để tính chế độ thanh toán theo quy định của nhà trường. Phòng Tổ chức căn cứ vào quy định của Nhà trường về chế độ giáo viên để lập bảng thanh toán và chuyển qua Phòng Tài chính- Kế toán.
- Chế độ thanh toán đối với giáo viên kiêm chức:
Giáo viên kiêm chức ngoài Khoa được thanh toán một lần sau khi kết thúc môn học và hoàn tất kết quả học tập
+ Kiểm tra đột xuất và thường xuyên:
Giáo vụ khoa thừa lệnh trưởng khoa hoặc cùng trưởng khoa kiểm tra đột xuất việc giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh thuộc khoa. Giáo viên chủ nhiệm quản lý kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên tình hình học tập của lớp, ý thức tổ chức kỷ luật của học sinh, kịp thời uấn nắn , chấn chỉnh để giữ nguyên kỷ cương nền nếp trong các lớp học sinh.
Trưởng khoa phải nắm bắt được tình hình và xử lý kịp thời những vấn đề nẩy sinh trong phạm vi của khoa quản lý.
Trưởng ( phó ) phòng đào tạo thừa lệnh ban giám hiệu đề nghị trưởng khoa cùng kiểm tra đột xuất hoạt động đào tạo của khoa. Việc tiến hành kiểm tra đột xuất phải thông báo ít nhất trước 01 giờ trước khi kiểm tra. + Kiểm tra định kỳ:
Hàng tháng, Nhà trường có kế hoạch kiểm tra định kỳ các khoa một lần. Nội dung kiểm tra là nghiệp vụ quản lý của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và giáo vụ khoa. Thành phần và nội dung do trưởng khoa chỉ định và tổ chức.
Kế hoạch kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ cấp trường do Phòng đào tạo đề xuất, cấp khoa do giáo vụ khoa đề xuất. Sau mỗi đợt kiểm tra phải có biên bản, kết luận cụ thể và trình Trưởng khoa hoặc Ban giám hiệu để có hướng chấn chỉnh và xử lý kịp thời. Việc kiểm tra phải vì mục đích trong sáng, theo đúng nguyên tắc và phương pháp sư phạm không vì mục đích hoặc cảm tính cá nhân.