Lớp ngôn từ suồng sã, thông tục gai góc

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 85 - 87)

6. Cấu trúc luận văn

3.4.1. Lớp ngôn từ suồng sã, thông tục gai góc

Theo Từ điển Tiếng Việt: Đây là những từ khi phát ngôn phù hợp với đông đảo quần chúng, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Đinh Trọng Lạc trong 99 phương tiện và biện pháp tu từ Tiếng Việt cũng quan niệm: Từ thông tục là những từ được dùng trong lời nói miệng thoải mái, thậm chí thô lỗ, tục tằn. Đây là những từ được dùng trong đời sống sinh hoạt, trong môi trường giao tiếp hàng ngày của người bình dân.

Từ sau 1975, nhãn quan ngôn từ của nhà văn có sự thay đổi rõ nét. Mỗi đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất, mỗi một từ bình thường nhất, thậm chí tục nhất được Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Danh Lam…. sử dụng đều là kết quả của một quá trình chọn lọc kĩ càng, nhằm gửi gắm một quan niệm nghiêm túc về văn chương. Họ muốn chứng minh rằng văn chương không chỉ là lãnh địa của lớp ngôn từ đặc tuyển, mực thước hay trang trọng, mĩ lệ. Ngược lại, ngôn từ gai góc, xù xì của cuộc sống cũng có thể làm nên cái đẹp cho trang văn – cái đẹp của sự chính xác. Công chúng chấp nhận và khuyến khích văn chương “mở rộng vùng thẩm mĩ” chiếm mĩnh cả khu vực đời sống trước đây còn khuất lấp, từ cái cao cả tới cái thấp hèn, từ cái thánh thiện tới cái tầm thường…. chưa bao giờ ngôn ngữ văn chương lại gần với ngôn ngữ thế sự - sinh hoạt đến thế.

Các sáng tác của Nguyễn Danh Lam bao chứa một thế giới nhân vật đa dạng, từ những người lao động bình thường như nông dân, trẻ trâu, ả cave…đến những trí thức. Họ có bảng từ vựng khá giống nhau: đó là thứ ngôn ngữ đời thường mộc mạc thậm chí xù xì, gai góc, không thiếu những câu chửi tục và từ tục.

Trước hết là lớp ngôn từ thông tục có tính chất “cực bạo” mà nhờ nó Nguyễn Danh Lam đã phơi bày những trạng huống khủng khiếp của đời sống như một sự cảnh tỉnh trước những nguy cơ đáng sợ của sự bào mòn nhân tính con người. Thứ ngôn từ ấy suồng sã, nhiều khi dung tục đến mức khiến người ta phải giật mình nhưng lại diễn đạt chính xác sự ô hợp, láo nháo một cách thản nhiên rất đời, rất thô thiển của con người trong cuộc sống hiện đại.

Đây là ngôn từ của thằng tóc dài – một gã sinh viên: “Thi đ.mẹ gì mà thi, thôi dẹp đi” [1,73]. Đây là ngôn ngữ của một lão bảo vệ: “Đ.mẹ mày, chạy nữa tao bắn lòi ruột” [1,95]. Thứ ngôn ngữ của gã thợ rèn: “Đ.mẹ, tao đ. học làm gì” [1,241]. Dường như tiếng chửi đ.mẹ là câu cửa miệng của nhiều nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Danh Lam. Không còn là lối văn đạo mạo của người rao giảng đạo đức, ngôn từ trong sáng tác Nguyễn Danh Lam chính xác trong cách miêu tả, định danh, định tính sự vật, không né tránh cả những điều người ta cho là khiếm nhã: “Hắn tụt quần ngồi chồm hỗm trên đống bao, căng mặt rặn. Tao ỉa đấy, ỉa vào mặt chúng mày. Hắn ỉa vung rồi chịn đít vào đống bao” [1,94], hay :“Có lão ăn mày đi ngang qua bụi tre, mót thế nào lão vạch quần đứng đái tồ tồ” [1,58]. “Lão lái tức lắm, nhồi cả cứt vào đoạn dồi” [1,87]. Như vậy, với ngôn từ dung tục, xô bồ, Nguyễn Danh Lam đã tái hiện sống động một hiện thực tàn khốc và cảnh báo cho mọi người về sự xâm lấn mạnh mẽ của cái ác, cái xấu, sự băng hoại của nhân tính, tình người. Đấy là tiếng kêu thống thiết nhằm cảnh tỉnh mọi người về ranh giới mỏng manh giữa cái thiện – cái ác và tình trạng cái thiện, cái đẹp đang bị đẩy dần đến bờ vực của sự hủy diệt.

Điều mà mỗi người đọc dễ dàng nhận thấy khi đọc sáng tác của Nguyễn Danh Lam là cách sử dụng ngôn ngữ thông tục mang nhãn quan hiện thực được thể hiện rõ qua các đại từ nhân xưng suồng sã như: hắn, mày, thằng chó, thằng oắt con, con đĩ, con điếm…. Trong Bến vô thường các đại từ nhân xưng này được tác giả sử dụng với mật độ dày đặc. Đây là nhận xét của lão toét về chị mặt rỗ: “Cái con này mặt chẳng khác nào mặt quỷ, sao nước da cứ hơ hớ ra như lợn cạo” [1,171]. Là lời đay nghiến của mụ sề khi biết chị rỗ có con: “Nhưng cho dù có phải ngồi tù tao sẽ giết mày con đĩ ạ, mày không còn đất chôn ở cái xóm này đâu” [1,183]

Lớp ngôn ngữ đời sống được tác giả sử dụng nhuần nhuyễn, tự nhiên làm cho câu chuyện trở nên sống động, chân thực và gần gũi. Người đọc như được chứng kiến, được nghe thấy, được nhìn thấy các nhân vật nói năng, đối thoại với nhau, nên ở đó mọi giá trị tốt – xấu đều được đẩy qua những giới hạn thông thường. Có thể nói

trong sáng tác của Nguyễn Danh Lam lớp ngôn từ suồng sã, thông tục, gai góc với tất cả “sự nồng nàn, bụi bặm của phố phường” đã ghi dấu rõ nét một cá tính sáng tạo.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 85 - 87)