6. Cấu trúc luận văn
2.1.3. Những con người luẩn quẩn “Giữa vòng vây trần gian”
Con người ở đây chạy quẩn trong những cảnh giới chính mình tạo ra với đầy rẫy nỗi sợ hãi vô lý. Con người tự lưu đày mình trong một thế giới của những tri giác sai lầm, và, dù có ý thức đi tìm sự thức tỉnh, trí lực nhỏ nhoi và tâm hồn yếu đuối của con người cũng bị chữ ngã đè nặng như cái tên của nhân vật chính: Thữc. Làm sao sống được đúng nghĩa chính cuộc sống của mình (?), câu hỏi còn bỏ lửng...
Nhân vật Thữc xuất hiện ở cuộc sống thực tại là cuộc sống với những bữa nhậu tới bến. Nhân vật chạy trốn trong tâm trạng của một kẻ hoảng loạn – không hiểu sao mình lại chạy trốn, ai đuổi và vì lý do gì? Vượt qua dòng kênh, Thữc đã sang tới bờ bên kia. Tuy nhiên “nếu trong triết học Phật giáo, “đáo bỉ ngạn” (sang đến bờ bên kia) tức là giác ngộ, thì với nhân vật Thữc hành vi “đáo bỉ ngạn” sẽ đưa anh đến bến lú, là khởi đầu cho một hành trình luẩn quẩn, loanh quanh kéo dài cho đến hết cuốn sách: Hành trình trên cõi Mê” [30]
Lạc tới dòng sông, Thữc bắt đầu hành trình luẩn quẩn không lối thoát của mình. Trước hết qua lời chỉ đường của ông già trắng: “Đường ra? Anh phải tự tìm.
Đường của anh chứ đường của ta đâu mà ta chỉ cho anh” [3,32]. Từ đây Thữc gắn liền với con sông. Con sông này sẽ chảy suốt cuộc hành trình của Thữc, anh xuôi dòng sông cùng hai lão già một đen, một trắng trong cuộc tìm kiếm “một cái gì đó” mà anh cũng không rõ, cả hai lão cũng không rõ. Trên dòng sông ấy, Thữc khao khát sang bờ bên kia, nhưng rút cục thì anh không sang, không ai sang, và bờ bên kia vẫn là một thế giới mù mịt không nằm trong tri giác của con người!
Sau cơn lũ kinh hoàng Thữc rời bỏ dòng sông và ông già trắng để vào làng với mong muốn được gặp Người. Nhưng anh không hề gặp người, ngoài cô gái và bà mẹ nhưng “họ” luôn tồn tại trong sự lo sợ phấp phỏng của cô gái và Thữc. Bí ẩn. Bí ẩn như ngài Klamm và cái lâu đài trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn F.Kafka: tất cả đều nói về và sợ hãi trước quyền lực của ngài Klamm và tòa lâu đài của ông ta, cho dẫu chẳng ai biết mặt ngài Klamm và chẳng ai đặt chân tới lâu đài nọ. Đúng như nhà văn Nguyễn Hoài Nam nhận xét: “Phải chăng, ở đây có một sức hấp dẫn nào đó từ Kafka tới nhà văn trẻ Việt Nam, sức hấp dẫn bởi tư tưởng con người thật mong manh giữa những thiết chế quyền lực không ai chỉ mặt đặt tên nhưng đầy sức mạnh? ” [30]. Những người bạn đồng hành với Thữc: Bà mẹ già, cô gái, lão già trắng, ngay cả bản thân Thữc là người hay là ma? Ta đọc lại sự tự vấn của Thữc đêm trước khi vào làng: “Anh thấy mình còn đây, nhưng biết đâu qua sự chứng kiến của nhiều kẻ khác, anh đã chết”. Một hành trình luẩn quẩn trong làng với bao nỗi lo sợ, bao điều khúc mắc nhưng không thể giải thích được. Thữc trở lại với dòng sông, lão già trắng dẫn Thữc lên ngôi tháp cổ. Giấc mơ về một đám ma trong tháp cổ - lại là một sự thực qua lời kể của cô gái: “Đến lúc này Thữc hoàn toàn lạnh ngắt…. Âm dương liên đới, nhập nhoạng. Chẳng biết đâu là thực, là hư?” [3,223]. Ở cuối truyện, bản thân cô gái tiết lộ với Thữc: Cô chính là người đàn bà trên hang đá, đêm nào cũng đến nói chuyện cùng anh, tức cô là người đã chết! “Tất cả đều mờ mịt, hỗn loạn. Âm dương nhập nhoạng, xâm thực lẫn nhau trong một tọa độ không – thời gian không xác định…. Còn ở đây, vấn đề không phải là thực hay hư, nên tin hay không nên tin mà người ta ngập vào nó, sống với nó, suy nghĩ về nó và suy nghĩ về cuộc sống mà mình đang
sống: sự giải tạm đến hư vô của mọi tồn tại trong cái vô thủy vô chung của thời gian vũ trụ, sự lệ thuộc không thể cưỡng lại được của con người vào những thiết chế xã hội và vào chính những định kiến của mình, do mình tạo ra. “Sự bừng ngộ đi đến tận cùng của nó cũng là một cõi mê”” [30]. Sống cùng cô gái bao nhiêu ngày, nhưng dường như chính sự vô tâm, thờ ơ của Thữc hay chính là chưa thoát được cái “tự ngã”, Thữc không hề biết cô gái có thai, và chính vì đi kiếm thức ăn mang về cho mình mà cô gái trở thành thứ đồ chơi của “họ” “anh sẽ biết hết nếu anh không là một kẻ quá đỗi vô tình” [3,301]. Phải chăng: “Khi nào con người còn ngụp lặn trong vực thẳm của nghi kị và sợ hãi, khi nào mà con người không thể kết nối với con người bằng sự thông hiểu và tình yêu thương, thì khi đó cõi trần gian này còn là một vòng vây đầy khổ ải đối với mọi phận người” [30]
Thế giới nhân vật của Nguyễn Danh Lam đã thể hiện được chiều sâu và những phát hiện mới trong cái nhìn về con người. Xây dựng thế giới nhân vật, Nguyễn Danh Lam tiếp tục cuộc hành trình chưa kết thúc của nhân loại để trả lời câu hỏi: Ta là ai? Nghĩa là cuộc hành trình đi tìm bản thể của mỗi cá nhân con người. Qua thế giới nhân vật này, nhà văn đã trình bày cả một thảm trạng xã hội thời hiện đại với bao nghi kị, sợ hãi, miệt thị, thù hằn…đang giáng xuống đầu con người. Cũng từ đó, nhà văn gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh con người trước sự ỷ lại, thụ động, lạc loài trước dòng chảy cuộc sống và cả những nguy cơ bị tha hóa, biến dạng, méo xệch cả tâm hồn lẫn thể xác… Con người luôn nằm trong lằn ranh thiện – ác, tốt – xấu, sáng – tối… nhưng cho dù hoàn cảnh có ra sao, họ vẫn luôn hướng tới ánh sáng với khát vọng mãnh liệt – khát vọng làm người, khát vọng hạnh phúc dù hành trình kiếm tìm đó còn dài dằng dặc và đầy nỗi nhọc nhằn. Hai chữ “Con người” thật ngắn gọn nhưng lại chứa muôn vàn ngóc ngách để nhà văn “khơi những nguồn chưa ai khơi”. Tất cả chỉ nhằm tới một mục đích: đưa con người tới bến bờ Chân – Thiện – Mỹ, trả lại cho con người những gì họ đáng được hưởng nhất.