Giọng điệu mang tính giễu nhại, cật vấn hoài nghi

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 80 - 82)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.3. Giọng điệu mang tính giễu nhại, cật vấn hoài nghi

Trước đây, giọng điệu yêu thích nhất của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp là giọng “chế nhạo”, nhiều lúc chế nhạo cả bản thân mình; từ đó thể hiện nỗi sợ hãi trở thành nô lệ của thói quen và nỗi khát khao được tách ra khỏi những hệ giá trị cũ. Song đến tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương…thời gian gần đây, giọng giễu nhại mới thực sự trở thành chủ âm của tự sự - một kiểu chủ âm phá vỡ sự thống trị của mọi chủ âm truyền thống. Không ngoài nguồn mạch chung ấy, sáng tác của Nguyễn Danh Lam cũng sử dụng giọng giễu nhại ở nhiều cấp độ.

Nguyễn Danh Lam dùng giọng điệu giễu nhại khi miêu tả, xây dựng những nhân vật, những “trai thanh gái lịch của thời hiện đại”. Đó là cả tập thể những con người ở tòa cao ốc – nơi nhân vật anh đến xin việc khi chứng kiến một đám cháy ở tầng dưới “tất cả ngay lập tức hỗn loạn, một tập hợp vừa đây còn điệu đàng, thanh lịch” [2,19], rồi “một mớ tạp âm hỗn độn của những tiếng gào la, những thông tin về vụ cháy liên tục được thét lên bởi những kẻ đang cố thò cổ qua lan can, dòm xuống phía dưới. Tầng mười tám sau vài mươi giây đã vãn đi hơn nửa số người. Chẳng biết họ biến đi bằng cách nào và chạy đi đâu. Không khéo nhiều kẻ đã bị chết bẹp nơi cầu thang dù chưa chết cháy. Hoặc bi kịch hơn, vài người quẫn trí sẽ phóng ra khỏi lan can khi chưa kịp chụp một tấm áo mưa để căng ra làm dù” [2,20]. Hay là hình ảnh mấy ông bà già nhà quê trong bệnh viện: “Mấy ông bà già, nhìn biết dân nhà quê, có lẽ vì tác động của tấm biển nên ghì chặt hơn cái giỏ sờn vào ngực, bên trong thò ra mấy nhành lá của một trái cây nào đó. Có lẽ cũng là lần đầu tiên họ….bị đi thang máy nên nhìn vào cái cửa sắt bằng ánh mắt vừa sợ hãi, vừa tò mò…” [2,66]. Tác giả đã đặt bên cạnh đó hình ảnh một “con bé” “bên cánh mũi gắn một chiếc khuyên bằng

kim loại. Mắt kẻ chì đen kịt. Một vật thể lạ lẫm giữa hàng dài mấy ông bà già run rẩy lơ ngơ” [2,66]. Là hình ảnh của hai cô nhân viên: “Cái quần khá đẹp, ôm căng vòng mông, phía trên trễ xuống để lộ ra một đường rãnh chạy từ đốt sống cùng xuống phía dưới. “Cái rãnh” ngó bộ cũng đang đi lên lầu trên” [2,136]. Miêu tả ngoại hình và lời nói của ông anh rể, Nguyễn Danh Lam cũng sử dụng thứ giọng điệu giễu nhại có hiệu quả: “Bộ quần áo may bằng một thứ vải mềm, in nhiều hoa văn sặc sỡ, chân mang giày thể thao, cổ đeo một sợi dây chuyền lớn. Màu vàng chói của nó nổi bật trên lớp da đỏ ửng. Mái tóc nhuộm màu, vuốt ngược mấy cọng cam, nâu lỉa chỉa. Nhìn chung dưới mắt anh, ông là một tổng thể hội tụ nhiều màu sắc” [2,79]. Ngôn ngữ cũng được cá thể hóa cao độ: “Anh để ý, đây là lần thứ hai, thứ ba gì đó ông nói “ở bển”. Cái hội chứng dùng “ở bển” làm “tiền tố” cho hầu hết phát ngôn là khá phổ biến ở những nhân vật dạng này” [2,80]. Hay đó còn là những từ ngữ miêu tả cử chỉ, hành động của ông anh rể: “Cái đầu nhuộm màu vạ vật, lắc lư như một đứa bé….. Ông anh đứng đực…. bước đi khuỳnh khuỳnh như gấu” [2,83]

Giễu nhại những văn phong đã trở thành cổ điển đến nhàm điệu, giễu nhại những cung cách diễn đạt đã quen thuộc đến mức là lối mòn trong tư duy… để tái tạo một cảm quan hiện thực mới. Bằng những “bất ổn” trên bề mặt giọng điệu, nhà tiểu thuyết hướng độc giả đến những “bất ổn” ở đáy sâu đời sống hiện thực, khiến họ phải trăn trở nhiều hơn, suy tư nhiều hơn trước những gì đã được viết ra. Ở đó, hàm chứa một thái độ “kép”, mâu thuẫn và phức hợp: Cười cợt và chế giễu cái cũ, song cũng chưa có được một niềm tin bền chắc vào cái mới. Đó là thái độ “tìm kiếm” hơn là thái độ “khẳng định”. Từ đó, giọng điệu ngả sang phía cật vấn, hoài nghi như một hệ quả tất yếu: các nhân vật thường xuyên đặt câu hỏi với chính mình, với những nhân vật khác – và có lẽ - với cả tác giả và người đọc. Bến vô thường, Giữa vòng vây trần gian, Giữa dòng chảy lạc….hầu như đều là những “câu hỏi lớn không lời đáp” về thân phận và cuộc đời con người, là những cuộc kiếm tìm bản ngã và cá tính, hạnh phúc và bình yên chưa có hồi kết.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 80 - 82)