Giọng điệu trữ tình lãng mạn

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 82 - 84)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.4. Giọng điệu trữ tình lãng mạn

Song hành với giọng điệu hài hước, châm biếm, giễu nhại là những khoảng lặng trữ tình, chất chứa cảm xúc trong tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam. Dẫu có đặt đời sống trong cái nhìn suồng sã, trong nụ cười chua chát, trong mọi khổ đau, ta vẫn thấy nhà văn không mất đi niềm tin đối với điều thiện, đối với con người. Mọi sự giác ngộ, lý tưởng và khát vọng yêu thương vẫn được anh tha thiết bày tỏ trong tác phẩm của mình.

Giọng điệu trữ tình lãng mạn trước hết được thể hiện ở những đoạn miêu tả thiên nhiên rất đặc sắc. Đó là không gian vùng ngoại thành thanh bình, yên tĩnh: “Những vì sao đầu tiên đã thắp trên bầu trời. Gió đưa mùi đồng hoang, một chút bùn, một chút cỏ ngọt, cả hương hăng hắc của một loại hoa nào đó. Đám côn trùng bắt đầu kêu bên rệ nước…” [2,109]. Là hình ảnh quê hương thân thương, bình dị trong con mắt kẻ tha hương: “Bên kia sông, nhô lên từ những bụi lúp xúp một hàng dừa nước chạy đến chân trời xa thẳm, bàng bạc màu trắng pha với gió, với khói sương… Vài nếp nhà ẩn trong hàng lá, lẻ loi, cô tịch” [2,343]. Là ánh nắng hanh hao cuối ngày: “Nắng theo ngày đi, từng bước nhạt nhòa. Nắng lùi xa ruộng bắp. Nắng đậu trên những tàn cao phơ phất gió về. Nắng hút dài trên những chỏm núi mờ xa”

[1,154]

Giọng điệu trữ tình, bàng bạc chất thơ được tác giả thể hiện tinh tế qua thế giới nội tâm của chú bé tôi – một thế giới đầy hình ảnh, màu sắc, âm thanh và ngập tràn ánh trăng. Đó là những thanh âm của cuộc sống vang lên trong tâm hồn nhạy cảm: “Tiếng rao tàu hũ của một người đàn bà, tiếng cãi chửi nhau của một cặp vợ chồng thuê nhà phía dưới…tiếng bụp chát của lò rèn phía xa…tiếng rên la của một con sâu đau bụng trong trái táo dưới vườn” [1,21]. Là khoảng không gian ngút ngàn từ khung cửa hẹp: “Những mảng bình nguyên đỏ xanh loang loáng phía xa, có cả những hàng cây, thôn xóm tít tắp ảo mờ mỗi buổi hoàng hôn” [1,21]. Là màu sắc ấm nồng, rực rỡ của cỏ hoa, nắng gió: “Màu nắng vàng nhưng nhạt có pha thêm sắc trắng, chảy hanh hao… Những vòm hoa giấy có cái màu hồng kì lạ…., khi mặt trời

vừa lên, tán lá xanh bên dưới còn ủ nhẹ một lớp sương đêm. Vì sương ướt, ánh nắng chưa len vào tới nơi nên lá càng lục thẫm. Phía trên vồng hoa màu trắng đã nhuộm rồi. Chúng như trực tiếp phát quang, hồng chói lọi… ” [1,270]. Ánh trăng, nơi nâng đỡ tâm hồn chú bé, đưa chú bé tới những chân trời mơ ước được tác giả miêu tả thật đặc biệt: “Gió ngợp những vòm cây, trăng vỡ ra từ đỉnh lá, rơi lăn tăn…Rồi vụt một cái, tung tóe thành triệu đốm lân tinh, bắn lả tả tựa sao băng” [1,274]. “Ánh trăng được lọc qua một màn sương, hữu ảnh nhưng vô hình…. Làm phông cho chuỗi sương là cả vũ trụ đầy trăng… Trăng òa vào không gian nhại nhễ một thứ ánh sáng” [1,275-277].

Ngoài những trang văn miêu tả hình ảnh thiên nhiên thấm đẫm màu giả thể hiện tinh tế bằng chất giọng trữ tình, đầy chất thơ. Tâm trạng ngổn ngang của Anh (Giữa dòng chảy lạc) khi đứng trước ngôi nhà: “Chỉ cần một quyết định, mảnh đất, căn nhà sẽ bị rút sạch linh hồn…..lại dâng lên một tình yêu tha thiết. Linh hồn ông cố, ông nội, còn đang nhìn anh trong nhạt nhòa năm tháng, từ những tàn lá trên cao kia? Từ mỗi hòn sỏi dưới đất kia?” [2,130]. Tình yêu thương tự tấm lòng của anh dành cho cô: “Anh để cho cô khóc thỏa thuê. Khóc cho cạn những ẩm ức còn chìm sâu đâu đó trong tâm khảm. Anh nghe lòng tràn lên niềm yêu thương da diết. Tất cả đều là những thân phận? Nào có ai thực sự hạnh phúc ở trên đời” [2,205]. Nỗi cô đơn của anh trước cuộc đời: “Dòng tro của ông sẽ không thể như quy luật muôn đời, từ sông về biển. Sự trớ trêu đeo đẳng ông đến giờ phút chót? Hay chính linh hồn ông cũng dùng dằng, quyến luyến cõi tạm này” [2,364]. Tất cả những kỉ niệm, những nỗi đau đã trở thành vệt kí ức buồn trong anh: “Cô đang ở nơi đâu giữa cuộc đời rộng lớn này? Hay tệ hơn, cô cũng xuôi dòng về một bến bờ nào đó? Nhưng có khác gì đâu, lại càng chưa chắc đã tệ hơn với cô, với anh, cô cũng đã như ông, trở thành một vệt kí ức u buồn. Như ảo ảnh..” [2,367]. Và như thế, chính giọng điệu, cách diễn đạt của nhà văn đã tạo cho sáng tác của Nguyễn Danh Lam một “bầu khí quyển” thích hợp, đủ sức gây ấn tượng và ám ảnh trong lòng người đọc.

Có thể nói, với các tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI, thì những khai phá, tìm tòi về mặt giọng điệu trần thuật của các nhà văn thuộc “làn sóng thứ hai” (Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Danh Lam….) đã được đẩy lên một nấc thang mới: Quyết liệt hơn, táo bạo hơn và cũng mang tính phiêu lưu nhiều hơn. Thay đổi giọng điệu – đó cũng là thay đổi tâm thế cầm bút và tư thế tái tạo cuộc sống: Nhà văn dường như không muốn sao chép hay thể hiện hiện thực mà muốn sáng tạo ra một hiện thực mới – bằng cái nhìn của cá nhân, bằng giọng điệu riêng. Nhìn chung, những tác phẩm đạt tới sự thành công về mặt giọng điệu, tạo ra một văn phong độc đáo, gây ám ảnh và suy tư cho người đọc, chính là những tác phẩm có được chất giọng thích hợp để tái hiện những vấn đề đang đặt ra hay đang hướng tới, đồng thời biết tổ chức và kết hợp khéo léo các quan điểm, tư tưởng trong cuộc đối thoại của các kiểu lời, kiểu giọng phong phú khác nhau. Lạnh lùng mà thương cảm. Trữ tình mà xót xa. Và phải chăng, những tác phẩm của Nguyễn Danh Lam đã gần như và thực sự đạt được điều đó.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 82 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)