Cốt truyện phân mảnh

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 60 - 63)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Cốt truyện phân mảnh

Cốt truyện phân mảnh là cốt truyện được tạo nên từ hệ thống các mảng có tính độc lập, tồn tại bên cạnh nhau. Đây là một kết cấu lắp ghép mang hơi hướng của tư

duy lập thể hội họa. Ở đây, cốt truyện đã bị đập vỡ thành những mảnh vụn rời rạc, không theo một trình tự thời gian hay mối liên hệ nhân quả nào và mỗi mảnh vụn là một mảng của hiện thực. Các nhà tiểu thuyết thời kì đổi mới rất có ý thức trong việc sử dụng loại cốt truyện này để tăng sức biểu đạt cho tác phẩm của mình.

Bến vô thườnglà: “Cuốn sách được cấu thành từ những đoạn rời rạc. Rồi từ những đoạn rời rạc đó, ta lần tìm một thứ dây mơ rễ má để thấy, hình như chúng phi lý khi đứng cạnh nhau. Dù rằng chúng vẫn có một sự gắn kết đặc biệt, một thứ logic phi logic. Với cái cấu trúc sắp đặt ngẫu hứng ấy, Nguyễn Danh Lam thả vào trong những mảnh rời ba không gian xã hội của cộng đồng con người sống ở những xóm ga” [26]

Cốt truyện Bến vô thường gần giống như cấu trúc một vở kịch được tạo nên từ nhiều màn, mỗi màn kịch là một sự kiện không theo quan hệ logic, nhân quả. Đó là câu chuyện của hắn – đạp đinh trên nắp ván thiên thối ung cả người, thoát chết như một phép lạ, lêu bêu như thế nào rồi trở thành thằng kẻ cắp. Là câu chuyện về cậu bé tôi run rẩy trước vẻ đẹp của ánh trăng, mơ ước, khát khao được giao hòa với ánh trăng. Là câu chuyện của cô bé tôi sống cô đơn, lạc lõng giữa chính những người thân của mình. Đó còn là những câu chuyện của những con người trong cùng một xóm trọ: Cô tóc tém, thằng chữ kí, thằng tóc dài, gã và sau đó là cô bốn giờ, cô năm giờ, cô sáu giờ, gã đạp xích lô và y. Và đó còn là câu chuyện về chị mặt rỗ, lão cóc, mẹ con thằng câm, thằng mắt híp… Nhìn toàn cục đó là những mảng văn bản rời rạc, phản ánh những mảng đời sống khác nhau. Ta có thể xáo trộn những mảng sự kiện này mà không làm ảnh hưởng nhiều đến logic tác phẩm. Qua những mảnh cốt truyện này, Nguyễn Danh Lam cho ta thấy được khát vọng làm người, khát vọng hạnh phúc vẫn luôn thường trực trong những con người tưởng chừng như tận cùng thống khổ nơi xóm ga. Tuy nhiên, trong cõi chật hẹp nhân sinh, trong cuộc hành trình dài ngày kiếm tìm hạnh phúc, trong nỗi khát khao làm người ấy, những nhân vật có cảm giác cứ lạc mất nhau. Mà ngăn cách, chẳng gì khác, vẫn những nhỏ nhen, miệt thị, thù

hằn.Cảm giác ấy có được một phần không nhỏ từ kiểu cốt truyện phân mảnh của tác phẩm.

Có thể nói, từ góc độ cốt truyện, tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam không phải là cuộc chia tay vĩnh viễn với truyền thống. Về cơ bản, những biến cố quan trọng trong cuộc đời nhân vật vẫn được giữ lại và có thể tóm tắt được những mạch truyện chính trong tác phẩm của anh, nhưng cảm quan chung là cốt truyện được giản hóa, trở nên mờ nhạt, đứt gãy, có khi bị phá tung thành những mảnh vỡ phi trật tự. Có rất nhiều các đoạn truyện được xếp liền kề nhau song rất ít có sự liên kết cả về mặt truyện lẫn ngữ pháp. Những cao trào, thắt nút, mở nút của cốt truyện đã bị nhấn chìm trong chuỗi lắp ghép miên man của tự sự. “Thay vì miêu tả hành động ném một hòn đá xuống mặt nước với cường độ như thế nào, ai là người ném và vì sao lại ném thì nhà văn lại đặc biệt chú ý đến những chuỗi sóng lan tỏa không dứt ngay cả khi hòn đá kia đã nằm yên dưới đáy nước tự rất lâu rồi” [34]

Với kiểu cốt truyện phân mảnh, nhà văn thể hiện quan niệm mới về hiện thực. Hiện thực đó không phải là một khối duy nhất mà có vô số mảnh vỡ xuất hiện từ nhiều phương hướng khác nhau. Đó là một hiện thực không toàn vẹn, một hiện thực rời rạc, đổ vỡ, rạn nứt, một cuộc sống không dễ tìm mối tương giao, liên kết. Cũng với kiểu cốt truyện phân mảnh này, tác giả đã thể hiện một ý thức về khả năng hữu hạn của con người trong việc nhận thức thế giới. Trước đây, nhà viết tiểu thuyết luôn ảo tưởng mình là “người thư kí trung thành của thời đại”, “mình có khả năng nắm bắt được toàn bộ thế giới”. Thế nhưng, giờ đây họ ý thức được thế giới này quả rộng lớn, con người không có khả năng bao quát được cả thế giới mà chỉ có thể nhận thức được từng mảnh vỡ của nó mà thôi. Bên cạnh đó, việc sử dụng kiểu cốt truyện phân mảnh, đòi hỏi độc giả phải có một thái độ tiếp nhận thực sự tích cực, chủ động, phải có một vốn văn hóa nhất định để tìm ra mạch ngầm của văn bản nhờ sự kết nối những mảnh truyện rời rạc với nhau.

Không chỉ sáng tác Nguyễn Danh Lam mà hầu hết các nhà tiểu thuyết đương đại đều chú ý sử dụng hình thức cốt truyện phân mảnh, đặc biệt trong sáng tác của

Nguyễn Bình Phương với Ngồi, Thoạt kì thủy, Những đứa trẻ chết già….; sáng tác Tạ Duy Anh với Thiên thần sám hối, Giã biệt bóng tối…. Với kiểu kết cấu này, nhà văn có thể hiện cuộc sống hiện đại chân thực hơn.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 60 - 63)