6. Cấu trúc luận văn
3.4.2. Lớp ngôn từ giàu chất thơ
Trong tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam, bên cạnh lớp ngôn ngữ hiện thực cực tả cái hiện thực đến dữ dội đến nghiệt ngã là những trang văn bay bổng , đậm chất nhạc, chất họa, chất thơ trong trẻo đến tuyệt vời. Lớp ngôn từ này tựa như những giai điệu êm ả làm dịu tâm hồn con người.
Trong Bến vô thường, với lớp ngôn từ giàu cảm xúc, giàu chất thơ mà âm hưởng chủ đạo là những mô típ của nỗi đau, sự cô đơn, khát vọng làm người, khát vọng hạnh phúc và nỗi ưu tư của người viết trước những bể dâu của số phận, trước nhân tình thế thái, Nguyễn Danh Lam đã có được những trang văn rung động lòng người. Hành trình đi vào thân phận những con người bất hạnh luôn đưa tới những tiếng thở dài sâu tận bên trong. Ở tiểu thuyết này, hình ảnh thiên nhiên được miêu tả bằng thứ ngôn ngữ thật đẹp, thật trong trẻo: “Nơi ấy tôi nhớ khi xưa là một vùng bán sơn địa vời xa, bát ngát. Có cả những vệt rừng mờ ảo chạy viền phía đường chân trời. Đồng ruộng nối nhau nhòa dần vào tít tắp, vài lùm cây, mái nhà lô nhô nhỏ xíu, mong manh gợi lên mấy dải khói mờ” [1,278]. Thiên nhiên khiến không gian như bị kéo căng bởi cái xấu, cái ác được giãn ra, xóa bớt phần nào cảm giác về sự dồn đuổi đến đường cùng của cái ác, cái xấu giữa những hỗn loạn xô bồ của cuộc sống. Cũng như vậy là hình ảnh ánh trăng: “Phía trước tôi, bên phải và bên trái tôi, mênh mông cả một biển trăng sáng đẫm, rập rờn….Ánh trăng róc rách đổ xuống cổ, xuống ngực vào tận thẳm sâu tôi” [1,282].
Ngoài những trang viết miêu tả cảnh thiên nhiên, tác giả còn dành những trang để miêu tả cảm xúc, tâm trạng con người. Là tâm trạng của nhân vật anh trong Giữa dòng chảy lạc, khi ốm: “Nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ những ngày tháng xa xôi. Chỉ một tiếng ho của anh đã có những viên thuốc, bát cháo kề tận miệng. Khóe mắt của anh lăn ra một giọt nước không sao kiềm lại được” [2,151]; là hình ảnh cô em gái của người bạn sống thực vật với bao cam chịu, yêu thương: “Một cái nhìn khiến anh nghe
nhói lên từ đáy ngực. Không phải nó chất chứa những tia trách cứ, hay oán giận mà ngược lại, nó quá đỗi dịu dàng, cam phận” [2,371]
Như đã nói ở trên, đọc văn Nguyễn Danh Lam người đọc nhận thấy có hai lớp ngôn từ đối lập nhau: Một lớp từ vựng thô nhám, góc cạnh, trần trụi như thách thức với thị hiếu thẩm mĩ của độc giả truyền thống; một lớp từ vựng rất đẹp, rất trau chuốt gợi những hình ảnh thơ mộng, huyền ảo, những cảm giác tinh tế có khi thành kính, đem lại chất thơ cho tác phẩm. Những đoạn văn giàu chất thơ trở thành điểm nhấn trong tác phẩm. Chất thơ xuất hiện chủ yếu với không gian ảo, không gian thơ mộng, xuất hiện trong hồi nhớ, kí ức, tâm trạng của nhân vật. Phải chăng, đó chính là thế giới tương phản với hiện thực xô bồ mà các nhân vật của Nguyễn Danh Lam đang tìm kiếm?