Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực

Một phần của tài liệu Đề tài nghiên cứu thái độ học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên trường đại học nội vụ hà nội (Trang 57 - 61)

8. Cấu trúc của đề tài

3.2.Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực

Góp phần định hướng phương pháp học tập các môn Lý luận chính trị phù hợp với sinh viên, nhóm nghiên cứu xin đề xuất một số biện pháp tâm lý nhằm tích cực hóa hoạt động học tập các môn Lý luận chính trị của sinh viên. Cụ thể là:

Thứ nhất, phát triển hứng thú, tính tự giác học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên.

Tính tích cực của sinh viên đặc trưng ở khát vọng hiểu biết, cố gắng về trí tuệ và có nghị lực cao trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Muốn vậy, giảng viên cần phải:

Giúp sinh viên hiểu rõ tầm quan trọng, cấu trúc môn học lý luận chính trị và cách thức để sinh viên học tập đạt kết quả tốt. Khi bắt đầu môn học, giảng viên cần giúp sinh viên xác định đúng đắn các mục tiêu (kiến thức, kỹ năng, thái độ) mà bản thân cần đạt được khi nghiên cứu môn học. Đồng thời, giảng viên giới thiệu những nội dung cơ bản của môn học, cách thức phối hợp của giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy học nhằm đạt được những mục tiêu đã đặt ra.

Chuẩn bị tài liệu phù hợp, kết hợp với những ví dụ thực tế để minh họa cho việc ứng dụng các nguyên lý và lý thuyết. Một trong những nội dung quan trọng của nguyên tắc dạy học các môn lý luận là phải chỉ ra nguồn gốc của lý luận, phải lấy thực tiễn để minh chứng cho tính đúng đắn của lý luận; giúp người học thấy được mối liên hệ giữa tri thức lý luận và thực tế cuộc sống, biết vận dụng kiến thức lý luận vào giải quyết những vấn đề, các nhiệm vụ nhận thức và trong thực tế đời sống. Dạy một bài học không có nghĩa là yêu cầu sinh viên phải ghi nhớ toàn bộ các chi tiết mà chỉ cần lưu lại ở họ những kiến thức cơ bản, quan trọng. Nhìn chung, lượng tri thức trong tài liệu có thể chưa thể làm nổi bật hoặc khắc sâu những điều quan trọng cho sinh viên, do vậy giảng viên cần đưa kiến thức ra khỏi trang sách. Sự vận dụng, giải thích thực tế, chỉ ra các mối quan hệ sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn, nắm vững kiến thức cơ bản của bài học. Thông qua việc mở rộng, tinh lọc kiến thức, sinh viên đã được rèn luyện thao tác tư duy.

Hướng dẫn sinh viên biến tài liệu dạy học thành tài liệu học tập cho riêng mình. Điều này có được khi giảng viên giúp sinh viên hiểu bài tại lớp dựa trên những nội dung cơ bản; đồng thời khuyến khích óc tò mò, ham hiểu biết ở sinh viên bằng những câu hỏi có tính chất gợi mở làm sâu sắc thêm hoặc rõ rang hơn vấn đềđược đề cập trên lớp.

Thứ hai, kích thích tinh thần tự tìm tòi, khám phá tri thức, nghiên cứu khoa học ở sinh viên.

Để có được hiệu quả lâu dài đối với tri thức, giảng viên phải giúp sinh viên hiểu và kết hợp các nguyên tắc học tập độc lập với việc học tại trường, tự tìm kiếm tri thức. Hình thức này được gọi là “học tự điều chỉnh”, bao gồm các hoạt động tích cực, tự định hướng và tự chủ, các hoạt động học tập và nhận thức về những bài tập trên lớp của từng sinh viên. Việc rèn luyện cho sinh viên kĩ năng tự học là mẫu chốt trong việc tích cực hóa hoạt động học tập ở họ. Phương pháp tự học có tác dụng bồi dưỡng năng lực tự học, làm cầu nối giữa học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên. Các nghiên cứu tâm lý sư

phạm cho thấy, sinh viên tự giác học tập và học có hiệu quả khi tự bản thân thấy hứng thú tìm tòi, học hỏi và có khả năng vượt qua những khó khăn trở ngại để tự học thành công. Đặc biệt là với các môn lý luận chính trị - môn học mang tính lý thuyết cao, kiến thức trừu tượng, hóc búa càng cần phải chú trọng đến cách thức dạy học làm sao cho lôi cuốn sinh viên để hình thành ý thức tự học cao. Tự học bắt đầu từ việc cá nhân sinh viên xem, nhìn, nghe, đọc được những vấn đề sinh viên tiếp thu tri thức và phát triển phương pháp tự học hiệu quả. Để đọc có hiệu quả, sinh viên rất cần sự hỗ trợ của giảng viên. Giảng viên cần tường minh hóa các yêu cầu đọc, cụ thể đến các luận điểm, sơ đồ, cấu trúc phát triển ý tưởng của chương, phần, mục,… trong sách. Có rất nhiều cách đọc, mỗi cách đọc mang lại hiệu quả nhất định cho từng đối tượng nên rất cần đến kinh nghiệm đọc, cần đến tư duy phản biện thường trực trong sinh viên. Đọc như vậy là để rèn luyện tư duy phê phán, rèn trí sáng tạo.

Thứ ba, tăng cường sự hợp tác giữa giảng viên và sinh viên, giữa các sinh viên với nhau.

Trong môi trường hợp tác, mỗi sinh viên sẽ tìm thấy lợi ích cho chính mình và cho tất cả các thành viên trong lớp học, thúc đẩy sự ảnh hưởng lẫn nhau trong tập thể. Một số hình thức dạy học giảng viên cần thực hiện:

Tạo cơ hội cho mọi sinh viên được tham gia nhiều vào các hoạt động học tập. Giảng viên cần tạo ra sựtương tác trong suốt quá trình dạy học, tránh giảng viên theo lối độc thoại sẽ gây nhàm chán, khó tập trung. Ngôn ngữ độc thoại cũng nên được khuyến khích sử dụng trong giảng dạy. Nếu sử dụng thuyết trình nên kết hợp với phương pháp dạy học khác hoặc dùng thuyết trình nêu vấn đề.

Sinh viên được tạo điều kiện tối đa phát huy tính chủ động, sáng tạo, năng lực tư duy thông qua các tình huống trong bài giảng. Ở phương pháp này, sinh viên được đặt vào tình huống có vấn đề chứ không phải được giảng viên thông báo dưới dạng tri thức có sẵn. Sinh viên tích cực, tự giác tham gia hoạt động học, tự tìm ra tri thức phải biết, cần biết, có thể biết chứ không phải

được giảng viên giảng dạy một cách thụđộng, sinh viên là chủ thể sáng tạo ra việc học, hoạt động học. Sinh viên không những được nghiên cứu nội dung bài giảng mà còn được học con đường và cách thức tiến hành để đạt được kết quả đó. Phương pháp này tạo một môi trường cho phép sinh viên làm việc với thành viên trong nhóm về các loại vấn đềcó liên quan đến nghề nghiệp trong tương lai, các kiến thức và kỹ năng giúp sinh viên giải quyết các vấn đề mà nghề nghiệp đòi hỏi.

Rèn luyện tinh thần hợp tác, tăng cường trách nghiệm cá nhân trong tập thể thông qua phương pháp làm việc nhóm. Sau khi xác định được vấn đề cần nghiên cứu, giáo viên chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ, giao nhiệm vụ cho từng nhóm và yêu cầu các nhóm tiến hành thảo luận trong một thời gian hợp lý. Lúc này, các thành viên trong nhóm phải tập hợp lại và thực hiện nhiệm vụ theo một nguyên tắc nhất định đảm bảo hoàn thành đúng thời giản giảng viên quy định. Cách làm này tạo sự phụ thuộc mang tính tích cực giữa các thành viên trong nhóm, mỗi thành viên có cơ hội được bày tỏ ý kiến của bản thân và có trách nhiệm chung với nhóm.

Rèn luyện cho sinh viên năng lực diễn đạt, tăng cường sự tự tin. Giảng viên cho sinh viên cơ hội được trình bày ý kiến, quan điểm của cá nhân trong các giờ thảo luận, báo cáo kết quả làm việc nhóm thông qua hình thức thuyết trình, thậm chí có thể đặt sinh viên khá, giỏi vào vai trò của người điều hành, điều phối các buổi thảo luận thay cho giảng viên.

Thứ tư, tạo ra và duy trì không khí dạy học tích cực.

Trong bất kỳchương trình dạy học hay kế hoạch dạy học đều phải bảo đảm sự thích ứng cho tất cả các đối tượng sinh viên khác nhau. Sự thích ứng này phải dựa trên nền tảng của việc tìm hiểu thật kỹ tâm lý sinh viên, khả năng, trình độ,… Do đó, việc lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học cần chú ý đạt mục tiêu phát triển, theo nguyên tắc cá thể hóa để bảo bảm phát huy tính tích cực của sinh viên. Bên cạnh đó, để kích thích tư duy của sinh viên, giảng viên cần tạo ra những tình huống có vấn đề. Kiến thức phải được trình

bày dưới dạng động, phát triển và mâu thuẫn với nhau, tập trung vào những vấn đề then chốt, diễn ra với nhịp độ linh hoạt để tránh sự đơn điệu của các kích thích. Việc sử dụng các sơ đồ, hình ảnh, clip… minh họa sẽ đảm bảo cho sinh viên tiếp nhận những tri thức lý luận có tính trực quan, cụ thể và dễ hiểu hơn. Các nội dung trình bày cần phân khúc thông tin bảo đảm tối đa khảnăng tập trung hiệu quả của sinh viên trong khoảng 15-20 phút. Cũng cần có những khoảng trống để sinh viên suy nghĩ, trải nghiệm hay nghiền ngẫm khi cân thiết. Đặc biệt với câu hỏi phát vấn, phạm vi thời gian chờ là khoảng 3-5 giây. Điều này có nghĩa giảng viên cần học cách tạm dừng hay cho phép thời gian chờ. Lưu ý nên hỏi những câu có tính chất tìm kiếm và ít nhắc lại câu trả lời của sinh viên mà nên có nhận xét, đánh giá mang tính khuyến khích về những ý kiến đó. Theo quy luật của tình cảm, sự hứng khởi của giảng viên sẽ lan tỏa đến sinh viên, lòng nhiệt tình giảng dạy, sự quan tâm đến việc thúc đẩy động lực học tập ở sinh viên sẽ tạo không khí sôi nổi của lớp học.

Chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị được đánh giá thông qua mức độ sinh viên đạt được các mục tiêu về kiến thức, kỹ năng và thái độ môn học. Điều này chỉ có được khi giảng viên khuyến khích sinh viên muốn học, biết cách học, kiên trì và tích cực học, học có kết quả. Vì thế, việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy các môn lý luận chính trị là yêu cầu không thể thiếu trong các trường đại học hiện nay.

Một phần của tài liệu Đề tài nghiên cứu thái độ học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên trường đại học nội vụ hà nội (Trang 57 - 61)