Vai trò của hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo trong trường đại học

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo tại trường đại học kinh tế ĐHQGHN (Trang 27 - 28)

Hệ thống ĐBCL đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo, duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo của một trường đại học. Vai trò đó được thể hiện ra ở một số khía cạnh cơ bản sau:

Thứ nhất, hệ thống ĐBCL đào tạo góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu “Tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học,tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Hoàn thiện mạng lưới các CSGD đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế” [9] là đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản cơ bản của GD&ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; coi trọng QLCL; nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD&ĐT. Hệ thống ĐBCL đào tạo chính là các hoạt động cụ thể hóa nhiệm vụ và giải pháp mà yêu cầu của Nghị quyết đã đề ra.

Thứ hai, hệ thống ĐBCL đào tạo đóng vai trò thúc đẩy nhà trường hội nhập giáo dục với khu vực và quốc tế

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với quốc tế trong nhiều lĩnh vực với các ký kết hiệp định song phương, đa phương, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn. Yếu tố quyết định để phát huy hiệu quả của việc hội nhập đó chính là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, cần phải tập trung phát triển GDĐH, tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ thống ĐBCL đào tạo chính là công cụ góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đó, đồng thời góp phần quan trọng trong

19

việc vạch ra đường lối hội nhập GDDH khu vực và quốc tế cho CSGD.

Thứ ba, hệ thống ĐBCL đào tạo là thước đo giúp CSGD nhận biết thực trạng đào tạo của mình

Hệ thống ĐBCL đào tạo đóng vai trò giống như những “chuyên gia đo lường” để đo tình trạng đào tạo của các trường ĐH. Từ đó, nhà trường có thể biết vị thế của họ đang ở đâu và cần làm gì để thúc đẩy quá trình phát triển. Đồng thời, nó giúp cho Ban Giám hiệu, các CBQL trong nhà trường quản trị đại học một cách rõ ràng, quản trị theo chất lượng, quản trị theo mục tiêu, từ đó việc dẫn dắt đại học trở nên dễ dàng hơn.

Thứ tư, hệ thống ĐBCL đào tạo là công cụ giúp CSGD nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng dịch vụ và đáp ứng yêu cầu phát triển của chính CSGD đó

Như đã đề cập ở trên, hệ thống ĐBCL đào tạo được xây dựng để duy trì và cải tiến chất lượng, duy trì và cải tiến các tiêu chuẩn về giảng dạy, học tập, ... Đây vừa là chức năng, vừa là vai trò của hệ thống ĐBCL đào tạo bên trong nhà trường. Như vậy, hệ thống ĐBCL đào tạo giúp nhà trường nâng cao chất lượng của mọi lĩnh vực, hoạt động trong nhà trường, đặc biệt là chất lượng đào tạo sẽ là yếu tố quyết định sự tồn tại, phát triển và sự thành công trong cạnh tranh tuyển sinh, giúp nhà trường phát triển một cách toàn diện, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan.

Nhìn chung, với tầm quan trọng như vậy nên mỗi CSGD cần có cái nhìn đúng đắn và chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống ĐBCL đào tạo sao cho có thể phát huy tối đa vai trò của hệ thống.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo tại trường đại học kinh tế ĐHQGHN (Trang 27 - 28)