Trong suốt 4 năm từ 2003 đến 2006, Việt Nam luôn là một trong những nước dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Châu Á. Năm 2007 tiếp tục là một năm thành công của nền kinh tế nước nhà với nhiều thành tựu đáng kể.
Theo Tổng cục thống kê, tính tới ngày 31/12/2007:
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2007 tăng 8,48 % so với năm 2006, đạt kế hoạch đề ra (8,2 – 8,5 %). Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB đánh giá: tăng trưởng kinh tế năm 2007 của Việt Nam đứng vào hàng các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực.
Khối lượng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong năm 2007 theo giá thực tế ước tính đạt 461,9 ngàn tỷ đồng, bằng 40,4 % GDP , tăng 15,8 % so với năm 2006.
Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng khá, ước tính năm 2007 đạt 20,3 tỷ USD, tăng 69,3 % so với năm 2006, vượt 56,3% kế hoạch cả năm, trong đó vốn được cấp phép mới là 17,86 tỷ USD.
Tuy nhiên, Chỉ số giá tiêu dùng 2007 lại cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 đã tăng tới 2,91% so với tháng 11. Tính chung cho 12 tháng trong năm 2007, mức tăng của CPI đã lên đến hai con số (tăng 12,63%) nhưng theo cách tính chỉ số giá bình quân mới, CPI năm nay chỉ tăng 8,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người 2007 đạt 793,5 USD, tăng 5,8 % so với năm 2006.[13]
Ngân hàng Thế giới - WB ngày 9/1/2008 công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu 2008, trong đó dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 8,2% năm 2008 và 8,3% năm 2009.
Xét một cách tổng quan, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một xu thế phát triển và hội nhập lớn. Đây là cơ hội để Việt Nam đột phá vươn lên trở thành quốc gia phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá một cách
thành công. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp đang có mặt tại Việt Nam phát triển ngoạn mục. Cơ hội và thách thức đan xen tạo nên bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế đang hội nhập.