I. ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG ĐẤT
1.3. Định hướng sử dụng đất theo khu chức năng
Trên cơ sở quy hoạch chung huyện, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ vào tiềm năng quỹ đất, thực trạng và Chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, các lĩnh vực trên địa bàn, định hướng sử dụng quỹ đất của huyện được xác định như sau:
1.3.1. Khu vực chuyên trồng lúa nước
Ổn định vùng trồng lúa tập trung theo quy hoạch đất lúa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; phù hợp với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; gắn với thực hiện chính sách bảo vệ, quản lý và phát triển đất lúa theo quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ.
Tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại tại các khu vực trồng lúa tập trung, tạo tiền đề vững chắc cho việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Khuyến khích, tạo điều kiện ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khâu giống và chế biến nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần từng bước cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người trồng lúa, địa phương có vùng lúa tập trung.
Định hướng đến năm 2020, diện tích khu vực chuyên trồng lúa nước của huyện có diện tích khoảng 3000 ha.
1.3.2. Khu vực chuyên trồng cây công nghiệp lâu năm
Do có tài nguyên đất phong phú nên huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm. Hiện nay, cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn huyện chủ yếu là cây chè.
Do phần lớn diện tích chè đã già cỗi, diện tích chè cao sản chưa phát triển nhiều, đa số nông dân trồng chè chỉ áp dụng biện pháp thâm canh đơn giản như bón phân, phun thuốc, tỉa cành nên năng suất, hiệu quả không cao. Hầu hết cây chè trồng trên những vùng đất bạc màu, vùng khô hạn nên khi gặp thời tiết thất thường, sâu bệnh dễ phát triển làm giảm năng suất. Tại một số khu vực, người dân chặt bỏ thay thế bằng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Để đảm bảo phát triển ổn định vùng trồng cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn, điều quan trọng nhất là phải giải quyết tốt được khâu tiêu thụ sản phẩm; củng cố thị trường truyền thống song song với quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường mới. Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi. Tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Định hướng đến năm 2020, khu vực chuyên trồng cây công nghiệp lâu năm của huyện có diện tích khoảng 3.000 ha
1.3.3. Khu vực lâm nghiệp
Tập trung khoanh vùng, bảo vệ và tái sinh các khu vực rừng đầu nguồn. Phát triển rừng theo hướng đa mục tiêu, kết hợp có hiệu quả giữa rừng phòng hộ, rừng sản xuất với du lịch sinh thái. Chuyển đổi một bộ phận đất rừng sản xuất sang cây lấy gỗ, cây công nghiệp và cây ăn quả để tăng hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp. Hướng vào khai thác có hiệu quả vùng đồi, phủ xanh đất trống, đồi núi chọc,... Mở rộng diện tích che phủ của cây xanh và rừng để tăng cường môi trường sinh thái, giữ gìn đa dạng sinh học. Nâng độ che phủ chung (bao gồm cả rừng sản xuất, cây công nghiệp, ăn quả dài ngày) đến năm 2020 đạt trên 60,0%, góp phần nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, biến đổi khí hậu.
1.3.4. Khu vực công nghiệp, cụm công nghiệp
Phát triển công nghiệp hướng vào những ngành có lợi thế so sánh, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh. Tập trung phát triển nhanh hơn một số ngành, sản phẩm chủ lực mà địa phương có lợi thế như: Công nghiệp chế biến nông - lâm - hải sản, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng,công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng,...
Phát triển các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Xây dựng các cụm công nghiệp đồng bộ, có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, có khả năng hỗ trợ lẫn nhau theo quan điểm phát triển bền vững. Từng bước thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch ra khỏi các khu đô thị, khu dân cư tập trung.
1.3.5. Khu đô thị, thương mại – dịch vụ
Xây dựng đô thị Thanh Sơn có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, kết nối thông suốt giữa đô thị với các vùng phụ cận; các công trình công cộng được bố trí phù hợp, đảm bảo bán kính phục vụ và đáp ứng tốt yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu ngày càng cao của người dân.Là một đô thị xanh, sạch, đẹp, có sự gắn kết hài hoà các yếu tố tự nhiên – xã hội – con người – văn hoá trên một không gian phát triển đô thị bền vững; gắn phát triển đô thị với phát triển các cụm công nghiệp, du lịch và dịch vụ.
Tổ chức không gian đô thị được hình thành trên tuyến chính, các điểm nhấn đô thị được hình thành chủ yếu tại các nút giao giữa các trục ngang, dọc của đô thị. Nhịp điệu kiến trúc được thay đổi với các nhà cao tầng kết hợp xen lẫn các công trình công cộng có khoảng lùi lớn và thấp tầng.Kiến trúc nhà ở vừa đảm bảo công năng, vừa đảm bảo vẻ mỹ quan đô thị khi phối hợp với công trình phục vụ công cộng trên các trục phố chính.Nhà cao tầng, nhà phố liên kế được xây dựng ở gần các trung tâm huyện chen lẫn một vài khu nhà biệt thự thấp tầng nhằm làm thay đổi nhịp điệu kiến trúc.Các khu nhà vườn được xây dựng trên các tuyến đường ven đô thị nhằm đảm bảo yêu cầu diện tích đất sử dụng, sản xuất nông nghiệp phục vụ đô thị; đồng thời, là khu chuyển tiếp giữa ruộng vườn và đô thị.