10. Bố cục luận văn
1.2.1. Sự cần thiết của việc ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã,
xã, phường, thị trấn
Ngày 18/2/1998 Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương (khoá VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở;
để triển khai thực hiện Chỉ thị số 30 ở loại hình cơ sở là xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 15/5/1998 về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã; sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị định số 29 cùng với một số văn bản hướng dẫn của các Bộ, Ngành liên quan, ngày 07/7/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2003/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (thay thế Nghị định số 29).
Trong thời gian gần đây nhiều vấn đề liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật như Luật Tổ chức HĐND và UBND; Luật Bầu cử đại biểu HĐND; Pháp lệnh Cán bộ, công chức; Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong bối cảnh đó, các quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cần được nâng tầm hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị định để điều chỉnh việc thực hiện dân chủ, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân ở xã, phường, thị trấn cho bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống với những văn bản pháp luật khác.
Ðồng thời, để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được: “Ở những nơi làm tốt việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, đã có sự chuyển biến đáng kể nhận thực của các thành viên trong hệ thống chính trị và của nhân dân về dân chủ, làm cho mọi người quan tâm và tham gia thực hiện tốt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân từ cơ sở; các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng được nhân dân hiểu biết rõ, hăng hái tham gia góp ý kiến và thi đua thực hiện nên đạt kết quả tốt hơn; phần lớn các tranh chấp, vướng mắc trong dân với nhau và với chính quyền được hòa giải, giải quyết ổn thỏa từ cơ sở, đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo không khí chan hòa, cởi mở trong cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, xã hội. Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở cũng đã góp phần tác động tích cực tới việc củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng của hệ thống
chính trị ở cơ sở, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thúc đẩy việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; củng cố, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải tiến sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, làm chuyển biến tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, công chức; đổi mới phương thức của cả hệ thống chính trị theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, là biện pháp quan trọng để khắc phục quan liêu, tham nhũng, lãng phí” [18]; khắc phục những hạn chế, tồn tại trong nội dung QCDC và trong cách thức triển khai thực hiện QCDC những năm qua: “Những kết quả trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở chưa đồng đều và vững chắc. Nhiều nơi quy chế đã xây dựng còn dập khuôn, máy móc, chưa phù hợp với thực tế, khó thực hiện. Nhiều nơi còn tình trạng khoán trắng việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở cho ban chỉ đạo, không kiểm tra thường xuyên để có chủ trương và giải pháp đồng bộ, thiết thực nên việc thực hiện còn mang nặng tính hình thức. Tình trạng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân vẫn còn nhiều, có khi nghiêm trọng; những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, tiêu cực không được phát hiện và đấu tranh ngăn chặn, khắc phục kịp thời, làm giảm lòng tin, gây bất bình trong nhân dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài hoặc vượt cấp” [18]; thể chế hóa những chủ trương, chính sách mới của Ðảng và Nhà nước về phát huy quyền làm chủ của nhân dân ngay từ cơ sở thì việc nghiên cứu hoàn thiện văn bản pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, nâng cao hiệu lực pháp lý của văn bản ở cấp độ Nghị định lên Pháp lệnh đặt ra yêu cầu bức thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát huy dân chủ trực tiếp và tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình tại cơ sở xã, phường, thị trấn theo chủ trương của Ðảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, một số quy định của QCDC còn hạn chế về mặt nội dung, chưa phù hợp với thực tiễn, không có tính khả thi khi áp dụng; hiệu lực pháp
lý mới chỉ dừng ở Nghị định của Chính phủ đã ít nhiều hạn chế tác động của Quy chế tới thực hiện quyền dân chủ của nhân dân ở cơ sở.
Trên cơ sở đó, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được xây dựng và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp tháng 4/2007, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh này.
Có thể nói, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ra đời một lần nữa khẳng định vai trò và tầm quan trọng to lớn của việc thực hiện dân chủ ở cấp xã; là một bước tiến mới trong việc hiện thực hóa các quan điểm của Ðảng, tư tưởng của Bác Hồ về nền dân chủ XHCN của nhân dân. Dân là chủ thì dân phải được làm chủ, phải được hưởng quyền dân chủ trong mọi mặt của cuộc sống và cũng chỉ có như vậy bản chất tốt đẹp của Nhà nước mới được giữ vững, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mới được củng cố, phát huy.
Mở rộng và phát huy dân chủ là xu hướng khách quan của tiến bộ xã hội, nhất là hiện nay nước ta đang trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, mở rộng và nâng cao dân chủ sẽ góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ mới, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X đã khẳng định chủ trương “Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thật sự là công bộc của nhân dân. Xác định các hình thức tổ chức và có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Đề cao trách nhiệm của các tổ chức Đảng, Nhà nước đối với nhân dân” và “Phát huy dân chủ là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với tiến trình phát triển nước ta”.