Đặc điểm vị trí địa lý, tự nhiên

Một phần của tài liệu Thực hiện dân chủ ở cấp xã thực trạng và giải pháp (Trang 56 - 58)

10. Bố cục luận văn

2.1.1. Đặc điểm vị trí địa lý, tự nhiên

Vùng đất trù phú nơi đây khi xưa vốn là “xứ Kinh Bắc”, nổi tiếng với nhiều làng nghề và các lễ hội thơ ca dân gian phong phú diễn ra quanh năm. Vào năm 1822, xứ Kinh Bắc được Nhà Nguyễn đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh. Đến tháng 10/1962, theo Nghị quyết của Quốc hội Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỉnh Bắc Ninh sát nhập với tỉnh Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc. Từ đó, Bắc Ninh chỉ còn tên của một đơn vị hành chính trong tỉnh Hà Bắc và có tên là thị xã Bắc Ninh. Sau đó, đến ngày 06/11/1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 9, kỳ họp thứ 10 đã ra Nghị quyết tái thành lập tỉnh Bắc Ninh.

Bắc Ninh là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội. Tỉnh có địa giới hành chính tiếp giáp với các tỉnh: Bắc Giang ở phía Bắc, Hải Dương ở phía Đông và Đông Nam, Hưng yên ở phía Nam và thủ đô Hà Nội ở phía Tây. Bắc Ninh có diện tích tự nhiên 822,71km2.5 Dân số 1.035.951 người (trên 75% dân số sống ở nông thôn). Về

5() Diện tích đất lớn nhất là đất nông nghiệp chiến 65,85%, trong đó đất lâm nghiệp chiếm một tỷ lệ rất nhỏ chỉ với 0,81%; đất phi nông nghiệp chiếm 33,31%, trong đó đất ở chiếm 12,83%; diện tích đất chưa sử dụng chiếm 0,84%.

đơn vị hành chính, hiện nay Bắc Ninh có 06 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố, 06 thị trấn, 120 xã, phường [52].

Bắc Ninh ở vị trí rất thuận lợi về giao thông đường bộ và đường không. Các tuyến đường huyết mạch: Quốc lộ 1A, 1B; Quốc lộ 18; Quốc lộ 38; đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Quảng Ninh nối liền Bắc Ninh với các trung tâm kinh tế, văn hóa và thương mại của khu vực phía Bắc Việt Nam, với cảng hàng không quốc tế Nội Bài và liên thông với hệ thống các trục đường quốc lộ đến mọi miền của đất nước.

Bắc Ninh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với 4 mùa khá rõ rệt; địa hình tương đối bằng phẳng, được ngăn cách với vùng trung du miền núi phía bắc bởi hệ thống sông Cầu. Ngoài ra Bắc Ninh còn có hai hệ thống sông lớn là sông Thái Bình và sông Đuống. Mạng lưới sông ngòi thuộc tỉnh Bắc Ninh khá dày đặc, mật độ khá cao từ 1,0 -1,2km/km2. Trên địa bàn tỉnh còn có sông Cà Lồ nằm ở phía Tây của tỉnh, một phần của sông có chiều dài 6,5 km là đường ranh giới giữa tỉnh Bắc Ninh với thành phố Hà Nội và hệ thống sông ngòi nội địa như sông Ngũ Huyện Khê, sông Dâu, sông Bội, sông Tào Khê, sông Đồng Khởi, sông Đại Quảng Bình. Hệ thống sông ngòi khá dầy đặc ngoài việc đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác tưới tiêu và thoát nước trên địa bàn, đã tạo nên một mạng lưới vận tải đường thủy quan trọng, kết nối các địa phương trong tỉnh và nối liền Bắc Ninh với các tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Với vị trí địa lý, tự nhiên thuận lợi cả về đường thủy và đường bộ đã giúp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn xuất hiện khá sớm và ngày càng phát triển theo sự thay đổi của thời gian. Khi các hoạt động kinh tế phát triển thì đòi hỏi về dân chủ là điều tất yếu vì chỉ có dân chủ mới thúc đẩy kinh tế phát triển. Do đó vị trí địa lý, tự nhiên là một trong những yếu tố hình thành nên phong tục, tập quán, lối sống, nếp sống cũng như tác phong trong công việc của người dân Bắc Ninh. Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện dân chủ ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Một phần của tài liệu Thực hiện dân chủ ở cấp xã thực trạng và giải pháp (Trang 56 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(131 trang)
w