2. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC 1570 VÀ KẾ HOẠCH 798
2.6.3. Bảo tồn các loài chim trên một số vùng biển, đảo của Việt Nam
Kết quả điều tra khảo sát thực địa và thống kê thành phần loài chim của các công trình đã công bố ở các vùng biển, hải đảo của Việt Nam, đã ghi nhận được 346 loài chim định cư và di cư trên các vùng biển, hải đảo của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu chưa phản ánh hết về thành phần loài chim hiện có ở các vùng biển và hải đảo của Việt Nam, vì còn nhiều vùng biển, hải đảo chưa được điều tra khảo sát, đặc biệt là ở một số đảo, quần đảo xa đất liền, phương tiện đi lại còn gặp nhiều khó khăn như quần đảo Trường Sa. Công tác điều tra chim di cư chỉ được thực hiện một cách nhỏ lẻ ở một số đảo như: Cát Bà (Hải Phòng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Côn Đảo (Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang)… Tiềm năng giá trị bảo tồn các loài chim quý hiếm ở mức cao, bởi có 34 loài chim nằm trong danh mục các loài cần được ưu tiên bảo tồn. Trong đó: 9 loài thuộc Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. 20 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 27 loài được ghi trong Danh lục đỏ IUCN (2015). Đã có một số công trình nghiên cứu về hiện trạng các loài chim di cư trên một số vùng biển, đảo của Việt Nam. Các số liệu này còn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa có số liệu đầy đủ về các loài chim di cư trên các vùng biển, hải đảo của Việt Nam, chưa phản ánh hết được tính đa dạng sinh học, đặc biệt là đối với các loài chim di cư ởđây.
Các địa phương đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học biển, tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái biển trước tác động của biến đổi khí hậu như: Lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tại các tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thành lập các khu bảo tồn biển, tiến hành phục hồi và cải tạo chức năng rạn san hô và thảm thực vật cỏ biển và rong biển, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển…
Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương thực hiện rất tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, điển hình là công tác phục hồi, bảo tồn san hô và bãi đẻ của rùa biển tại Côn Đảo. Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thực hiện việc ấp trứng rùa biển tại Côn Đảo để chuyển giao cho các địa phương khác (Quảng Nam) với tỷ lệ thành công rất cao (92,6%).