4 Roland Barthes, Những huyền thoại, Phùng Văn Tửu dịch, NXB Tri thức, 2008, tr
1.3. Tái hiện huyền thoại trong tác phẩm điện ảnh cải biên: cơ chế và tác dụng 1 Cơ chế chuyển vị mã ngôn ngữ và lấp đầy chất liệu nghệ thuật của cả
1.3.1. Cơ chế chuyển vị mã ngôn ngữ và lấp đầy chất liệu nghệ thuật của cải biên trong việc tái hiện huyền thoại
1.3.1.1. Chúng tôi cho rằng, chuyển vị mã ngôn ngữ là thao tác mang tính hạt nhân của hiện tượng cải biên, đồng thời là cơ chế sản sinh huyền thoại thông qua các tác động đóng khung thị giác và thính giác đến người xem. Trên cơ cở kịch bản điện ảnh, tác phẩm cải biên được tiếp nhận và triển khai ở nhiều phương diện. Do đó, có thể nói, nhà biên kịch là đối tượng cơ bản thực hiện thao tác chuyển vị mã ngôn ngữ của môi trường trung giới trước đó sang ngôn ngữ điện ảnh, đáp ứng các yêu cầu định hướng cho công việc của các bộ phận nghệ thuật khác tham gia sản xuất tác phẩm điện ảnh. Nói cách khác, nhà biên kịch tái sáng tạo một câu chuyện, một nhân vật, một bối cảnh, một hành vi, một lời nói, từ cách nói của một thể loại, ví dụ như văn học, sang cách nói của điện ảnh. Diễn ngôn điện ảnh là diễn ngôn của sự kết hợp các khung hình, sự di chuyển của máy quay và sự vận dụng âm thanh, ánh sáng
- những điều này được đề cập một cách rõ ràng tại kịch bản điện ảnh, điểm khác biệt đáng kể cần lưu ý khi nhận diện và đánh giá kịch bản điện ảnh, so với một tác phẩm văn học. Một văn bản kịch bản đầy đủ, mẫu mực, đáp ứng mục tiêu sáng tạo nên ngôn ngữ điện ảnh toàn vẹn luôn miêu tả đầy đủ các yếu tố khách quan và chủ quan, và vạch ra những định hình rõ ràng về cả hình ảnh lẫn âm thanh, cơ bản bao gồm: mở cảnh (scene heading), hành động (action), tên nhân vật (character name), đối thoại (dialogue), nội dung phản ánh khác (ví dụ: thái độ) nằm trong ngoặc đơn (parenthetical), các yếu tố mở rộng (vd: tiếng ngoài hình) (extensions), cách chuyển cảnh (transition), cảnh quay (shot). Tuy nhiên, sự ra đời của một tác phẩm điện ảnh không thể dừng lại tại kịch bản văn học mà cần đến bước chuyển đổi mấu chốt những thông tin được đề cập từ kịch bản sang trạng thái thể hiện đa giác quan. Nếu độc giả văn học cần thiết phải vận dụng khả năng ngôn ngữ trong việc đọc hiểu ý nghĩa của từ, ngữ, câu, trong sự kết hợp của các biện pháp tu từ, các phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ để tưởng tượng và cảm nhận, thì, khán giả điện ảnh cải biên cần thiết lưu tâm đến sự hiện diện và liên kết của chuỗi hình ảnh, sự trình hiện được sắp đặt có chủ đích của yếu tố nhân vật và bối cảnh, sự nhận thức cơ bản về các loại âm thanh, để nhìn - nghe - cảm nhận.
1.3.1.2. Trong quá trình chuyển vị hệ thống các mã này, thao tác tất yếu là sự bổ sung hoặc loại trừ các hình thức nhằm lấp đầy ngôn ngữ điện ảnh, vốn đòi hỏi sự tập hợp đa dạng chất liệu. Những bổ sung hoặc loại trừ này được thực hiện vô cùng linh hoạt, khó có cách tập hợp và phân loại nào vừa bao quát toàn bộ các trường hợp, vừa tránh được những liệt kê trùng lặp hay nhỏ nhặt. Về phía người viết, chúng tôi lựa chọn cách thức đề cập đến hai đối tượng cơ bản xuất hiện trong mỗi khung hình là nhân vật và bối cảnh khi triển khai phân tích vấn đề này. Nhân vật và bối cảnh khi được diễn giải bằng ngôn ngữ điện ảnh đều mang tính chất kí hiệu. Mặt khác, đó là sự trình hiện thị giác không thể thoát khỏi sự chi phối của những yêu cầu thông thường về tính khách quan và tính toàn vẹn. Vì thế, rất nhiều yếu tố từ tác phẩm được cải biên buộc phải loại trừ cũng như nhà cải biên buộc phải sáng tạo cộng hưởng vô số chi tiết xung quanh bối cảnh và nhân vật để đáp ứng điều kiện tồn tại của tác phẩm cải biên trong hình thức điện ảnh. Nếu một phim điện ảnh cải biên từ một tác phẩm văn học và nội dung tác phẩm này phần lớn được triển khai ở góc độ
tự sự, thì, nhà cải biên buộc lòng sáng tạo hầu hết toàn bộ các chi tiết về bối cảnh trong một cảnh phim bất kì được chọn lựa, nhằm đáp ứng điều kiện về tính khách quan (như không gian ấy sẽ được trình hiện ra sao, máy quay sẽ đặt ở góc độ nào, mức độ và phạm vi điều phối ánh sáng,v.v..). Nếu một nhân vật văn học được nhà văn lựa chọn miêu tả ở khía cạnh khuôn mặt, dáng hình, hành vi, thái độ là đủ cho sự diễn giải và sự tham dự đối với tác phẩm, thì, nhà cải biên, tùy thuộc vào mục tiêu cải biên của mình, không tránh khỏi nhiệm vụ thiết kế phục trang, xác định tính chất giọng nói hay cách thức tương tác đối thoại cùng các đối tượng được dàn cảnh, nhằm đáp ứng điều kiện về tính toàn vẹn thông thường của sự xuất hiện của một nhân vật là con người.