4 Roland Barthes, Những huyền thoại, Phùng Văn Tửu dịch, NXB Tri thức, 2008, tr
1.2.2. Đọc và giải mã huyền thoạ
Roland Barthes đã tạo ra ba kiểu đọc huyền thoại khác nhau, trên cơ sở xem xét hai mặt của cái biểu đạt huyền thoại: vừa là nghĩa vừa là hình thức. Cách thứ nhất: ta xét từ cơ sở quan niệm cái biểu đạt trống rỗng và khái niệm lấp đầy hình thức của huyền thoại. Lúc này, sự biểu đạt trở thành nghĩa đen, là một ví dụ biểu tượng cho khái niệm.
Cách thứ hai: ta xét từ cơ sở quan niệm cái biểu đạt là một nghĩa đầy ắp và nghĩa này phân biệt rõ ràng với hình thức, từ đó ta tập trung ý thức vào sự biến dạng của nghĩa. Sự thấu hiểu ấy của ta về huyền thoại khiến ta nhìn hình thức như là ngoại hiện của khái niệm.
Cách thứ ba: ta xét từ cơ sở quan niệm cái biểu đạt của huyền thoại là một tổng thể không thể chia tách của nghĩa và hình thức (người viết cho rằng chúng ta có thể dùng hình ảnh “hai mặt của một tờ giấy” để diễn tả tính chất này). Như vậy, sự biểu
đạt ở đây có sự nhập nhằng qua lại nhưng theo Roland Barthes, đây mới là cách đọc đáp ứng tính năng động và tính mục đích của huyền thoại: cái biểu đạt chính là sự hiện diện của cái được biểu đạt. Nói cách khác, người đọc huyền thoại không vạch trần nó - như hai cách đọc trên - vì bản thân huyền thoại không có gì để che giấu. Như đã nói, huyền thoại là một sự biến dạng, một sự chuyển hướng tâm trí tiếp nhận của chúng ta để nhận diện khái niệm trong huyền thoại như bản chất và quan trọng nhất là, chúng ta nhận diện khái niệm ấy một cách hoàn toàn tự nhiên.
Như vậy, đối mặt với một biểu đạt bất kì và chúng ta ngay lập tức được nối kết với một khái niệm, thì, sự hiện diện ấy mới chính là cách đọc huyền thoại xác đáng. Mọi sự cố gắng phân tách và bóc trần điều ẩn giấu của biểu đạt, không được xem như một cách đọc huyền thoại đúng với mục đích sản sinh của nó.
Chính vì thế, trong phần nội dung sau, khi tiến hành đọc huyền thoại người nữ được tái hiện trong ba sản phẩm điện ảnh cải biên, người viết cố gắng đảm bảo những yêu cầu của cách đọc huyền thoại thứ ba: nhận diện đối tượng điện ảnh vừa là nghĩa (meaning), kết thúc hệ thống kí hiệu thứ nhất, vừa là hình thức (form), khởi đầu hệ thống kí hiệu thứ hai, khai thác sự tồn tại năng động của những ấn tượng thị giác xuất hiện trong ba bộ phim.