Trong những năm gần đây, các chương trình dạy nghề ở Ninh Bình phát triển mạnh. Sau nhiều năm tổ chức các lớp dạy nghề, hầu hết các lớp học nghề phù hợp với lao động trong tỉnh vì không cần trình độ cao; sau đào tạo, phần lớn người lao động có thể vận dụng được kiến thức đã học vào thực tiễn, có thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần cùng địa phương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Chương trình dạy nghề của các cơ sở tại Ninh Bình trong những năm qua đã từng bước đáp ứng nhu cầu của người học.
Hoạt động phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề:
- Tỉnh đã xây dựng 37 danh mục nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn (Trong đó, nghề phi nông nghiệp là 29 nghề, nghề nông nghiệp là 8 nghề).
- Trên cơ sở chương trình khung dạy nghề sơ cấp của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Đề án 1956 của tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng, ban hành khung chương trình và bài giảng cho 29 nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp và 8 nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh đó các chương trình dạy nghề của Ninh Bình còn tồn tại một số bất cập như: chương trình, giáo trình chậm đổi mới, chưa đảm bảo tính hiện đại, nhà trường chưa gắn chặt với nhu cầu xã hội và lao động nghề nghiệp. Chương trình dạy nghề đã ngày càng phong phú với nhiều loại hình và phương thức, ngành nghề đào tạo; nhiều trường và cơ sở dạy nghề có cơ chế để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình biên soạn chương trình dạy nghề; đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo; qua đó, nắm bắt nhu cầu, số lượng và các yêu cầu của doanh nghiệp về lao động để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo. Nhưng một số chương trình dạy nghề của các cơ sở vẫn chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của người lao động, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương và chưa thực sự gắn với nhu cầu của người lao động nông thôn; nhiều cơ sở dạy nghề thiếu sự quản lý chặt chẽ về chất lượng dạy và học.
(Nguồn: Trang thông tin điện tử của Tổng cục dạy nghề- Bộ lao động thương binh và xã hội)