Ninh Bình có vị trí quan trọng của vùng cửa ngõ miền Bắc và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Đây là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa khu vực châu thổ sông Hồng với Bắc Trung Bộ, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng rừng núi Tây Bắc. Thế mạnh kinh tế nổi bật của Ninh Bình là các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và du lịch.
Trong những năm gần đây kinh tế Ninh Bình liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số, năm 2010 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 11/63, liên tục nằm trong nhóm tỉnh đứng đầu miền Bắc. Ninh Bình là một trong những tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam; Năm 2010 thu ngân sách đạt 3.100 tỷ đồng trong khi diện tích và dân số tỉnh chỉ đứng thứ 56/63 và 43/63. Cơ cấu kinh tế trong GDP năm 2011: Công nghiệp - xây dựng: 49%; Nông, lâm - ngư nghiệp: 15%; Dịch vụ: 36%.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Ninh Bình sẽ có 1 đô thị trung tâm loại I là thành phố Ninh Bình mở rộng khoảng 21.124 ha, 1 đô thị loại II là Tam Điệp, 2 đô thị loại III là Nho Quan, Phát Diệm và 15 đô thị khác là: Me, Yên Ninh, Yên Thịnh, Gián Khẩu, Rịa, Ngã ba Anh Trỗi, Gia Lâm, Khánh Thành, Khánh Thiện, Vân Long, Bút, Lồng, Bình Minh, Kim Đông, Cồn Nổi. Quy mô với tổng diện tích quy hoạch được xác định là gần 1.390 ha.
Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án 1956) trên địa bàn Ninh Bình bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, tạo được chuyển biến cơ bản, quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu:
Bình đã tổ chức triển khai Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn, sự vào cuộc của các tổ chức, các hội, đoàn thể và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Qua 3 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã tổ chức được 1.289 lớp dạy các nghề như may công nghiệp, đan cói, chẻ tăm hương, đá mỹ nghệ, cơ khí, mộc, xây dựng, điện tử, hàn cơ khí, móc sợi, đính hạt cườm, đan cói, đan bèo bồng, thêu ren... Trong đó, dạy nghề theo hình thức dài hạn cho 14.800 người, chiếm 29,83%; dạy nghề ngắn hạn cho 34.815 người, chiếm 70,17%. Các lao động tham gia học nghề thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, hộ bị thu hồi đất canh tác và lao động nông thôn. Nét nổi bật trong hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua là đã tiến hành đào tạo nghề theo mô hình liên kết với doanh nghiệp và các làng nghề truyền thống đã giúp cho nhiều lao động tìm được việc làm phù hợp ngay tại địa phương. Tỷ lệ lao động gắn với việc làm và có việc làm mới sau học nghề đạt trên 70%, với mức thu nhập trung bình từ 800.000 đồng đến 3 triệu đồng /người /tháng.
Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Đề án 1956, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội của tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của 760 doanh nghiệp lớn trên địa bàn và năng lực dạy nghề của 53 cơ sở dạy nghề để đảm bảo hoạt động đào tạo nghề đạt hiệu quả. Tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề công lập của tỉnh. Hiện, đang tập trung xây dựng Trường Trung cấp nghề Nho Quan với nguồn kinh phí được phê duyệt là 75 tỷ đồng, đã đầu tư được 30,5 tỷ đồng. Trung tâm Dạy nghề huyện Hoa Lư, Gia Viễn đang được tập trung xây dựng. Trung tâm Dạy nghề Kim Sơn, thị xã Tam Điệp, Yên Mô, Yên Khánh, thành phố Ninh Bình được đầu tư mua sắm thiết bị dạy nghề. Tỉnh cũng đã tổ chức
bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 233 giáo viên và người dạy nghề. Chất lượng các lớp dạy nghề ngày càng được nâng cao.
Thực hiện Đề án 1956 hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên rõ rệt. Người học nghề đã tiếp cận được kiến thức chuyên môn, biết cách làm nghề, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, có cơ hội vào làm việc tại các doanh nghiệp. Ở một số nơi, tiêu biểu là ở các xã thí điểm, các mô hình dạy nghề đã góp phần hình thành mô hình sản xuất mới, những nông dân đã qua đào tạo nghề là lực lượng nòng cốt, có không ít lao động nông thôn sau học nghề đã trở thành chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nhiều người có điều kiện, họ trở thành những người đào tạo lại cho lao động mới. Có thể thấy, những kết quả đạt được của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Ninh Bình đã đi đúng hướng, nhiều lao động nông thôn được giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định, nhiều hộ trở thành triệu phú, tỷ phú. Ở một số nghề chất lượng lao động bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn một bộ phận hạn chế, như nhận thức về học nghề để có việc làm của một số người lao động chưa cao nên việc đăng ký học nghề còn mang tính phong trào; một số địa phương, cơ sở dạy nghề chưa quan tâm gắn dạy nghề với giải quyết việc làm, chọn ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế nên lao động sau đào tạo chưa tìm được việc làm phù hợp; cơ sở dạy nghề ngoài công lập và doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề còn ít...
Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có từ 55-60% lao động qua đào tạo nghề, giai đoạn 2011-2015 có 70-80%, giai đoạn 2016-2020 có 80-90% số lao động học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm, công tác đào tạo nghề cần được quan tâm sát sao hơn nữa để bản thân người lao động nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc lựa chọn nghề, tích cực học nghề để hành nghề, để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng quê hương giầu mạnh. Bên cạnh đó, cần làm tốt
công tác xã hội hóa hoạt động dạy nghề để huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia đào tạo nghề...