Nhờ việc xã hội hoá công tác y tế bao gồm cả xã hội hoá công tác phát triển dược liệu và hệ thống phục vụ y tế bằng YHCT, trong những năm gần đây ngành Y tế đã thu được những kết quả đáng kích lệ. Đông Y Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, có vị trí ngày càng quan trọng và đã hình thành một hệ thống từ trung ương đến địa phương. Tính đến hết năm 2001, cả nước có 5 Viện nghiên cứu, 46 bệnh viện YHCT cấp tỉnh, 78% số tỉnh miền núi có bệnh viện Đông Y, 50
% số bệnh viện Tây y có khoa hoặc tổ đông y, 25% số trạm Y tế có bộ phận khám chữa bệnh bằng đông y và trên 10.000 cơ sở YHCT tư nhân. Sự phát triển của hệ thống Đông y đã góp phần thúc đẩy thị trường Đông dược trong nước [23].
Tính đến hết năm 2005, trong tổng số 35 dự án đầu tư của nước ngoài vào ngành công nghiệp Dược, có 4 dự án sản xuất thuốc có nguồn gốc Dược liệu và trong số 286 DN Dược nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có 1 công ty sản xuất thuốc YHCT.
Các cơ sở sản xuất thuốc YHCT ngày càng được nâng lên cả về chất lượng và số lượng. Cả nước có trên 300 cơ sở, xí nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc YHCT [18].
Bảng 1.2 : Tổng sô thuốc Đông dược được đăng kí còn hiệu lực tính đến hết năm 2005
Năm SDK mới thuốc Đông dược
2001 354 2002 268 2003 310 2004 396 2005 590 Tổng số 1918
Đặc biệt trong danh mục thuốc thiết yếu lần thứ 5 có 94 chế phẩm là thuốc Đông dược chia thành 11 nhóm, 60 cây thuốc và 215 vị thuốc [8].
Thuốc YHCT đa dạng về chủng loại và giá cả phù hợp đã dần đáp ứng nhu cầu phòng và chữa bệnh của nhân dân. Thuốc YHCT Việt Nam đã được xuất khẩu sang một số nước như các nước SNG, Cuba, Lào, Thái Lan, Campuchia.
Từ các số liệu trên cho thấy: sản xuất thuốc Đông dược ngày càng thu hút được sự quan tâm của các DN, có lẽ do quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng không quá khắt khe như tân dược, trong khi lợi nhuận mà nó mang lại tương đối cao. Tuy nhiên một vấn đề cần được quan tâm hơn cả là việc tiêu chuẩn hoá chất lượng Đông dược. Mặc dù trong những năm qua, Bộ Y tế cũng đã ban hành 276 tiêu chuẩn chất lượng dược liệu và 36 tiêu chuẩn chất lượng Đông dược trong Dược điển Việt Nam III làm cơ sở tiêu chuẩn hoá chất lượng đầu vào cho dược liệu và đầu ra cho sản phẩm song những tiêu chuẩn này vẫn chưa đủ để thuốc Đông dược Việt Nam vượt qua dược các hàng rào kinh tế kỹ thuật hướng đến thị trường nước ngoài.
Theo số liệu thống kê của Viện kiểm nghiệm TW, năm 2004, trong tổng số 3.867 mẫu Đông dược được kiểm nghiệm có 389 mẫu không đạt yêu cầu, chiếm tới 10,05% (gấp 2,9 lần tỷ lệ thuốc trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng).Và đa số không đạt yêu cầu về độ nhiễm khuẩn [18].
Tính đến hết năm 2005 trong số 16 thuốc Bộ Y tế rút SDK thì có tới 9 chế phẩm thuốc Đông dược. Hầu hết các chế phẩm Đông dược bị rút SDK là do trong thành phần có lẫn tân dược.
Do vậy có thể nói việc tiêu chuẩn hoá chất lượng các thuốc Đông dược là rất cần thiết.