Các tai biến, biến chứng khác ở hậu phẫu

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả vô cảm và tính an toàn của gây mê propofol kiểm soát nồng độ đích cho nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng ở bệnh nhân ngoại trú (Trang 122 - 124)

4.3.5.1. Ức chế hô hấp

Ức chế hô hấp là khi BN có nhịp thở <10 hay >25 lần/phút, và hoặc SpO2 < 92% (thở khí trời), <96% (thở oxy qua mũi) hay các trường hợp tăng tiết đờm dãi phải hút, bóp bóng ambu hay kê gối hỗ trợ dưới vai [115].

Có 3 BN nhóm BTĐ (5%) có biểu hiện suy hô hấp do tăng tiết, SpO2 < 96% (thở oxy 3 lít/phút) phải hút đờm nhớt, nâng hàm và kê gối dưới vai. Tuy nhiên sau đó các BN này đều ổn định và đủ điểm xuất viện trong ngày.

Vấn đề an toàn về hô hấp luôn được chúng tôi chú trọng. Đến phòng hồi tỉnh BN tiếp tục được theo dõi và đánh giá mỗi 3-5 phút. Về hậu phẫu thì cơ bản các BN đã hoàn toàn tỉnh táo. Họ đều được cho thở thở oxy 3 lít/phút.

110

Theo một số tác giả, cung cấp oxy góp phần làm giảm nôn ở hậu phẫu [68]. Tuy nhiên chúng tôi vẫn gặp 3 trường hợp phải hỗ trợ hô hấp như đã trình bày ở trên.

4.3.5.2. Ức chế tuần hoàn

Chúng tôi không thấy trường hợp nào tần số tim chậm hay hạ HA ở hậu phẫu. Lượng dịch truyền ở 2 nhóm là tương đương nhau, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Tần số tim chậm và hạ HA chỉ xảy ra sau khi tiêm liều bolus đầu tiên. Vì thế, mặc dù tỉ lệ hạ HA và tần số tim chậm trong nghiên cứu của chúng tôi khá cao, nhưng hoàn toàn không thấy ở thời kỳ hậu phẫu. Đây là đặc điểm dược lý của propofol [26].

4.3.5.3. Đau

Chúng tôi gặp 15 BN nhóm TCI (25%) và 19 BN nhóm BTĐ (31,7%) có đau đường tiểu. Đau són đường tiểu (stranguria) là dạng đau do chấn thương sau can thiệp. Một số BN có cảm giác tức sau lưng. Mức đau trung bình theo VAS ở hậu phẫu chỉ là 3,0±0,4 ở nhóm TCI và 2,9 ±0,5 ở nhóm BTĐ, không có sự khác biệt giữa 2 nhóm nghiên cứu. Không một ca nào phải cho thêm giảm đau nhóm á phiện.

Hỏi các BN có đau nơi tiêm thuốc hay không, các BN được xác định có đau do tiêm propofol lúc khởi mê đều trả lời không đau. Kiểm tra kỹ lại, chúng tôi không thấy có hiện tượng viêm hay phù nề nơi đặt đường truyền tĩnh mạch, do đó không phải xử trí gì thêm.

4.3.5.4. Run

Có 5 BN run ở hậu phẫu (tỉ lệ chung 4%). Trong đó 3 ở nhóm TCI và 2 ở nhóm BTĐ. Nguyên nhân của run thường được cho là do lo lắng, mệt, nhịn ăn và mất nhiệt tại phòng mổ. Các BN này đều được đắp ấm và sưởi đèn.

111

Henric và cộng sự cũng nghi nhận run gặp nhiều hơn trong nhóm propofol so với nhóm thuốc mê hô hấp, nhất là khi có phối hợp với remifentanil [72].

4.3.5.5. Nôn

Các nguyên nhân gây nôn hậu phẫu được nhắc đến nhiều nhất là thuốc mê hô hấp, các thuốc nhóm á phiện, các tác nhân giãn cơ và hóa giải giãn cơ, cuối cùng là các thuốc kháng viêm giảm đau.

Chúng tôi chỉ gặp 1/120 trường hợp (0,8%) có nôn ở hậu phẫu và đáp ứng tốt với điều trị bằng ondansetron 4mg tiêm TM chậm.

Sreevastava và cộng sự [124] thấy tỉ lệ nôn hậu phẫu thấp hơn ở nhóm propofol so với nhóm thuốc mê hô hấp. Moore và cộng sự [101] cũng ghi nhận propofol có tác dụng giảm nôn hậu phẫu trong vòng một giờ đầu.

4.3.5.6. Bí tiểu

Có 4 BN nhóm TCI (6,7%) và 3 BN nhóm BTĐ (5%) có bí tiểu ở hậu phẫu. Tính chung 2 nhóm, tỉ lệ bí tiểu là 5,6%.

Về nguyên nhân của bí tiểu, chúng tôi nghĩ chủ yếu do chấn thương. Các nguyên nhân do thuốc mê propofol và fentanyl rất ít. Chúng tôi cũng không loại trừ sự phối hợp giữa 2 nguyên nhân trên.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả vô cảm và tính an toàn của gây mê propofol kiểm soát nồng độ đích cho nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng ở bệnh nhân ngoại trú (Trang 122 - 124)