Một xu thế tất yếu của thời đại ngày nay là toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới. Bởi toàn cầu hóa tuy có nhiều nhược điểm nhưng có một ưu điểm rất lớn là làm cho nền kinh tế thế giới phát triển năng động và vững chắc hơn. Toàn cầu hóa làm cho giao thương giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới phát triển mạnh mẽ và đương nhiên sẽ kéo theo những nhu cầu mới về vận tải, kho bãi, các dịch vụ phụ trợ…. Xu thế mới của thời đại sẽ dẫn đến bước phát triển tất yếu của logistics – logistics toàn cầu (Global Logistics).Trong vài thập niên đầu thế kỷ 21 logistics sẽ phát triển theo xu hướng chính sau :
Xu hướng thứ nhất, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử ngày càng phổ biến và sâu rộng trong các lĩnh vực logistics, như : hệ thống thông tin Quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu, công nghệ nhận dạng bằng tần số Radio (Radio Frequency Identification – RFID)…vì thông tin được truyền càng nhanh và chính xác thì các quyết định trong hệ thống logistics càng hiệu quả.
Xu hướng thứ hai, phương pháp quản lý logistics kéo (Pull) ngày càng phát triển mạnh mẽ và dần thay thế cho phương pháp logistics đẩy (Push) theo truyền thống.
Phương pháp Đẩy: là phương pháp tổ chức sản xuất theo dự báo nhu cầu thị trường. Phương pháp này tạo ra hàng tồn kho và “đẩy” hàng ra thị trường để đáp ứng nhu cầu thực tế. Phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, có nhiều thời gian để sản xuất, hạ giá thành sản phẩm nhờ phát huy tính kinh tế về quy mô và đường cong kinh nghiệm. Nhưng bên cạnh đó phương pháp này bộc lộ những nhược điểm lớn như: Tạo ra khối lượng hàng tồn kho lớn, chu kỳ sản xuất dài, chi phí dự trữ cao…Phương pháp Kéo: hoạch định sản xuất dựa trên nhu cầu và đơn hàng thực tế của thị trường. Phương pháp này có ưu điểm là giảm thiểu khối lượng và chi phi hàng tồn kho, rút ngắn chu trình sản xuất, nhờ đó giảm vốn lưu động, tăng vòng quay vốn, phản ứng nhanh và hiệu quả hơn với những thay đổi của thị trường.
Xu hướng thứ ba, thuê dịch vụ logistics từ các công ty logistics chuyên nghiệp ngày càng phổ biến. Thực tế cho thấy việc sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ logistics đã đem lại những nguồn lợi rất to lớn cho doanh nghiệp, nhờ giảm chi phí đầu tư cho hoạt động logistics, các doanh nghiệp có thể giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thương trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó các công ty logistics chuyên nghiệp còn có thể giúp doanh nghiệp: Thâm nhập thị trường mới, tiếp cận công nghệ mới và được cung cấp những thông tin kịp thời, chính xác về nguồn cung cấp cũng như thị trường tiêu thụ.
Mỗi công ty logistics sẽ có những chiến lược phát triển cho riêng mình, nhưng tựu chung lại thường theo những hướng chính sau: Mở rộng phạm vi nguồn cung ứng và phân phối; Đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ; Phát triển các dịch vụ làm tăng giá trị gia tăng; Đẩy mạnh hoạt động marketing logistics; Không ngừng làm mới các hoạt động logistics; Thiết kế mạng lưới phân phối ngược, thực hiện quản lý việc trả lại hàng hóa cho nhà phân phối, nhà sản xuất hoặc người bán hàng; Phát triển mạnh thương mại điện tử, coi đây là một bộ phận quan trọng của logistics; Ứng dụng những thành tựu mới của công nghệ thông tin; Nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo uy tín và niềm tin đối với khách hàng; Không ngừng cải tiến bộ máy quản lý, tích cực đào tạo nhân viên trong các công ty logistics.