Cải cách chính sách và cơ chế quản lí nhập khẩu

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh dịch vụ nhập khẩu mặt hàng trang thiết bị y tế bằng đường hàng không tại công ty cổ phần airseaglobal (Trang 69 - 70)

Nhà nước cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách, cơ chế điều hành xuất nhập khẩu phù hợp với tiến trình hội nhập, phù hợp với chính sách bảo hộ có chọn lọc, có điều kiện và có thời gian.

Tại Việt Nam, từ trước đến nay, quản lý nhà nước chuyên ngành đối với dịch vụ cảng hàng không được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: hàng không, thương mại, tài chính, xuất nhập cảnh… Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật nói trên đều có nội dung liên quan đến các hoạt động hàng không nên không tránh khỏi sự chồng chéo, mâu thuẫn và tất nhiên chưa phù hợp với với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Do vậy, hệ thống pháp luật được xây dựng đồng bộ, theo đúng kỹ thuật quốc tế sẽ giúp khắc phục dần những yếu kém của dịch vụ và doanh nghiệp trong quá trình tham gia thương mại quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của chính mình.

Việc quản lý TTBYT cần vừa phù hợp thực tế vừa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. TTBYT phải được quản lý chặt chẽ theo chu trình vòng đời của sản phẩm, từ giai đoạn sản xuất, thử nghiệm, lưu thông trên thị trường đến quá trình sử dụng và bảo hành, bảo dưỡng. Để đạt được mục tiêu đó, cần có văn bản quy định cụ thể về quản lý TTBYT để tạo hành lang pháp lý. Nguyên tắc quản lý TTBYT là luôn xác định được một chủ thể chịu trách nhiệm về chất lượng của TTBYT trong quá trình lưu thông trên thị trường. TTBYT cần có số lưu hành để quản lý và truy xuất được nguồn gốc, được công khai hồ sơ kỹ thuật. Đồng thời quy định rõ, trong quá trình sử dụng, TTBYT cần được kiểm định, hiệu chuẩn định kỳ.

Hiện có 15.000 chủng loại mặt hàng, mỗi sản phẩm lại có mức rủi ro khác nhau, không có giới hạn về nguyên vật liệu sản xuất hay chỉ định mục đích sử dụng. Do vậy, để quản lý tốt TBYT đòi hỏi phải phân loại rõ ràng về mức độ rủi ro trên cơ sở xây dựng danh mục TBYT thường xuyên được cập nhật, vừa đảm bảo tính khả thi vừa thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng cường quản lý nhà nước về TBYT.

Đề xuất đưa ra:

- Nhà nước cần nghiên cứu để xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo tính nhất quán, thông thoáng và hợp lý trong các văn bản, quy định liên quan đến giao nhận hàng hóa quốc tế, hoạt động kinh tế quốc tế, điều tiết các thông lệ quốc tế; thực hiện các văn bản dưới luật hiệu quả nhằm hiện thực hóa Luật thương mại; hoàn thiện quy chế, chính sách về nguồn vốn đầu tư cho hoạt động giao nhận quốc tế.

- Đơn giản hóa thêm, công khai hóa và hiện đại hóa các thủ tục hải quan theo hướng áp dụng các biện pháp như phân luồng hàng hóa, quy chế khai báo một lần, phân cấp rộng hơn quyền ký tờ khai hải quan.

- Ngành Hải quan nên tận dụng tối đa những tiến bộ trong công nghệ thông tin, áp dụng việc làm thủ tục, kiểm tra hồ sơ qua mạng thay vì đến nơi mới bắt đầu kiểm tra khi làm thủ tục thông quan. Việc này sẽ giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.

- Nhà nước cần nâng cao tính ổn định, đặc biệt là tính có thể nhận biết trước được của chính sách, cơ chế điều hành nhập khẩu để cho các công ty nhập khẩu hàng hóa có thể ứng phó kịp thời với những thay đổi, từ đó hoạt động kinh doanh sẽ không bị gián đoạn.

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh dịch vụ nhập khẩu mặt hàng trang thiết bị y tế bằng đường hàng không tại công ty cổ phần airseaglobal (Trang 69 - 70)